Quỳnh Lưu: Mở lối làm giàu từ cây hương bài

29/06/2014 17:17

(Baonghean) - Nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất vườn đồi tại các xã miền núi huyện Quỳnh Lưu, mấy năm trở lại đây, bà con nông dân đã chủ động đưa vào trồng cây nguyên liệu hương bài. Đây được coi là cây trồng phù hợp loại đất đồi cao, khó khăn về nguồn nước, dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Cao Nhật Lệ xóm 8, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu lập nghiệp trên vùng đất vườn đồi tại khu vực cây xăng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng trước đây. Do đất bị nhiễm độc xăng, dầu trong một thời gian khá dài, nên khó canh tác. Nhiều năm liền, nơi đây chỉ có cây tre và bạch đàn là chống chọi được. Tuy nhiên, do điều kiện xa trung tâm, cây nguyên liệu bạch đàn giá thấp vì phí vận chuyển lớn. Trăn trở nhiều, ông đã quyết định đi tham quan nhiều mô hình sản xuất các khu vực vườn đồi tại nhiều địa phương và quyết định phá bỏ bạch đàn, phá bỏ cây tre để đầu tư trồng thử nghiệm cây hương bài. Mặc dù diện tích lớn, trên 2,5 ha, nhưng trong năm đầu tiên này, ông chỉ thuê máy san đất, cày trên 7 sào. Theo tính toán của ông, mỗi sào hương bài đầu tư hết khoảng 3 triệu đồng. Nếu cây hương bài phát triển tốt, tỷ lệ cây sống trên 90% diện tích, thì sau 1 năm, có thể thu hoạch được 3 tạ rễ khô, cho thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng. Như vậy, mỗi sào trừ chi phí, người nông dân thu về trên 10 triệu đồng. Với ông Lệ, đây quả là loại cây “siêu lợi nhuận” đối với vùng đất cằn cỗi này. Ông cho biết: “Tui vừa thí điểm, vừa làm cây giống, nhưng cũng rất phấn khởi là cây hương bài tỏ ra ưa đất này, tỷ lệ sống khá cao, trên 95%. Sang năm tui có dự định trồng 1,5 ha trong vườn đồi để phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Lệ chăm sóc diện tích hương bài trồng thử nghiệm.
Ông Lệ chăm sóc diện tích hương bài trồng thử nghiệm.

Còn tại xã Quỳnh Châu, sau khi diện tích đất rừng tạp, đất trống đồi trọc được giao đến tận hộ, người dân cải tạo và trồng các loại cây nhiên liệu sản xuất giấy gồm keo lai, bạch đàn, tràm cùng các loại như dứa, mía, sắn cao sản. Tuy nhiên, do đầu ra các loại cây nói trên đều rất bấp bênh nên hiện nay, phần lớn bà con đã phá bỏ chuyển sang trồng cây hương bài. Đây là loại cây dễ trồng, có thể chủ động nguồn giống, thời gian thu hoạch dài, đặc biệt là ngay cả khi thu hoạch về, nếu chưa được giá, không tiêu thụ được, bà con có thể dự trữ chờ đến thời điểm lên giá trong thời gian khá dài. Đây là ưu điểm nổi trội của cây hương bài so với các loại cây trồng khác như mía, sắn hay cây dứa. Chị Trịnh Thị Ngoan, người dân ở xóm 1, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Từ khi chuyển sang trồng hương bài đến giờ có thu nhập cao hơn hẳn trồng bạch đàn. Trừ chi phí mỗi sào cũng cho lãi 10 triệu đồng”.

Hiện nay, cùng với các xã có diện tích trồng cây hương bài lớn như Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Tổng đội TNXP… thì tại các địa phương như Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Quỳnh Tân, Tân Sơn cũng đang dần mở rộng diện tích loại cây trồng này. Tuy nhiên, để tránh lặp lại tình trạng khi sản lượng tăng cao thì giá thành lại bị đẩy xuống thấp như cây mía, cây dứa và cây sắn cao sản, khiến nông dân loay hoay trong vòng luẩn quẩn phá cây này trồng cây kia và ngược lại, các địa phương cần có quy hoạch hợp lý các loại cây trồng; định hướng cụ thể cho nông dân để không bị rơi vào thế bị động, ép giá như trước đây. Có như thế, thu nhập và đời sống của người nông dân mới ngày càng khởi sắc đi lên.

Bài, ảnh: Nguyễn Vân

Huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 400 ha trồng cây hương bài. Riêng tại xã miền núi Quỳnh Thắng có trên 200 ha và trong năm 2014 này, kế hoạch của UBND xã vẫn tiếp tục mở rộng. Nhằm nâng cao giá trị của loại cây này, hiện nay, nhiều hộ dân nơi đây đã kết hợp trồng cây hương bài với sản xuất hương trầm, hương thẻ. Xã Quỳnh Thắng cũng đang xây dựng đề án phát triển làng nghề và đề nghị cấp trên công nhận làng nghề cho người dân yên tâm sản xuất. Đây chính là một cách nhanh nhất để đưa thương hiệu nguyên liệu hương bài Quỳnh Thắng ra thị trường trong thời gian tới.

Mới nhất

x
Quỳnh Lưu: Mở lối làm giàu từ cây hương bài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO