Quy trình nuôi thương phẩm cá chình hoa
(Baonghean) - Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm tại Thị xã Cửa Lò” do Công ty CP Tư vấn và Phát triển Thành Vinh chủ trì, Ths. Nguyễn Đình Vinh chủ nhiệm đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả tốt. Từ kết quả đó, xin giới thiệu quy trình nuôi thương phẩm cá chình hoa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thu hoạch cá chình. Ảnh tư liệu |
1. Thiết kế xây dựng ao nuôi cá chình
Cá chình là loài cá chui rúc vào hang, ngách đá, có khả năng vượt bờ ao ra ngoài, đặc biệt là khi trời mưa to, do đó đối với ao, bể nuôi cá chình phải đảm bảo cao trình, có lưới chắn cá; trong ao, bể nuôi có dòng nước luân chuyển, có vật liệu tạo chỗ ẩn nấp cho cá. Diện tích ao nuôi có thể từ 500 - 2.000m²; đáy ao dốc về phía cống thoát; mực nước ao trung bình từ 1,2 - 2,0m. Ao có bờ cao hơn mặt nước lúc cao nhất từ 60cm trở lên, phần trên bờ ao từ 40 - 60cm có rào lưới không cho cá vượt ra khỏi ao, đáy ao là cát hoặc cát bùn, bờ và đáy ao không thẩm lậu, rò rỉ, tháo và lấy nước thuận tiện, gần nguồn điện lưới. Bùn đáy ao từ 15 - 20cm, độ cao bờ ao tối thiểu 1,5m.
2. Kỹ thuật chọn, ương nuôi và thuần hóa cá chình giống
- Nguồn giống cá chình chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên, phương pháp đánh bắt chính hiện nay là: kích điện, câu, đơm đó, vợt. Vì vậy, việc lựa chọn con giống hết sức quan trọng, cần tránh các loại giống đánh bắt bằng kích điện, câu (cá nuôi có tỷ lệ hao hụt cao, chậm lớn). Tiêu chuẩn lựa chọn phải là cá chình khỏe mạnh, không xây xát, không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh.
- Do cá chình hoa giống được đánh bắt ngoài tự nhiên thường có kích cỡ không đồng đều, chưa quen với điều kiện sống trong điều kiện nuôi nhốt, do đó phải có một quá trình ương thuần hóa và phân loại giống trước khi thả nuôi.
- Thường khi đánh bắt ngoài tự nhiên về cá chình hoa giống thường bỏ ăn trong thời gian 15-30 ngày sau đó mới ăn lại. Vì vậy, cá chình hoa giống mới đánh bắt về chúng ta chưa thả nuôi ngay trong ao mà phải có một quá trình ương trong bể, nhằm kiểm soát tỷ lệ hao hụt, cũng như thuần dưỡng cá quen với môi trường nuôi nhân tạo. Trong thời gian này cần quản lý tốt môi trường nước, tăng cường sục khí, tránh va chạm cá giảm xây xát, giữ yên tĩnh, để cá nhanh hồi phục sức khỏe và quen với môi trường nuôi nhốt. Trước khi đưa cá vào thuần hóa cần tắm cho cá bằng nước muối nhạt 0,3-0,5%, trong thời gian 10-15 phút.
- Mật độ ương nuôi: Từ 40-80 con/m² bể, tùy thuộc vào kích cỡ cá.
- Thức ăn của cá chình hoa trong giai đoạn này là giun quế, cá tạp. Khẩu phần ăn 5-10%/ngày trọng lượng thân và điều chỉnh lượng thức ăn theo mức độ bắt mồi của cá. Có thể bổ sung Vitamin C vào thức ăn trong giai đoạn này.
- Giống cá chình hoa sau khi đã được thuần hóa và làm quen với điều kiện nuôi nhốt, đồng thời đảm bảo về tiêu chuẩn đề ra thì tiến hành thả giống theo quy trình kỹ thuật.
3. Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình hoa
*Ao nuôi:
- Ao nuôi có diện tích từ 500 - 1.000m², đã được cải tạo theo quy trình kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, đặc biệt các điều kiện môi trường nước đảm bảo các yêu cầu đặt ra phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá chình hoa giai đoạn nuôi thương phẩm.
* Thả giống:
- Cá chình giống sau khi đã được thuần hóa, quen với môi trường nuôi nhốt, đặc biệt là làm quen với việc sử dụng thức ăn là cá tạp thì tiến hành thả giống theo các yêu cầu kỹ thuật.
- Mật độ thả nên vừa phải, kích cỡ giống thả 50-100g/con, nuôi trong ao đất mật độ 1-2 con/m².
* Chăm sóc quản lý:
- Về thức ăn: Thức ăn cho cá chình hoa là cá tạp tươi có thể xay nhỏ hoặc để nguyên con tùy theo kích cỡ cá. Khẩu phần ăn là 3-10% trọng lượng thân và điều chỉnh theo giai đoạn phát triển, hoạt động bắt mồi của cá. Thức ăn được cho vào sang có gờ cao để trách rơi vãi thức ăn ra ngoài, cho ăn 2 lần/ngày vào 8-9h sáng và 4-5h chiều. Có thể bổ sung giun quế ở giai đoạn đầu.
- Về quản lý chất lượng nước: Luôn phải duy trì ổn định các yếu tố môi trường nước ao nuôi, khi màu nước bị nhạt có thể bổ sung lượng phân phù hợp và bón vào lúc trời mát. Thường xuyên thay nước để đảm bảo nước được sạch, đồng thời tạo dòng chảy trong ao nuôi. Trong ao, bể nuôi có bố trí các vật liệu trú ẩn cho cá, vật liệu là ống nhựa HDPE, lốp xe máy cũ.
Nhìn chung, kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình cũng tương tự nhiều loài cá khác, quan tâm nhất là công trình nuôi và quản lý ao nuôi khi thời tiết thay đổi tránh hiện tượng cá vượt hoặc chui rúc ra ngoài.
* Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm:
- Thu hoạch: Sau thời gian nuôi 15-20 tháng, cá đạt thương phẩm trên 1kg/con tiến hành thu hoạch. Cá chình thương phẩm chỉ có giá trị cao khi còn sống vì vậy kỹ thuật thu hoạch phải đảm bảo đúng cách, nhanh gọn trách xây xát làm hao hụt cá; công tác chuẩn bị dụng cụ giữ cá đầy đủ cũng rất quan trọng. Có thể áp dụng cả hai hình thức thu: Thu tỉa cà thu toàn bộ.
+ Thu tỉa: Cá chình thương phẩm kích cỡ càng lớn gía trị càng cao, vì vậy trong quá trình nuôi nên tiến hành thu tỉa những con lớn bán trước, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Phương pháp thu tỉa chủ yếu là đặt chấu vào ban đêm, sáng hôm sau thu cá trong chấu.
+ Thu toàn bộ: Cuối vụ nuôi tiến hành thu toàn bộ. Trước khi thu ngừng cho cá ăn 1-2 ngày. Thu bằng chấu trước khoảng 2-3 đêm. Rút cạn nước, dung lưới kéo và vợt để bắt cá, không dùng tay bắt.
- Bảo quản
+ Chuẩn bị bể lưu giữ cá có nước trong sạch, sục khí mạnh.
+ Cá sau khi thu hoạch phải được thao tác nhẹ nhàng tránh xây xát cá và đưa vào bể lưu giữ cá.
+ Trong thời gian bảo quản thường xuyên theo dõi và kiểm tra cá nhằm đảm bảo điều kiện bảo quản tốt nhất.
Nguyễn Đình Vinh