Quyết tâm thư xin thoát nghèo ở huyện vùng cao Nghệ An

Nguyễn Thanh (Huyện ủy Tương Dương) 15/01/2023 07:44

(Baonghean.vn) - Ngày càng có nhiều gia đình nghèo ở các vùng khó khăn viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điều đó vừa thể hiện quyết tâm của các hộ trong công cuộc thoát nghèo, vừa cho thấy, đồng bào từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Ông Xồng Nhia Mại, người dân tộc Mông, ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) chia sẻ: "Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, tôi và vợ tôi đã ngoài 75 tuổi già yếu, con trai và con dâu là lao động chính trong nhà, vợ chồng nó đã có 2 cháu đang là học sinh tiểu học. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi được ban quản lý bản, cán bộ xã họp dân nói về chủ trương xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tôi đã bàn với các thành viên trong gia đình viết đơn xin thoát nghèo. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh nuôi con trâu, con gà, làm rẫy, trồng nghệ theo hướng hàng hóa để tự lo cho cuộc sống gia đình”.

Có 50 hộ dân ở Tương Dương vừa viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: Nguyễn Thanh

Gia đình chị Lương Thị Dần ở bản Xốp Kha, xã Yên Hòa - Tương Dương với lá đơn xin thoát nghèo. Ảnh Nguyễn Thanh

Cuối năm 2022, huyện Tương Dương tiến hành rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023. Trong quá trình rà soát, có hơn 50 hộ nằm trong diện hộ nghèo đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Hầu hết các hộ đều đề cập đến lý do xin thoát nghèo là không còn muốn phụ thuộc vào chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nhường sự hỗ trợ đó cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. Dù những hộ dân này chưa hẳn đã hết khó khăn, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của họ đó là mong muốn tự lực vươn lên, quyết tâm thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Huề - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương cho biết: "Trước đây qua các đợt rà soát hộ nghèo cho thấy một thực trạng, nhiều người dân có sức lao động, có ruộng, nương rẫy để sản xuất, điều kiện không quá khó khăn nhưng vẫn muốn có một suất trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Năm nay, sau khi có Đề án 07-ĐA/HU, ngày 08/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân”, xã tích cực tuyên truyền rộng rãi, Qua đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của nhiều người dân đã dần được xóa bỏ”.

Cán bộ các xã thống kê hộ nghèo ở Tương Dương, vừa tuyên truyền về chủ trương, giải pháp thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Thanh

Thoát nghèo không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà là một hành trình. Trên hành trình đó, người dân ở những hộ nghèo phải là chủ thể. Sau nhiều quá trình, nhận thức của người dân đóng vai trò quyết định, khi người dân có ý chí phấn đấu, thật sự nỗ lực thì chính họ sẽ vận dụng tối đa sức lao động, tư liệu sản xuất vốn có cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương để xóa nghèo cho chính mình.

Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng nghĩa những hộ dân này không còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Nhưng bà con lại thấy vui, coi đó là thử thách để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu, bám chắc vào tiềm thức của bà con người dân miền núi từ bấy lâu nay.

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi từng bước thoát nghèo ở Tương Dương. Ảnh: Nguyễn Thanh

Ông Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Đề án 07-ĐA/HU, ngày 08/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra đời trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân còn nặng tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại. Những lá đơn xin thoát nghèo trong thời gian qua trên địa bàn huyện minh chứng Đề án 07-ĐA/HU là chủ trương đúng đắn, cần thiết và Đề án đã bước đầu làm thay đổi nhận thức người dân, thôi thúc hành động, cùng với đó khơi dậy ý chí tự lực, niềm tin và khát vọng vượt qua đói nghèo của bà con dân bản”.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt công tác rà soát hộ nghèo

15/09/2022

Quyết tâm thư xin thoát nghèo ở huyện vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO