Quyết tâm cao cho mục tiêu trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam của tỉnh

27/08/2015 07:35

(Baonghean) - Những ngày này cách đây 70 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 1 tuần lễ từ ngày 17/8 đến ngày 25/8/1945 các phủ, huyện ở Nghệ An lần lượt đứng lên giành chính quyền thắng lợi. Tại Con Cuông, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, vào sáng ngày 28/8/1945, nhân dân trong huyện vùng lên giành chính quyền cách mạng về tay mình.

Trước đó, cơ sở Việt Minh tại xã Môn Sơn đã chủ động liên lạc với Tổng ủy Việt Minh ở Đặng - Thượng (Anh Sơn) phát động quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh, trấn áp, tịch thu thẻ bài, đồng triện của Tổng lý và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 23/8/1945. Trước khí thế mạnh mẽ của cách mạng, bộ máy cai trị, các chức dịch của chế độ thực dân, phong kiến từ huyện đến các tổng, làng, bản hoang mang cao độ; các cán bộ “đặc phái” của Việt Minh tỉnh và đại diện Việt Minh huyện đã thuyết phục tri huyện Con Cuông chuyển giao chính quyền cho cách mạng.

Sau khi chuẩn bị và gấp rút tổ chức lực lượng quần chúng, ngày 28/8/1945, cuộc mít tinh lớn đã diễn ra tại đền Cửa Luỹ (thuộc thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê ngày nay - là trung tâm của huyện lỵ lúc bấy giờ), đại diện Việt Minh đứng ra tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập (gồm có 7 người) do ông Lang Văn Lương làm Chủ tịch, ông Lang Văn Mai làm Phó chủ tịch. Tiếp đó hệ thống chính quyền cách mạng nhanh chóng được thành lập ở các xã, làng, bản trong toàn huyện...

Người dân thôn Bãi Ổi (Chi Khê - Con Cuông) thu hoạch chanh.Ảnh: hồ phương
Người dân thôn Bãi Ổi (Chi Khê - Con Cuông) thu hoạch chanh. Ảnh: hồ phương

Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Con Cuông vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến, cùng quân dân cả nước viết nên trang sử hào hùng đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, có thể rút ra những thành tựu nổi bật:

Thứ nhất, trong suốt 70 năm qua Con Cuông đã có trên 7.000 người tham gia hoạt động cách mạng, trên 4.000 thanh niên lên đường nhập ngũ; 165 người tham gia TNXP và hàng ngàn lượt người tham gia dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào và trên mọi miền của Tổ quốc. Trong đó có 512 đồng chí cán bộ, chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường; 517 thương binh, bệnh binh. Ngoài chi viện sức người, huyện Con Cuông đã đóng góp, ủng hộ hàng trăm mét khối gỗ, tranh, tre, nứa, mét cho các đơn vị quân đội; quyên góp, ủng hộ kháng chiến 319 chỉ vàng, 39 ngôi nhà (tổng diện tích 1.320 mét vuông); đóng góp các tài sản khác quy ra thóc là 1.639,7 tấn...

Ghi nhận sự đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho Ban Chỉ huy quân sự huyện; đồng chí Vi Đức Cường quê ở xã Lục Dạ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; đơn vị Lâm trường (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông) được phong tặng đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, cá nhân đồng chí Nguyễn Ngọc Lài - nguyên Giám đốc Lâm trường Con Cuông được Nhà nước phong tặng 2 lần danh hiệu Anh hùng Lao động; có 17 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; xã Môn Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; xã Bình Chuẩn được phong tặng Huân chương Quân công hạng Ba...

Thứ hai, kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, từ một huyện có nền nông nghiệp lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện nông lâm kết hợp đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như bản Pha (Yên Khê), bản Khe Rạn (Bồng Khê), bản Liên Đình, thôn Bãi Ổi (Chi Khê); bản Bãi Gạo, thôn 2/9 (Châu Khê); bản Đồng Tiến, Chôm Lôm (Lạng Khê); bản Hua Nà, bản Kim Sơn (Lục Dạ); bản Thái Sơn, Nam Sơn (Môn Sơn); bản Thanh Bình (Thạch Ngàn)...

Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã với 97% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 13/13 xã, thị trấn có đường giao thông ô tô đến trung tâm, thông tuyến với các huyện bạn. Mỗi xã đều có thị tứ hoặc cụm dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu trao đổi, thu mua hàng hoá, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Phong trào hỗ trợ xoá nhà dột nát tạm bợ, xoá đói giảm nghèo đã và đang trở thành phong trào sâu rộng. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75% (năm 1990) đến năm 2014 giảm xuống 32,1%. Kết quả 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã huy động được 731.738 triệu đồng, trong đó đóng góp của nhân dân đạt trên 23 tỷ đồng, làm mới được 100km đường bê tông nông thôn; phấn đấu đưa xã Yên Khê đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.

Thứ ba, sự nghiệp văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, nổi bật là: giáo dục phát triển mạnh cả mạng lưới, quy mô và chất lượng. Từ năm 1997 huyện đã được công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập tiểu học, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đến nay, Con Cuông có 32 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Thành lập Trường Trung cấp Nghề - DTNT Nghệ An, từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho vùng Tây nam Nghệ An.

Lãnh đạo huyện Con Cuông trao đổi với vườn trồng cam ở xã Yên Khê.  Ảnh: Hữu Nghĩa
Lãnh đạo huyện Con Cuông trao đổi với người trồng cam ở xã Yên Khê. Ảnh: Hữu Nghĩa

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam được đầu tư và đưa vào sử dụng với đội ngũ các y, bác sỹ được đào tạo cơ bản, tinh thần trách nhiệm cao phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Làm tốt y tế dự phòng; công tác DS - KHHGĐ, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan đang phát triển mạnh đến tận địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Công tác thông tin, truyền thanh truyền hình được huyện quan tâm đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân. Văn hoá các dân tộc được giữ gìn và phát huy bản sắc. Di tích nhà cụ Vi Văn Khang, Bia Ma Nhai được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; Vườn quốc gia Pù Mát được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Các chính sách xã hội được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thường xuyên quan tâm chăm lo các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách và người có công với Cách mạng.

Thứ tư, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, phát triển; từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến về tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin sắt son của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Phát huy truyền thống cách mạng, từ Chi bộ đảng xã Môn Sơn - Chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở miền Tây Nam xứ Nghệ (thành lập năm 1931) ngày đầu mới có 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 48 tổ chức cơ sở trực thuộc, với trên 3.947 đảng viên.

Chính quyền nhân dân từ huyện đến cơ sở luôn chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quốc phòng - an ninh ngày càng được tăng cường, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự ATXH, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia.

Khắc luống trong ngày hội ở Con Cuông. Ảnh: công kiên
Khắc luống trong ngày hội ở Con Cuông. Ảnh: công kiên

...Thời gian tới, để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng Con Cuông trở thành huyện khá toàn diện, là trung tâm kinh tế - văn hoá của miền Tây Nam Nghệ An, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao quyết tâm chính trị, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, nguồn lực, mở rộng liên kết; vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ hai, tập trung thực hiện các khâu đột phá, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực; phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại và du lịch. Tiếp tục phát triển nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái…

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục thu hút đầu tư và vận dụng sáng tạo các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị sinh thái.

Thứ tư, chăm lo tốt sự nghiệp văn hoá - xã hội; đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; phong trào xoá đói giảm nghèo; quan tâm và làm tốt hơn nữa các chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh.

Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách về xây dựng đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhiệm vụ trước mắt của các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn quân, toàn dân huyện nhà là: Tập trung cao độ chăm sóc vụ mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ thu - đông đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng. Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt, chuẩn bị tốt cho năm học mới 2015 - 2016. Các cấp, các ngành tiến hành rà soát lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2015, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất, thiết thực lập thành tích thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá 26, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hoàng Đình Tuấn

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông

Quyết tâm cao cho mục tiêu trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO