Quỳnh Lưu: Đưa công nghệ vào sản xuất muối sạch

10/02/2014 16:27

(Baonghean) - Với mục tiêu quy hoạch, phát triển nghề muối, đưa tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho diêm dân, năm 2013 từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã xây dựng mô hình "Tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch” tại xã Quỳnh Thuận.

Trước khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho diêm dân và thành lập được 1 tổ hợp tác với 25 hộ dân tham gia, xây dựng mô hình sản xuất muối sạch với diện tích 500m2 sân kết tinh muối; 50 chạt lọc; 50 thùng lắng lọc, 25 ô nề được trải 500m2 bạt HDPE dày 0,5mm. Mục tiêu của mô hình nhằm hỗ trợ diêm dân thay đổi cách thức sản xuất từ cá thể sang liên kết theo nhóm hội, tổ hợp tác; nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng vùng muối theo phương pháp hiện đại từ đó giúp nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Theo phương pháp sản xuất muối truyền thống, các đồng muối làm theo kiểu cũ thường bố trí ô chạt lọc cách xa ruộng phơi nên việc vận chuyển cát từ vị trí chạt lọc ra ruộng phơi là cung đoạn nặng nhọc nhất, mỗi khi phơi cát bà con thường phải sử dụng xe cút kít gò lưng đẩy cát, chính bởi gian nan, nhọc nhằn của nghề làm muối mà diêm dân đã đúc kết nên thành ngữ: "Đời ông cho chí đời cha, cũng một đống cát xe ra xe vào". Mô hình khuyến nông đã quy hoạch thiết kế lại đồng ruộng cho bà con bằng cách đưa ô chạt lọc ra giữa ruộng phơi cát kết hợp với việc dùng ống nhựa dẫn nước muối đã được cô đặc từ vị trí chạt lọc về thùng lắng lọc sát ô kết tinh để phơi muối. Với cách thiết kế khoa học, tiện lợi này không chỉ giúp diêm dân giảm công lao động mà còn đưa lại nhiều giá trị về sản lượng. Ông Trần Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận phấn khởi cho biết: " Khi hướng dẫn diêm dân sử dụng ruộng muối được thiết kế theo mô hình khuyến nông được rất nhiều cái lợi, bà con chỉ việc đứng một nơi để văng cát và khi thu gom cát để tiến hành chạt lọc cũng đỡ nhiều công sức, thêm nữa việc không phải sử dụng xe cút kít đã khắc phục được hiện tượng chai cứng mặt ruộng nhờ đó tỷ lệ muối kết tinh cao hơn hẳn so với trước kia ".

Đây là lần đầu tiên diêm dân Quỳnh Thuận làm quen và sử dụng ô kết tinh được trải bạt HDPE. Ban đầu, nhiều diêm dân tỏ ra khá dè dặt với công nghệ mới này. Tuy nhiên sau khi được tập huấn kỹ thuật và nhất là khi đưa vào sử dụng trên thực tế, ô kết tinh trải bạt HDPE đã thể hiện nhiều ưu điểm hơn so với ô nền được làm bằng xi măng truyền thống: rút ngắn chu kỳ sản xuất do nước bốc hơi nhanh, hạt muối trắng sáng không lẫn tạp chất, được bà con diêm dân đồng tình ủng hộ cao. Ông Nguyễn Đình Nguyên - một diêm dân đã có tới 40 năm gắn bó với nghề muối ở thôn Hòa Thuận chia sẻ:" Theo cách sản xuất truyền thống, một ngày nắng chỉ đổ được 2 bù nước, quá trình kết tinh thường kéo dài 12 tiếng nên khi thu hoạch muối sẽ vào khoảng 5- 6 giờ chiều, đây là thời điểm trời thường có dông gió nên khó khăn cực khổ vô cùng. Giờ sản xuất trên ô kết tinh trải bạt đã đổ được 3 bù nước, thời gian kết tinh muối cũng rút ngắn được 2 - 3 tiếng. Đặc biệt qua theo dõi đánh giá của chúng tôi, hạt muối được sản xuất trên ô kết tinh có trải bạt to và trắng, không lẫn tạp chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thức phẩm so với trước rất nhiều".

Diêm dân HTX Thắng Lợi - xã An Hòa ( Quỳnh Lưu) cải tiến sân phơi muối.
Diêm dân HTX Thắng Lợi - xã An Hòa ( Quỳnh Lưu) cải tiến sân phơi muối.

An Hoà là một trong hai vựa muối lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu với diện tích trên 140 ha. Sản lượng muối hàng năm của xã đạt từ 18.500- 19.500 tấn với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Toàn xã có 14 thôn thì đã có 7 thôn với trên 1.200 hộ chuyên nghề diêm nghiệp, đã hình thành 3 HTX sản xuất muối đó là Tân Thịnh, Tân An và Thắng Lợi. Để tiếp tục phát huy thế mạnh về phát triển kinh tế của địa phương, năm 2013 xã An Hòa đã tổ chức cho bà con diêm dân đi tham quan mô hình sản xuất muối trải bạt trên nền đáy ô kết tinh ở xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này, xã tiến hành thử nghiệm trên diện tích 3.000m2 tại 3 thôn Tân An, Tân Thịnh, Tân Thắng cùng với sự hỗ trợ 50.000 đồng/m2 bạt và băng dán của tỉnh, huyện. Ngay sau khi áp dụng mô hình này thì hiệu quả cao hơn so với phương thức sản xuất cũ. Hộ ông Hoàng Văn Mạn (thôn Nam Tiến), ông Bùi Xuân Điện ( thôn Tân Thắng), bà Hồ Thị Thung (thôn Tân Thắng)... là những hộ gương mẫu đi đầu trong áp dụng mô hình. Các ông cho biết năng suất mô hình sản xuất mới cao hơn 30% so với ô thường, muối sạch và trắng hơn, giá cao hơn so với trước là 2- 3 giá. Trong khi đó, công tác sản xuất dễ hơn, dù nắng ít nhưng vẫn có muối để thu hoạch, vì vậy mà bà con diêm dân tham gia mô hình rất phấn khởi.

Hiện nay, cùng với việc tập trung đẩy mạnh tăng nhanh diện tích sản xuất muối theo quy trình mới, An Hòa cũng tiến hành đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối như làm kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi… Ngoài ra, địa phương cũng tiến hành hỗ trợ diêm dân xây dựng bộ chạt lọc cải tiến, thay cát kênh xăm để tăng năng suất, giảm sức lao động cho diêm dân. Theo anh Hoàng Văn Hải - Trưởng ban Khuyến nông xã An Hòa: " Mô hình sản xuất muối sạch vẫn đảm bảo các quy trình như sản xuất muối truyền thống, nhưng khi phơi nước thay bằng phơi trực tiếp trên các ô nề như trước thì nay sẽ phơi trên bạt. Đây là loại bạt HDPE dày 0,5 mm có độ bền cao, chịu được thời tiết nắng nóng, khả năng hấp thụ nhiệt lượng mặt trời tốt giúp cho quá trình bay hơi nước nhanh. Bạt HDPE được trải trên nền ô nề đã được san phẳng và đầm kỹ. Diện tích bạt được cắt lớn hơn ô nề trùm lên phần mép để nước muối không chảy xuống dưới ô.

Sau đó dùng đinh tre dài 10 cm ghim xung quanh ô nề, cứ 30 - 40 cm thì ghim 1 đinh tre, xung quanh ô đắp gờ để ngăn các ô với nhau, mỗi ô kết tinh dùng ống nhựa PVC có xẻ rãnh trên thân ống khoảng 15 - 20 cm để dẫn khí ra ngoài. Dùng keo dán mép bạt (trước khi dán mép phải làm phẳng mặt bạt, ép cho không khí ra hết ngoài thì khi trải bạt và khi phơi bạt không bị phồng)... Với cách phơi trên bạt sẽ hạn chế được những tạp chất này nên muối sẽ đảm bảo độ sạch hơn. Mô hình sản xuất muối sạch còn đưa công nghệ chuyển đổi vị trí chạt lọc truyền thống từ sát ô kết tinh trước đây ra giữa ruộng phơi cát, tạo điều kiện thuận lợi cho các thao tác đưa cát mặn vào và lấy cát nhạt ra. Do đó, giảm chi phí công lao động, cát được phân bố đều ở các bên nên thu được cát mặn có nồng độ nước muối cao hơn. Điều quan trọng hơn cả là chất lượng muối hạt to, trắng hơn so với sản xuất thông thường, cho năng suất cao hơn và đảm bảo độ sạch của muối. Hiện mô hình sản xuất muối bằng phương pháp phơi trên bạt đang nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân và chính quyền địa phương.

Qua quá trình thực hiện mô hình "Tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch" cho thấy, năng suất muối đạt 120-150 tấn/ha, lượng muối phơi trên sân ô bạt tăng 130-150% so với ô cũ, đặc biệt giảm được rất nhiều công và sức lao động, khi chuyển vị trí chạt lọc ra giữa sân phơi không phải dùng xe cút kít để chở cát giảm cường độ lao động tới 45- 50%; nền sân phơi cát có độ xốp cao, tăng mao mạch dẫn nước, độ bốc hơi cao nên độ mặn nước lọc cao hơn, hệ thống lọc bằng tre đã được thay thế bằng ống nhựa nên vệ sinh hơn, nước lọc trong nên muối trắng và sạch hơn. Và tại buổi tổ chức tổng kết đánh giá kết quả, bàn biện pháp nhân rộng mô hình của Trung tâm khuyến nông tỉnh, các đại biểu, bà con diêm dân đều đánh giá cao kết quả của mô hình, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn mà còn có góp phần bảo vệ cánh đồng muối truyền thống, cung cấp sản phẩm muối sạch đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mô hình được thực hiện còn là cơ sở giúp cho người dân nâng cao nhận thức trong việc chuyển đổi tập quán sản xuất từ cá thể sang tổ hợp tác theo nhóm hộ, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm sạch nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường ngày một tăng.

Với diện tích hơn 600 ha, mỗi năm Quỳnh Lưu sản xuất được khoảng 65.000 tấn muối; giá trị đạt hơn 110 tỷ đồng. Do chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng, chưa có thương hiệu nên sản phẩm thường bán rất chậm với giá rẻ, trong khi đó trên thị trường nguồn muối sạch cung vẫn không đủ cầu. Việc xây dựng thành công mô hình sản xuất muối sạch tại đây không chỉ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến sản xuất mà còn là động lực giúp cho chính quyền và bà con diêm dân có thêm định hướng để phát triển trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Quỳnh Lưu: Đưa công nghệ vào sản xuất muối sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO