Ra đảo tiền tiêu, ngày này…

23/10/2014 09:35

(Baonghean) - Ngày tháng 10 đẹp trời, chúng tôi được “tháp tùng” đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An ra thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt, đảo Ngư. Nhiều năm qua, việc thăm, động viên và tặng quà này đã trở thành hoạt động thường xuyên của Hội. Thật lạ, đã không ít lần ra với các đảo quê hương yêu dấu, nhưng trong đoàn ai cũng biểu lộ một cảm xúc hồi hộp thiêng liêng…

Đại biểu đoàn công tác Hội CCB tỉnh  nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ đảo Ngư.
Đại biểu đoàn công tác Hội CCB tỉnh nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ đảo Ngư.

Xuất phát từ cầu cảng Cửa Hội, con tàu nhỏ vượt 27 km mặt biển, đảo Mắt hiện ra, sóng vỗ trắng xoá vào những vách đá dựng đứng. Nghe kể, vào những ngày bão dông, có những ngọn sóng cao hàng chục mét tung bọt trắng xóa lên lưng chừng đảo. Tàu vừa cập cầu cảng đảo Mắt, là sôi động ngay lên tiếng cười, những cái nắm tay, vòng ôm siết chặt giữa “lính cha” và “lính con”, giữa người đất liền và người ở đảo. Lên đảo, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ khắc ghi: Trong thời kỳ chống Mỹ, đảo Mắt đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu dương hạm, một tàu biệt kích, đánh giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn. “Trong chiến tranh, đảo Mắt là đơn vị anh hùng, là thành lũy thép bất khả xâm phạm, nơi quân thù phải khiếp sợ cả trên bầu trời lẫn mặt biển. Hôm nay, cán bộ, chiến sỹ trên đảo tiếp tục cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, tuyệt đối không để bị động trước mọi tình huống của kẻ thù, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của quê hương và trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân giữa trùng khơi bão tố, xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó” – Đại úy Nguyễn Thanh Thủy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt cho hay.

Trong đoàn ra thăm đảo, có không ít cựu chiến binh đã từng tham chiến ở đảo Mắt. Đại tá Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc là một trong số đó. 19 tuổi, đang học dở lớp 10, cuối năm 1971, ông Nam viết đơn nhập ngũ xin ra đảo, trở thành chiến sỹ trinh sát, trực chiến trên cao điểm 218m. Dẫn chúng tôi lên trận địa xưa, Đại tá Nam cho biết, tại đây ông đã tham gia tất cả các trận đánh trong năm 1972, và lập công bắn rơi 1 máy bay bằng súng máy 12,7mm, được Quân khu biểu dương Chiến sỹ quyết thắng. Và, giọng của vị đại tá già như nghẹn lại, khi ông nói, chính trên cao điểm này, 3 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh…

Trưa trên cao điểm, nắng rát rạt. Các chiến sỹ đảo Mắt đứng gác ở đây cảm nhận rõ hơn ai hết sự khắc nghiệt mùa đông sương muối, mùa hè thiếu nước ngọt của đảo. Chúng tôi vốc một ngụm nước ngọt mà các chiến sỹ rút ra từ khe đá mát lành. Hòn Mắt đứng vững vàng giữa biển, trải qua bao cuộc binh biến và thời gian đã chứng kiến bao đau thương, mất mát, chứng kiến bao gái anh hùng, trai dũng lược chung lưng đấu cật. Lịch sử phát triển của đất nước gắn chặt với việc bảo vệ vùng biển và hải đảo. Biển rất giàu tài nguyên nhưng biển đảo chúng ta cũng mặn mòi mồ hôi và cả máu của cha ông. Và có thể nói, mỗi khi Biển Đông “dậy sóng”, vai trò của hòn Mắt, hòn Ngư tại Nghệ An càng có ý nghĩa chiến lược của suốt một miền duyên hải Bắc miền Trung.

Chiều, khi nắng ngả vuốt ánh vàng thu lên một màu xanh sinh thái đảo Mắt đã, đang giấu trong mình khí phách anh hùng của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ chốt giữ đảo tiền tiêu bảo vệ biển trời của Tổ quốc, quê hương, đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh – những người “lính cha” lưu luyến tạm biệt những người “lính con” đảo Mắt để đến với đảo Ngư anh hùng. Vẫn tình cảm nồng ấm ấy, quây quần hỏi han chuyện đất liền, chuyện đảo, chen những câu chuyện một thời đạn lửa đảo Ngư. Chúng tôi gặp, chuyện trò với Thượng úy Trần Tố Út, người sỹ quan từ Thành đội Vinh đã viết đơn tình nguyện xin ra đảo trong những ngày Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Hành động ấy, với Út giản dị một nghĩa vụ người lính khi Tổ quốc cần, nhưng đối với chúng tôi là mang cả niềm tin, niềm tự hào từ đất liền dõi theo những người lính đảo. Cán bộ, chiến sỹ đảo Ngư hào hứng báo cáo với đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh về công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân, ứng cứu khi đất liền cần…

Khi Thiếu tướng Nguyễn Phong Phú – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An trao quà, bắt tay từng cán bộ, chiến sỹ đảo Ngư, chúng tôi nhận thấy ánh mắt ông tràn ngập một tình yêu thương dành cho lính đảo. Đại tá Hà Tân Tiến - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tâm tình: Cũng như đảo Mắt, đảo Ngư là căn cứ tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng trong tác chiến phòng thủ tuyến biển của tỉnh. Cách xa đất liền nhưng các cán bộ, chiến sỹ trên các đảo không bao giờ thiếu vắng tình cảm của hậu phương. Năm nào cũng có rất nhiều đoàn khách ra thăm, động viên các chiến sỹ đảo. Năm nay, trước đoàn Hội Cựu Chiến binh đã có các đoàn của Báo Nghệ An, Thành phố Vinh, Tỉnh đoàn Nghệ An... Mỗi chuyến thăm đó, lính đảo như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, vững lòng chắc tay súng nơi đầu ngọn sóng, thực hiện tốt việc sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bổ sung, khắc phục bão lụt, gìn giữ bình yên cho biển, đảo quê hương.

Rồi cũng đến lúc đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh phải quay về bờ. Sóng bạc vồng lên sau đuôi con tàu tăng tốc tạm biệt đảo Ngư. Hút mờ xanh một phần máu thịt của đất liền, cho đằm sâu những giây phút lặng yên của những người lính già hướng sẻ chia những gian khổ, hy sinh phía trước đối với những đồng đội trẻ của họ…

Bài, ảnh: Thanh Sơn

Mới nhất
x
Ra đảo tiền tiêu, ngày này…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO