Quỳnh Lưu phát triển làng nghề mộc

14/04/2014 11:05

(Baonghean) - Những năm gần đây, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung khiến đầu ra của các sản phẩm làng nghề gặp khó khăn, đặc biệt là hàng mây tre đan xuất khẩu. Trong bối cảnh ấy, các làng nghề sản xuất hàng mộc dân dụng và mỹ nghệ ở Quỳnh Lưu vẫn phát triển ổn định nhờ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa.

Cơ sở sản xuất hàng mộc của anh Hồ Văn Hữu ở xã Quỳnh Nghĩa.
Cơ sở sản xuất hàng mộc của anh Hồ Văn Hữu ở xã Quỳnh Nghĩa.

Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) là xã có nghề mộc truyền thống lâu đời, cả 11 thôn trong xã đều có người làm thợ mộc giỏi, song số thợ chủ yếu tập trung ở hai thôn 1 và 4. Làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ Phú Nghĩa được phân bố ở thôn 1 và thôn 4, với diện tích 6,7 ha, có gần 300 lao động chuyên sản xuất nghề mộc. Làng nghề có 62 xưởng chuyên sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ cao cấp, mỗi năm sản xuất hơn 3.000 sản phẩm cao cấp và trên 40.000 sản phẩm mộc dân dụng phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh, đưa lại giá trị thu nhập 14.092 triệu đồng. Tổng giá trị thu nhập từ nghề đạt 24.738 triệu đồng, bình quân lao động thu nhập 64 triệu đồng/năm. Có được kết quả này là nhờ chất lượng sản phẩm tốt, hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú mẫu mã và có thương hiệu trên thị trường.

Vào đến làng nghề Phú Nghĩa, từ xa đã nghe rõ tiếng cưa máy, tiếng động cơ máy tiện ro ro hòa lẫn với tiếng đục, đẽo lách cách của hàng trăm tay thợ, khiến làng nghề lúc nào cũng ồn ào, sôi động. Ghé thăm cơ sở sản xuất hàng mộc của anh Hồ Văn Tình ở thôn 1, xã Quỳnh Nghĩa, với quy mô xưởng khá rộng nằm bám Tỉnh lộ 537B thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, trao đổi mua bán hàng hóa. Trong xưởng còn vài bộ phản và một số tủ gỗ còn đóng dở. Anh Tình cho biết: Chúng tôi chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, 6- 7 người thợ làm quanh năm không khi nào hết việc, nhất là vào mỗi dịp cuối năm làm không kịp hàng cho khách. Tất cả các sản phẩm đồ gỗ cao cấp từ giường, tủ, bàn ghế, cửa, đồ gỗ nội thất đều làm đảm bảo chất lượng tốt nên khách hàng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều. Tổng doanh thu mỗi năm 5- 6 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí đầu vào, trả lương cho công nhân, còn lãi ròng khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh Tình năm nay 43 tuổi nhưng đã có thâm niên làm nghề hơn 25 năm, vốn con nhà nòi của nghề mộc, cha anh là người có tay nghề giỏi tài hoa nổi tiếng ở xã Quỳnh Nghĩa. Kế nghiệp cha, cả 3 anh em trai Hồ Văn Hữu, Hồ Văn Tình, Hồ Văn Xinh đều mở xưởng làm nghề mộc truyền thống, mỗi người đều có thế mạnh riêng trong sản xuất đồ mộc. Xưởng của anh Hồ Văn Hữu nằm liền kề xưởng anh Tình, chuyên sản xuất tủ, giường, bàn ghế cao cấp, mỗi năm sản xuất trên 150 sản phẩm, chủ yếu bán cho khách hàng trong huyện và một số địa phương lân cận. Nhờ có đôi tay tài hoa, trí sáng tạo kết hợp với niềm say mê sản xuất đồ gỗ đã giúp anh Hữu làm nên những sản phẩm đẹp, thu hút khách ngày càng đông. Xưởng của anh có 7- 8 lao động làm thường xuyên, song sản xuất vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, anh Hữu thường phải ra các tỉnh phía Bắc lấy thêm hàng về bán cho khách. Tổng doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Từ khi địa phương có chủ trương xây dựng làng nghề tập trung, ưu tiên bán đất cho các hộ sản xuất, không những cơ sở của anh Hữu mà nhiều hộ khác cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa. Xưởng sản xuất của anh Hữu cũng nằm bám trục đường 537B, cơ sở khá rộng, bên cạnh xưởng sản xuất là gian trưng bày sản phẩm, rất thuận tiện cho khách hàng tìm hiểu, mua sắm.

Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, đồ gỗ nội thất luôn được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ sản xuất của Làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ Phú Nghĩa đã đầu tư mua sắm các máy móc sản xuất hiện đại, nâng công suất, tuyển thêm lao động làm nghề nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Rời Quỳnh Nghĩa, chúng tôi đến Quỳnh Hưng – địa phương có hai làng nghề mộc mỹ nghệ Nam Thắng và Thuận Giang, nhờ 2 làng nghề này phát triển thu hút số lao động làm nghề qua các năm đều tăng, đến nay có gần 600 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động địa phương. Từ một xã thuần túy về sản xuất nông nghiệp, biết phát huy nghề truyền thống và năng động, sáng tạo người dân Quỳnh Hưng đã thúc đẩy nghề mộc hàng hóa quê mình phát triển mạnh mẽ. Từ sản xuất thô đến hoàn thiện và giới thiệu sản phẩm đều được thực hiện khép kín, rất khoa học, tiết kiệm chi phí sản xuất, có giá thành cạnh tranh. Đây là ưu thế nổi bật của nghề mộc Quỳnh Hưng, mà gần như hộ làm nghề nào ở địa phương này đều đã và đang cố gắng hướng tới. Như cơ sở sản xuất của ông Vũ Hồng Văn ở Làng nghề mộc Nam Thắng, trước đây gia đình ông chỉ sản xuất hàng mộc tại nhà riêng, qua nhiều năm tích lũy từ nghề, nay ông Văn đã có vốn đầu tư mở thêm một xưởng sản xuất và trưng bày sản phẩm nằm bám trục đường chính chạy vào xã, rất thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu cũng như bán sản phẩm. Ngoài đáp ứng nhu cầu khách hàng nội huyện, sản phẩm của gia đình ông còn cung ứng cho các đại lý ở Thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu…

Lợi thế của Quỳnh Hưng là đa dạng các sản phẩm đồ mộc từ cao cấp đến bình dân, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, chính vì vậy mà thương hiệu đồ mộc Quỳnh Hưng được người tiêu dùng trong tỉnh rất ưa chuộng. Đời sống người dân trong làng nghề khấm khá, giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN hiện chiếm trên 40% trong tổng cơ cấu kinh tế của địa phương.

Tuy các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều làng nghề đóng cửa như làng mây tre đan, chiếu cói… nhưng làng nghề mộc ở Quỳnh Lưu vẫn đông khách khẳng định được sự phát triển ổn định của các làng nghề này. Ông Trần Văn Huy – Trưởng phòng tư vấn chính sách Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết: Để thúc đẩy các làng nghề phát triển hơn trong những năm tiếp theo, cần có kế hoạch, định hướng cho từng lĩnh vực, từng loại sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Trong điều kiện sức mua giảm sút, các sản phẩm của làng nghề lại càng cần nâng cao tính cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành hợp lý.

Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Quỳnh Lưu phát triển làng nghề mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO