Quy trình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm

23/07/2013 18:56

(Baonghean) - Cá rô đầu vuông là loài cá dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam bộ. Ở Nghệ An, mới đây, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã nuôi thử nghiệm thành công đối tượng này thông qua việc thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông tại Nghệ An”. Dự án đã hoàn thiện quy trình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại Nghệ An:



Cá rô đầu vuông tại thời điểm thu hoạch.

1. Chuẩn bị ao nuôi

- Điều kiện ao: Ao nuôi có diện tích 1.000 - 5.000m2, độ sâu 1,4 - 2m, bùn đáy 15 - 20cm, pH đất = 6,5 - 8, bờ ao được đắp vững chắc, có cống cấp và thoát nước chủ động.

- Cải tạo ao: Bơm cạn ao, vệ sinh xung quanh bờ ao, lấp hang hốc rò rỉ nước, trang đều nền đáy, bón vôi khử trùng, diệt tạp với lượng 7 - 12 kg/100m2, phơi đáy ao 2 - 3 ngày.

- Gây màu nước: Sau khi lấy nước vào ao gây màu: dùng 2 - 3 kg NPK/100m2 tạt đều xuống ao tạo nguồn thức ăn ban đầu là tảo và động vật phù du cho cá.

- Lấy nước: Nguồn nước trong sạch, không nhiễm bệnh, không bị ô nhiễm, nước lấy vào được lọc qua lưới tránh địch hại và cá tạp vào ao. Lấy 1,2 - 1,5m nước vào ao trước khi thả cá 2 - 3 ngày.

- Căng lưới chắn xung quanh bờ ao để tránh cá vượt ra ngoài

2. Thả giống

Chất lượng giống: Chọn cá thể khoẻ mạnh, không bị xây xát, dị hình, dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, đồng đều, không mất nhớt và bơi thành đàn, chọn đúng giống cá rô đầu vuông. Cỡ cá thả: 300 - 350 con/kg. Mật độ: 20 - 40 con/m2.
Trước khi thả cá giống phải tắm cho cá bằng muối 15 - 30‰ trong 15 - 30 phút.

3. Chăm sóc và quản lý

- Thức ăn: Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm 25 - 30%. Hệ số chuyển đổi thức ăn công nghiệp là 1,6-1,8. Định kỳ bổ sung thêm vitamin C, khoáng với hàm lượng 5g/1kg thức ăn trộn vào thức ăn, cho cá ăn để tăng sức đề kháng. Tỷ lệ cho cá ăn từ 2 - 4% trọng lượng thân, tùy theo trọng lượng và giai đoạn phát triển của cá. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào 8 - 9h sáng và 4 - 5h chiều.

- Quản lý chất lượng nước: Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi chất nước ổn định trong sạch. Khi màu nước nhạt cần bón phân vô cơ với lượng 1,5-3,0kg đạm và 0,8 - 1,5kg lân/1.000 m2, ao tuỳ vào màu nước để bón liều lượng phù hợp, bón vào lúc trời mát. Sau khi bón cần quan sát màu nước tránh bón nhiều làm nước bị ô nhiễm. Thay nước tạo dòng chảy thường xuyên cho ao nuôi tránh trường hợp nước bẩn, cá dễ bị nhiễm bệnh. Luôn duy trì độ trong khoảng 35cm. Thường xuyên kiểm tra pH khoảng 7 - 8. Nếu pH giảm dùng Zeolite để ổn định với lượng 7 - 10kg/1.000m2. Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vôi xử lý môi trường nước ao với lượng 2 - 2,5 kg/100 m2 ao.

4. Phòng và trị bệnh cho cá

Cá rô đầu vuông ít mắc bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh thường gặp ở cá rô đầu vuông là bệnh sình bụng, đen thân, xuất huyết cấp tính, nấm thủy mi, lở loét. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh là do chế độ cho ăn không hợp lý, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm hoặc do chất lượng thức ăn đang sử dụng không tốt.

Muốn phòng được các loại bệnh này cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn, số lần cho ăn trong ngày sao cho phù hợp, duy trì chất lượng môi trường ao nuôi đảm bảo, định kỳ diệt khuẩn môi trường ao và đặc biệt bổ sung vitamin C.

Khi cá bị bệnh cần chẩn đoán đúng loại bệnh (nấm, ký sinh, giun, sán, vi khuẩn...) để sử dụng các loại thuốc đúng và hợp lý, điều trị kịp thời kết hợp với xử lý môi trường nước, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh, tránh hiện tượng cá chết hàng loạt.

5. Thu hoạch và bảo quản cá

a. Thu hoạch

Để thu hoạch đạt hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến chất lượng cá thương phẩm, thông thường áp dụng một số hình thức sau:

- Thu tỉa: Đối với cá rô đầu vuông thương phẩm càng lớn giá thành càng cao do đó có thể thu tỉa những con có kích cỡ lớn bán trước, con nhỏ tiếp tục để lại nuôi. Phương pháp thu tỉa có thể dùng lưới để thu cá.

- Thu tổng thể: Đối với những ao nuôi cá đạt kích cỡ lớn đồng đều tiến hành thu tổng thể. Trước khi thu ngừng cho cá ăn 1-2 ngày. Dùng lưới thu bớt cá trước khi bơm cạn nước 1 - 2 ngày. Bơm cạn triệt để nước ao tiếp tục thu hoạch.

b. Bảo quản sản phẩm

Cá rô đầu vuông sau khi thu hoạch phải bảo quản sống để tăng giá trị sản phẩm, do đó trước khi thu phải làm tốt công tác chuẩn bị cụ thể. Cần liên hệ, hẹn ngày giao hàng với cơ sở thu mua. Chuẩn bị dụng cụ và địa điểm để lưu cá trong quá trình thu hoạch đảm bảo nước trong sạch, có sục khí để tăng tỷ lệ sống sau thu hoạch và xuất bán tổng thể. Khi thu hoạch phải nhẹ nhàng tránh sây sát làm cá dễ bị chết và nhanh chóng đưa đến điểm lưu cá, với những con bị chết nhanh chóng rửa sạch và bảo quản lạnh.


Tạ Quang Sáng (Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An)

Mới nhất

x
Quy trình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO