Quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm
(Baonghean) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đang xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm tại các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Yên Thành. Trong khi đó, cả nước hiện đang có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh và nguy cơ xâm nhập dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc là rất lớn. Dịch cúm gia cầm hiện đang có những diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa ảnh hưởng đến sự an toàn của con người, đòi hỏi những biện pháp phòng, chống quyết liệt và hiệu quả.
![]() |
Ban thú y xã Đại Thành - Yên Thành triển khai khử trùng tiêu độc chuồng trại cho hộ chăn nuôi. Ảnh: Thái Dương |
Nghi Lộc là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm. Ông Trần Quốc Cường, Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Ngày 14/2, tại xóm 15, xã Nghi Vạn đã có gia cầm ốm, chết. Sau khi gửi mẫu xét nghiệm đã xác định đàn vịt bị nhiễm cúm gia cầm H5N1. Ngay trong ngày 15/2, Nghi Lộc đã tổ chức tiêu hủy số gia cầm bị bệnh, đồng thời triển khai đầy đủ các biện pháp chống dịch như khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng ở xóm 15 và các xóm lân cận, lập biển cấm không cho gia cầm ra vào địa bàn cũng như vận động nhân dân nuôi nhốt gia cầm tại chỗ, không thả rông, đồng thời hạn chế người ra vào ổ dịch. Xã Nghi Vạn đã dùng 100 kg vôi để rải quanh khu vực bị dịch, đường ra vào địa bàn. Chi cục thú y cũng kịp thời cấp 200 lít hóa chất, 10 nghìn liều vacxin tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch. “Nghi Vạn có số hộ dân chăn nuôi gia cầm nhiều, hơn 14 nghìn con đủ loại, cộng thêm thời tiết mưa rét nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát là rất lớn. Trước tình hình đó, hiện tại chúng tôi đang tiếp tục tập trung giám sát, theo dõi diễn biến dịch và tăng cường các biện pháp chống dịch nhằm không để dịch bệnh lây lan”- ông Cường cho biết thêm.
Cùng với Nghi Lộc, hai địa phương khác là Yên Thành và Quỳnh Lưu cũng đang có dịch cúm gia cầm. Không chỉ ở những huyện đang xảy ra dịch cúm, mà ở tất cả các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, công tác chống dịch cũng đang khẩn trương triển khai. Ông Võ Đình Khoa, Trưởng trạm Thú y huyện Đô Lương cho biết: Hiện tại trên địa bàn chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đô Lương tập trung công tác tuyên truyền, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và đặc biệt là đẩy mạnh giám sát dịch bệnh. Từ đầu tháng 1/2014 đến nay, vào 5h chiều hàng ngày, cán bộ thú y các xã đều có báo cáo về tình hình giám sát dịch bệnh trên địa bàn từng xã, để từ đó có các biện pháp bao vây, dập dịch kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.
Tại Diễn Châu - địa phương được coi là “nhạy cảm” với dịch bệnh do đàn gia cầm lớn, nhiều tuyến giao thông quan trọng như QL1, QL7 đi qua, công tác phòng, chống dịch cũng đang được tập trung triển khai. Bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi tăng cường công tác thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân chủ động phòng ngừa, vận động bà con chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, không giấu dịch, không vứt xác chết gia súc, gia cầm bừa bãi, không mua bán, giết mổ, ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, không mua gia cầm giống không rõ nguồn gốc về nuôi. Tiêm định kỳ vắc xin cho đàn vật nuôi trong diện tiêm phòng; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, thủy cầm, thực hiện chăn nuôi phải khai báo. Đồng thời, phát động nhân dân vệ sinh môi trường và thường xuyên dùng vôi bột, hóa chất để khử trùng, làm sạch môi trường chăn nuôi. Đối với các chợ, các tụ điểm tập kết kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm, tiến hành vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi chợ.
Ngay sau khi xẩy ra dịch, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp ngay 500 lít Benkocid, trong đó Quỳnh Lưu 100 lít, Yên Thành 200 lít và Nghi Lộc 200 lít để khử trùng tiêu độc vùng dịch, đồng thời cấp 40 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm (Quỳnh Lưu 10 nghìn liều, Yên Thành 20 nghìn liều, Nghi Lộc 10 nghìn liều) để các huyện tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch. Theo đánh giá, các ổ dịch xẩy ra ở diện nhỏ, lẻ, chỉ 1 hộ/1 xóm/1 xã/1 huyện, đàn gia cầm của những hộ này được khống chế tại khu vực chăn nuôi riêng, cách xa với những hộ chăn nuôi gia cầm khác. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục Thú y tỉnh thì đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng nguy cơ xẩy ra dịch tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thời tiết mưa rét, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi đó, tỷ lệ lưu hành mầm bệnh trong đàn gia cầm khá cao (8,5%), đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Đáng ngại hơn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh còn có thể gây nguy hiểm cho con người.
Để chủ động ngăn chặn xâm nhập dịch cúm gia cầm, bệnh cúm A/H7N9, H10N8, hạn chế thiệt hại kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đảm bảo tính mạng con người và an toàn thực phẩm, các địa phương cần tập trung vào công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc, gia cầm đến tận thôn, xóm và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao. Các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khối, xóm, thôn, bản, Thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; khi có dịch xẩy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh (kể cả phát hiện mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9, H10N8), vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, H10N8 trên thế giới và trong nước, sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, tác hại của việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, giám sát của ngành Thú y.
Đặc biệt, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phương, thực hiện tốt kiểm dịch tại gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng đối với các huyện vùng biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong, Thanh Chương..., cần tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật, lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, H7N9, H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch. Không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không kiểm dịch, gia cầm không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới, tập trung kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.
Xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch kịp thời khi có ổ dịch xẩy ra. Khuyến khích nhân dân chủ động mua vắc xin cúm gia cầm (H5N1 Re-6) tiêm phòng cho gia cầm. Nâng cao nhận thức người dân về tác hại của bệnh cúm gia cầm, không ăn tiết canh, gia cầm mắc bệnh, chết; khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để báo cáo cấp trên, đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch kịp thời; chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch cúm gia cầm, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan sang người; nghiêm cấm việc dấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả, tỉnh Nghệ An đang đề nghị Trung ương hỗ trợ 2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm H5N1 – Re6 (có hiệu lực với vi rút nhánh 2.3.2.1, nhóm C đang lưu hành tại Nghệ An) để tiêm phòng bao vây ổ dịch và vùng nguy cơ cao. |
Phú Hương