Quỳnh Lưu đưa nhung hươu, nước mắm và dứa thành nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng

12/05/2016 19:25

(Baonghean) - Trong 6 đề án, nghị quyết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có đề án xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa trên địa bàn. Ngay sau khi ban hành, Quỳnh Lưu đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm sớm thực hiện mục tiêu đề ra. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thành Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện về vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tầm quan trọng của việc ban hành đề án xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đối với huyện Quỳnh Lưu tại thời điểm hiện nay? .

Đồng chí Lê Thành Nhân: Có thể nói rằng, sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu không còn lợi thế về công nghiệp mà kinh tế chủ lực hiện nay của huyện là nông nghiệp đa ngành. Đặt trong bối cảnh yêu cầu phải tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, do vậy, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quỳnh Lưu đã xác định lựa chọn 5 chương trình, đề án trọng tâm, trong đó có đề án về xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa trên lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, trong các loại sản phẩm về nông nghiệp gồm chăn nuôi, trồng trọt và hải sản thì có 3 sản phẩm Quỳnh Lưu xác định có nhiều lợi thế cạnh tranh cần phải được đẩy mạnh phát triển, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, đó là trong chăn nuôi có con hươu sao; lĩnh vực trồng trọt gắn với cây công nghiệp, cây ăn quả có cây dứa; chế biến hải sản có sản phẩm nước mắm. Đây cũng là 3 dòng sản phẩm chủ lực mà Quỳnh Lưu có nhiều lợi thế so sánh để phát triển, tuy nhiên, có những yếu tố khách quan, chủ quan nên hiện nay giá trị, hiệu quả kinh tế mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thăm mô hình sinh sản ngao nuôi thương phẩm của ông Thái Bá Khang, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thăm mô hình sinh sản ngao nuôi thương phẩm
của ông Thái Bá Khang, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).

Phóng viên: Như đồng chí vừa nói tới 3 dòng sản phẩm chủ lực thì 2 sản phẩm là con hươu và cây dứa đã có những lúc phát triển rất mạnh, nhưng sau đó chững lại, thậm chí tụt dốc. Vậy có phải do huyện chưa có định hướng phát triển hay do yếu tố nào khác thưa đồng chí?.

Đồng chí Lê Thành Nhân: Đúng vậy, Quỳnh Lưu đã có một giai đoạn "nổi tiếng" nhờ sự phát triển vượt trội về quy mô, số lượng và yếu tố đặc trưng của một số sản phẩm. Con hươu của huyện tại thời điểm "lên ngôi" có quy mô đến 20.000 con, phát triển rộng khắp trên địa bàn các xã; còn cây dứa mấy năm trước giai đoạn hưng thịnh có diện tích đến 1.200 ha, và đây cũng là cây khai thác có hiệu quả vùng đất đồi rộng lớn phía Tây Quỳnh Lưu, nhưng hiện nay diện tích thu hẹp còn lại khoảng 600 ha, trong đó có 350 ha cho quả.

Sản xuất tôm giống tại trại tôm giống Việt Úc(xã Quỳnh Minh)
Sản xuất tôm giống tại trại tôm giống Việt Úc (xã Quỳnh Minh)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số sản phẩm chủ lực kể trên mà Quỳnh Lưu có thế mạnh, nhưng không giữ được nhịp độ phát triển bền vững. Có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng tôi thấy yếu tố chủ quan là nhiều hơn. Đó là chúng ta chưa có định hướng chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi sản phẩm; chưa khép kín, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế trong quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm; chưa ứng dụng được nhiều các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình nuôi, trồng và chúng ta vẫn chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm... Có thể nói, đây là những bài học yếu kém trong quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Phóng viên: Được biết mới rồi Quỳnh Lưu đã cử một đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và phương pháp xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm. Vậy bài học gì rút ra sau chuyến đi mà Quỳnh Lưu có thể học tập, áp dụng vào thực tiễn địa phương có hiệu quả?.

Đồng chí Lê Thành Nhân: Mới rồi huyện đã tổ chức đoàn công tác gồm lãnh đạo huyện và đại diện một số hộ nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất các sản phẩm đi tham quan một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, quy trình liên kết trong chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi hiệu quả tại tỉnh bạn với mục đích đi học tập, xem người khác làm để rút kinh nghiệm về tổ chức cách làm cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Phóng viên trao đổi với đồng chí Lê Thành Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu
Phóng viên trao đổi với đồng chí Lê Thành Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu

Ở Quỳnh Lưu hiện nay, bà con một số vùng rất có kinh nghiệm, có kỹ thuật trong thâm canh, nhất là các sản phẩm rau màu; có một số sản phẩm đã có chỗ đứng trong các siêu thị nhưng nhìn chung vẫn đang manh mún, nếu không có sự đổi mới trong quy trình sản xuất thì đến một thời điểm sẽ dừng lại, khó khăn trong khẳng định chất lượng sản phẩm.

2 vấn đề mà qua chuyến thăm quan chúng tôi rút ra tới đây cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng vào thực tiễn Quỳnh Lưu để có hiệu quả cao hơn.

Trước hết đó là cần phải xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng nhiều hơn các giải pháp khoa học kỹ thuật để tạo những sản phẩm có chất lượng, sạch, giá trị cao gắn với xây dựng thương hiệu, tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thứ 2, trong phạm vi địa phương cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ hỗ trợ xây dựng mô hình đến hỗ trợ phát triển nhân rộng, có cơ chế hỗ trợ "kích cầu" khép kín trong quy trình sản xuất, chăn nuôi, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, và công tác quản lý chặt chẽ đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững.

Cũng qua chuyến học tập kinh nghiệm, chúng tôi rút ra sự cần thiết phải lựa chọn sản phẩm để tập trung các nguồn lực xây dựng thương hiệu vừa để phát huy hiệu quả nhanh trước mắt, nhưng cũng phải lâu dài và bền vững. Ví như trong chăn nuôi, Quỳnh Lưu có khá nhiều sản phẩm nhưng chúng tôi quyết định chọn con hươu sao, con nai là sản phẩm cần phải xây dựng thương hiệu bởi qua xem xét nó cho lợi thế trước mắt và lâu dài, bền vững và ổn định nhất trên cả các tiêu chí về kinh tế, môi trường và gắn với hộ kinh tế gia đình. Và trong điều kiện cho phép về tiêu thụ sản phẩm, quy mô chăn nuôi cũng có thể mở rộng được. Thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp để tăng tổng đàn, gắn với lựa chọn giống tốt, thay đổi hình thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, nâng tỷ trọng con hươu trong cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi nói riêng, trong nông nghiệp nói chung.

Phóng viên: Ý tưởng rất cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện Quỳnh Lưu, vậy tới đây huyện sẽ tập trung thực hiện những giải pháp căn cơ nào để đề án sau khi ban hành có hiệu quả thưa đồng chí?.

Đồng chí Lê Thành Nhân: Chúng tôi xác định đây là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng thu nhập cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu nâng giá trị bình quân thu nhập đầu người tăng gấp đôi từ 30 triệu đồng hiện nay lên 65 - 70 triệu đồng của mục tiêu nghị quyết đại hội. Do vậy, Quỳnh Lưu sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp sau:

Trước hết, phải khảo sát, lập lại quy hoạch sản xuất, từ quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Để từ đó có định hướng đầu tư bài bản hơn, quy mô hơn; thứ 2 là tổ chức lại sản xuất mà mấu chốt là củng cố các loại hình hợp tác, trước hết là hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 làm cơ sở để tổ chức lại các tổ hợp sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất, huy động nguồn lực vốn, nhân lực đến tiêu thụ sản phẩm; thứ 3 là chú trọng tái cơ cấu sản xuất, đặc biệt ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến tạo ra sự đột phá, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn với đó Quỳnh Lưu sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ cho từng sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân đầu tư phát triển. Và thứ 4, với vai trò huyện, xã trong quản lý nhà nước phải tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư, xây dựng chiến lược quảng bá, khép kín quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hữu Nghĩa

Clip: Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN

Quỳnh Lưu đưa nhung hươu, nước mắm và dứa thành nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO