Quỳnh Lưu: Đổi mới công tác quản lý di tích và hoạt động lễ hội

03/04/2013 18:29

(Baonghean) - Quỳnh Lưu có 29 di tích lịch sử, văn hóa được đã xếp hạng, trong đó có 17 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, có nhiều di tích nổi tiếng linh thiêng như đền Cờn (Quỳnh Phương), đền Xuân Úc (Quỳnh Liên), đền Phùng Hưng, đền Xuân Hòa (Quỳnh Xuân), đền thờ Vua Hồ, đền Bình An - Chùa Bảo Minh (Thị trấn Hoàng Mai), đền Vưu (Quỳnh Vinh), đền Cửa Gan (Quỳnh Hoa)… Hàng năm các lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương.

Những năm trước đây, công tác quản lý di tích và lễ hội trên địa bàn huyện chưa chặt chẽ, do chưa có ban quản lý chuyên trách. Công tác bảo vệ, gìn giữ, trùng tu tôn tạo, quản lý nguồn thu chưa được quan tâm đúng mức..., đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động lễ hội và gây phiền phức cho du khách...

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích và lễ hội, đồng thời để lễ hội thật sự trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, từng bước thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nhu cầu tâm linh của du khách đến vãn cảnh và dâng hương, năm 2012, UBND huyện Quỳnh Lưu là đơn vị sớm triển khai thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, thành lập Ban Quản lý Di tích đền Cờn gồm 9 thành viên, 11 thành viên trong tổ hành lễ và bảo vệ; đồng thời xây dựng Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên thực hiện.



Lễ tế tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Tô Cảnh

Qua gần 1 năm đi vào hoạt động, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND huyện, sự đoàn kết thống nhất trong Ban Quản lý di tích cùng sự phối hợp đồng bộ của địa phương, Ban Quản lý đền Cờn đã đưa công tác quản lý di tích và lễ hội đi vào nền nếp và có bước tiến bộ đáng kể. Các hoạt động lễ hội diễn ra lành mạnh và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến vãn cảnh, dâng hương tại di tích đền Cờn, nguồn thu và công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích cũng được quản lý và thực hiện tốt hơn. Tính từ tháng 6 năm 2012 đến 29/3/2013, tổng thu tại Di tích đền Cờn đạt trên 3,3 tỷ đồng, trong đó nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, không những đã bảo đảm tốt việc chi thường xuyên cho các hoạt động của ban quản lý mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn vốn phục vụ việc trùng tu, tôn tạo di tích. Một số hạng mục công trình của đền Cờn đã và đang được phục dựng, tu bổ làm cho di tích ngày càng thêm tôn nghiêm như nhà trung điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, nghinh môn, nhà bảo vệ, tường bao quanh khu vực di tích.

Để phát huy hiệu quả các giá trị của di tích, Ban Quản lý Di tích đền Cờn luôn chú trọng đến việc quản lý bảo tồn di tích và xây dựng nếp sống văn hóa trong hoạt động lễ hội. Đội ngũ cán bộ được tuyển chọn kỹ càng, có trình độ hiểu biết, văn hóa trong giao tiếp và được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ các di tích cụ thể. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tích cực kiểm tra các di tích, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo quản các hạng mục công trình, đồ thờ tự, tượng pháp trong di tích, người quản lý còn có trách nhiệm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như hành vi lấn chiếm xây dựng trái phép tại các khu di tích, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra tình trạng mất mát tài sản của di tích và của du khách. Đặc biệt, ban quản lý còn làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá di tích, xây dựng đội ngũ phục vụ đúng mực, giao tiếp hòa nhã, khiêm tốn, hướng dẫn khách tham quan, dâng hương tận tình chu đáo...

Bên cạnh Di tích đền Cờn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là huy động nguồn xã hội hóa, nhiều di tích trên địa bàn huyện cũng đã tập trung tôn tạo, trùng tu lại các hạng mục, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách thập phương như đền Kim Lung (xã Mai Hùng), đền Quy Lĩnh (Quỳnh Lương), chùa Bảo Minh (Thị trấn Hoàng Mai)…

Với sự đổi mới trong công tác quản lý, bảo tồn di tích và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ hội, các di tích trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã và đang tạo ra nét đẹp văn hóa trong hoạt động tâm linh, đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị của các di tích trên địa bàn.


Hồ Thanh Khương (UBND huyện Quỳnh Lưu)

Mới nhất

x
Quỳnh Lưu: Đổi mới công tác quản lý di tích và hoạt động lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO