Rắc rối chuyện bản quyền truyền hình V-League

03/10/2011 16:38

AVG đang sở hữu bản quyền truyền hình V-League trong 20 năm. Các ông “bầu” cho rằng, đây là bản hợp đồng mâu thuẫn với Luật Thể dục thể thao, cần phải xét lại.

Đầu tháng 10/2010, Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG) đặt vấn đề mua bản quyền truyền hình các giải đấu của VFF. Sau cuộc gặp với các đại diện CLB ở Nha Trang, tháng 12/2010, VFF đồng ý bán bản quyền truyền hình V-League cho AVG. Theo đó, AVG độc quyền sở hữu bản quyền truyền hình V-League trong 20 năm. Giá trị hợp đồng năm đầu tiên là 6 tỷ đồng. Năm tiếp theo, sẽ lũy tiến thêm 10%. VFF giữ 50% giá trị của hợp đồng. Nửa còn lại được chia cho các CLB.

Cơ sở để VFF thực hiện bản hợp đồng được cho là kỷ lục về thời gian này là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. “Bản quyền truyền hình các trận đấu tại các giải bóng đá thuộc về VFF. Chỉ VFF mới có quyền thương thảo và ký kết các Hợp đồng hoặc cho phép các đối tác ký kết hợp đồng về bản quyền truyền hình trực tiếp ở tất cả các trận đấu”. Quy chế BĐCN, điều 68 ghi rõ.

Rắc rối phát sinh, sau khi VFF và các ông “bầu” thống nhất thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Công ty này hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, sẽ thay VFF tổ chức, điều hành V-League. Ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch đội Hà Nội ACB đánh giá đây là bản hợp đồng có một không hai trên thế giởi bởi “không giải đấu nào bán bản quyền truyền hình tới 20 năm”. Ông Kiên đề nghị VFF xem lại hợp đồng này bởi nó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bóng đá Việt Nam. Đề nghị của ông Kiên được 28 CLB dự giải hạng Nhất và V-League 2012 ủng hộ. Theo đó, các ông “bầu” đề nghị VFF phải để VPF quyết định vấn đề bản quyền truyền hình đồng thời tự quyết định mức ăn chia dựa theo cổ phần của mỗi cổ đông (14 CLB và VFF).

“Liên đoàn thể thao quốc gia, CLB thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có tổ chức giải thể thao thành tích cao (TTTTC) và giải thể thao chuyên nghiệp (TTCN) là chủ sở hữu giải TTTTC và TTCN do mình tổ chức”. Điều 53 Luật Thể dục, thể thao. Từ Luật này, các ông “bầu” đặt vấn đề, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có mâu thuẫn với Luật Thể dục thể thao? Căn cứ vào Luật này, VPF là đơn vị sở hữu V-League, việc khai thác các nguồn lợi từ V-League phải thuộc về công ty này.

“Chúng tôi đã nghiên cứu đầy đủ Luật trước khi ký hợp đồng với AVG. Vấn đề này Ban chấp hành VFF quyết được nên mới quyết. Quá trình ký kết hợp đồng được làm đúng trình tự, thủ tục. Tôi khẳng định VFF không phạm luật khi bán bản quyền truyền hình V-League cho AVG”. Đại diện VFF khẳng định tình hợp pháp của bản hợp đồng bàn quyền truyền hình V-League kéo dài 20 năm đã bán cho AVG.

Các ông “bầu” cho rằng, sự ra đời của VPF đòi hỏi VFF phải sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cho hợp thời cuộc đồng thời phải để công ty này có tiếng nói quyết định với vấn đề bản quyền truyền hình. “Việc sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cho hợp với thực tiễn là bình thường nhưng cụ thể thế nào phải xem xét kỹ. Tuy nhiên, cái nào đồng thuận thì làm trước, vướng mắc giải quyết dần. Ngay một lúc mà đòi mọi thứ phải chuẩn mực hết là không khoa học”, đại diện VFF nhận xét.

“Hệ thống các giải vẫn là của VFF, chỉ thay đổi trong cách quản lý, điều hành là để VPF thay. VFF vẫn là đại diện quản lý các CLB và giải đấu. Nếu VFF không công nhận V.League thì giải không hợp lệ. Hợp đồng của VFF với AVG đã ký rồi, có thể là chỉ trao lại cho VPF khai thác thôi”. Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn đưa ra phương án giải quyết.

VPF được xem là kết quả phần một của “cuộc chiến giữa các ông bầu và VFF”. Công ty này vẫn chưa ra đời. Việc xem lại hợp đồng bản quyền truyền hình V-League mà VFF đã bán cho AVG trong 20 năm mới chỉ dừng ở mức là đề nghị từ các ông chủ bóng đá. Giới thạo tin cho rằng, khi VPF ra đời, tập hai của “cuộc chiến giữa các ông “bầu” và VFF” sẽ diễn ra với mục tiêu tiếp theo là “miếng bánh” bản quyền truyền hình V-League.


Theo VnExpress

Mới nhất

x
Rắc rối chuyện bản quyền truyền hình V-League
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO