Quyết liệt giải phóng mặt bằng

18/07/2014 11:06

(Baonghean) - Sau hơn 6 tháng triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ từ huyện đến xã, Thanh Chương cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng trên diện tích 33,76 ha của Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy. Vấn đề còn lại là nhà đầu tư cần phải tích cực triển khai đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin cho nhân dân.

Cách đây hơn 1 tuần, hộ anh Nguyễn Văn Liệu ở xóm 5, xã Thanh Thủy là hộ cuối cùng trong số 281 hộ dân bị ảnh hưởng đất sản xuất vùng bãi Gia Hóp ký vào hồ sơ nhận đền bù bàn giao mặt bằng cho dự án. Như vậy, chỉ hơn 6 tháng sau khi UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương đã hoàn tất công tác GPMB với khối lượng tái định cư 19 hộ dân và 281 hộ có đất sản xuất trong vùng quy hoạch đồng ý ký bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 33,76 ha. Kết quả này thể hiện sự quyết liệt của huyện, xã phối hợp với nhà đầu tư để có phương pháp triển khai hợp lý, ít có dự án đầu tư nào trong khâu giải phóng mặt bằng làm nhanh như vậy.

Chúng tôi có mặt tại vùng quy hoạch dự án tại xã Thanh Thủy, thời điểm Hội đồng GPMB huyện đang hoàn tất thủ tục theo quy định để chủ đầu tư chi trả tiền đền bù cho các hộ dân, một không khí phấn khởi đón chờ dự án về để làm thay đổi bộ mặt vùng quê ở mỗi hộ dân. Chị Trần Thị Oanh - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 8, Tổ trưởng liên gia số 2, ngoài việc tiên phong để ký văn bản, tạo đồng thuận trong bồi thường GPMB, chị còn tích cực vận động các hộ hội viên và gia đình chấp hành thực hiện. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chị cũng như chi hội mà xóm 8 có đến 57 hộ dân đất sản xuất trong vùng dự án đều nhất loạt đồng tình ký hồ sơ và trở thành xóm hoàn tất thủ tục nhanh nhất của xã Thanh Thủy. Chị Oanh nói: “Nhân dân mong dự án về sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nên chúng tôi đồng tình thỏa thuận đền bù. Chúng tôi mong muốn dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ bởi nếu chậm, dân bàn giao đất rồi khi không thể canh tác, thiếu việc làm, thừa lao động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.”

Chủ đầu tư đã xây dựng hàng rào chuẩn bị triển khai dự án tinh dầu, dược liệu.
Chủ đầu tư đã xây dựng hàng rào chuẩn bị triển khai dự án tinh dầu, dược liệu.

Có thể nói, để tạo sự đồng thuận nhanh trong một thời gian ngắn như vậy, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, UBND xã Thanh Thủy đã đưa vấn đề GPMB thu hút đầu tư đối với dự án tinh dầu, dược liệu là một chương trình trọng tâm trong năm 2014 và phân công cụ thể cho các bộ phận liên quan, các tổ chức hội vận động hội viên đồng thuận thực hiện. Đồng chí Hồ Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Đảng ủy xã ra nghị quyết, theo đó, UBND xã và các xóm tổ chức thực hiện, công tác tuyên truyền đi trước để người dân hiểu về chủ trương thu hút đầu tư, các cơ chế chính sách đền bù GPMB theo quy định của Nhà nước, phần hỗ trợ tăng thêm của doanh nghiệp. Những vấn đề mà nhân dân kiến nghị chính đáng vượt thẩm quyền của xã thì báo cáo với Hội đồng GPMB huyện kiến nghị tỉnh, nhà đầu tư tập trung giải quyết.

Như kiến nghị của nhân dân gần 6.000 m2 đất vùng Hà Sỹ, bãi Dâu giáp xã Thanh Khê không thuộc quy hoạch dự án của nhân dân, nhưng sẽ khó khăn trong sản xuất nếu khi dự án đi vào hoạt động, huyện, xã kiến nghị được chủ đầu tư chấp nhận đền bù thu hồi. Hay như quá trình GPMB đã thu hồi nhà hội quán xóm 8, nên xã Thanh Thủy đã nhanh chóng khảo sát, lựa chọn địa điểm, trưng cầu nhân dân để quyết định phương án xây dựng nhà văn hóa mới diện tích 3.000 m2 tại vùng Cửa Bình. Một điều rất quan trọng tạo nên thành công nhanh trong công tác GPMB của dự án, đó là từ huyện đến xã đã huy động được hệ thống chính trị các cấp vào cuộc một cách tích cực quyết liệt, quan điểm kiên trì vận động, giải thích khi nhân dân chưa hiểu. Đồng thời căn cứ vào quy định để đàm phán với nhà đầu tư đảm bảo có lợi nhất cho các hộ dân như Hội đồng bồi thường GPMB và chủ đầu tư thống nhất giá đất 5 lần (3 lần theo quy định của tỉnh, 2 lần tăng thêm của chủ đầu tư hỗ trợ), ngoài ra còn áp dụng cơ chế hỗ trợ những hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng nhanh được thưởng 15% trên tổng số tiền được nhận. Có thể nói, với cách triển khai bài bản, đồng bộ, “vì dân” từ địa phương, và nguồn lực của nhà đầu tư đã giải phóng nhanh mặt bằng.

Tại địa điểm quy hoạch xóm 5, xã Thanh Thủy, 19 hộ dân sau khi tái định cư đã xây dựng kiên cố nhà cửa, bắt đầu ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Trong niềm vui bên ngôi nhà mới, anh Nguyễn Vĩnh Dương nói: “Gia đình tôi chấp hành chủ trương tái định cư để nhường đất cho dự án, bởi tôi nghĩ chỉ có đưa dự án nhà máy về thì mới thay đổi bộ mặt quê hương Thanh Thủy được. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện kinh tế của xã phát triển, trong đó có kinh tế gia đình tôi”. Trao đổi của anh Dương cũng là suy nghĩ chung của 19 hộ dân tái định cư xóm 5. Do những suy nghĩ đúng đắn đó mà các hộ dân nhanh chóng đồng thuận phương án tái định cư để tạo điều kiện triển khai nhanh dự án.

Cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Thái đi xem thực tế vùng quy hoạch dự án, chúng tôi thấy toàn bộ khu đất quy hoạch là một bãi đất liền thửa bằng phẳng, trên đó những lô sắn cao sản xanh tốt. Anh Hùng cho biết: Vùng này trước đây cũng đã chuyển đổi trồng ngô nhưng do hạn nên năng suất không cao, chỉ có cây sắn tinh bột là hợp lý, hiệu quả. Bây giờ, toàn bộ đất đã được thu hồi để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, nếu đúng tiến bộ cam kết cuối năm nay dự án sẽ đi vào hoạt động. Do đó, mong muốn nhà đầu tư khẩn trương thực hiện dự án, tránh tình trạng như một số dự án “treo” người dân thấy đất hoang, nóng ruột nên tái sản xuất trồng hoa màu khi đó lại càng phức tạp. Vị trí tại khu đất cũ giáp đường Hồ Chí Minh kéo dài về quê Bác của các hộ tái định cư đã chuyển đi, chủ đầu tư đã thưng bờ rào bao bọc để tiến hành xây dựng. Ông Trương Công Quyền, cán bộ dự án cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang tích cực phối hợp với huyện Thanh Chương để hoàn tất thủ tục chi trả tiền đền bù và tiếp nhận mặt bằng. Về kế hoạch triển khai, dự án sẽ tiến hành đồng thời với việc xây dựng nhà máy là phát triển vùng nguyên liệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.”

Về phía huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch HĐ GPMB huyện cho biết: Xác định đây là một trong 2 dự án thu hút đầu tư trọng điểm của huyện trong năm 2014 nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nhờ thực hiện tốt phương châm “đến từ nhà, rà từng việc” giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban đền bù GPMB, phối hợp cùng với chủ đầu tư trực tiếp và kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mới phát sinh. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ mặt bằng theo quy hoạch đã hoàn tất thủ tục. Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng cam kết tiến độ tạo niềm tin, cũng như góp phần tích cực giúp huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong thời gian tới.

Như vậy, một dự án đầu tư trên lĩnh vực chế biến dược liệu công nghệ cao cơ bản đã hoàn tất phần GPMB, phần được xem là khó khăn, phức tạp nhất bởi liên quan đến quyền lợi, tư liệu sản xuất của nhiều hộ dân. Vấn đề lúc này chỉ còn là trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng cam kết, tiến độ để nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động.

Hữu Nghĩa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Quyết liệt giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO