Rạo rực Tết vùng quê biển

23/01/2013 09:16

(Baonghean) - Gần đến Tết, trời rét căm căm và biển có sóng lớn nhưng con thuyền nào cũng cố gắng ra khơi để đánh bắt được thật nhiều hải sản, bởi mẻ lưới cuối cùng chuyến biển này họ chọn để dành những con cá to nhất, ngon nhất cho lễ cúng tất niên và đón giao thừa. Nhà không có người đi biển cũng đặt mua cho bằng được mấy con cá, con tôm to nhất, dù nhà nghèo cũng có mấy con cá thửng nướng cong để dành cúng tất niên. Điều đó đã thành như một phong tục dịp chuẩn bị đón Tết ở vùng quê biển, như để tỏ lòng thành kính tổ tiên và cầu mong được tổ tiên phù hộ năm mới sẽ phát đạt hơn.

(Baonghean) - Gần đến Tết, trời rét căm căm và biển có sóng lớn nhưng con thuyền nào cũng cố gắng ra khơi để đánh bắt được thật nhiều hải sản, bởi mẻ lưới cuối cùng chuyến biển này họ chọn để dành những con cá to nhất, ngon nhất cho lễ cúng tất niên và đón giao thừa. Nhà không có người đi biển cũng đặt mua cho bằng được mấy con cá, con tôm to nhất, dù nhà nghèo cũng có mấy con cá thửng nướng cong để dành cúng tất niên. Điều đó đã thành như một phong tục dịp chuẩn bị đón Tết ở vùng quê biển, như để tỏ lòng thành kính tổ tiên và cầu mong được tổ tiên phù hộ năm mới sẽ phát đạt hơn.

Dù bận rộn quanh năm, nhất là dịp gần Tết, nhưng dù bận đến đâu, chí ít đến ngày 28 Tết, con cháu các dòng họ vẫn tề tựu nhau ra nghĩa trang của dòng họ làm lễ khai quang (tảo mộ) kết hợp yết cáo tổ tiên. Đây là việc không thể sao nhãng được, mọi người rất tự giác. Sau đó họ về nhà chuẩn bị cho lễ tất niên và cúng giao thừa. Công việc đầu tiên là chuẩn bị gói bánh chưng, làm mứt Tết. Rồi dọn dẹp, trang trí lại bàn thờ, nhà cửa. Công việc chuẩn bị gói bánh, làm mứt do các bà, các mẹ, chị em đảm nhiệm, còn đàn ông lo việc trang trí bàn thờ, nhà cửa. Dù nhiều nơi có dịch vụ làm bánh chưng ngày Tết khá tiện lợi nhưng ở vùng quê biển này, các gia đình vẫn muốn tự mình làm bánh chưng để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Còn nhớ có một năm, do bận rộn công việc và nghĩ rằng đỡ vất vả cho mẹ và các chị, cậu em tôi làm việc ở thành phố đã mua bánh chưng dịch vụ về khiến cho mẹ buồn bực cả mấy ngày Tết. Mẹ nói với các con ôn tồn mà thấm thía: Lòng thành kính với tổ tiên không thể mua được đâu con ạ! Ngoài gói bánh chưng, Người dân quê tôi cũng tự làm những loại bánh như bánh bột lọc trộn với mật mía, nhân đỗ xanh với gia vị, gừng, gói lá chuối và luộc như bánh chưng, gọi là bánh mật. Còn mứt cũng rất phong phú, nào mứt sen, mứt dừa, đu đủ, mứt bí, mứt gừng… Không khí ngày gói bánh chưng, làm mứt thật rộn ràng, đầm ấm.



Lễ hội cầu ngư. Ảnh minh họa

Tết ở vùng quê biển không nặng về vật chất mà chủ yếu lấy lễ đãi nhau. Với quan niệm "lời chào cao hơn mâm cỗ", ngày Tết gặp nhau, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp là đáng quý. Trong những ngày Tết, tình nghĩa anh em, tình làng nghĩa xóm được dịp thể hiện rõ nhất. Ai cũng mong dành nhiều thời gian đi chúc tụng nhau, nhất là người thường xuyên đi biển dài ngày hoặc đi xa về, ngày Tết không đến được hết các làng trong nhà là bị trách móc và bản thân cũng cảm thấy áy náy mãi cả năm.

Từ ngày mồng 4, các đoàn thể tổ chức những hội xuân như chơi đu, bóng đá, bóng chuyền, vật, tổ tôm điếm… Cũng dịp này, những người lên thượng thọ được đoàn thể, gia đình tổ chức mừng thọ đơn giản, tiết kiệm nhưng trang trọng. Những hội xuân này là những nét văn hóa đẹp, tạo nên không khí vui Xuân thật ấm áp, rạo rực nơi làng quê, từ cụ già đến các em nhỏ đều ngóng đợi. Đáng tiếc vài năm lại đây, do bận rộn làm ăn, một số hội xuân như đánh cờ người, chơi đu, tổ tôm điếm… đã dần vắng bóng. Người già, con trẻ nhiều người thấy tiếc như thiếu đi một điều gì thật lớn trong dịp Tết. Mẹ tôi kể rằng, ngày trước đời sống còn khó khăn lắm nhưng hội xuân thật vui kéo dài cả tháng Giêng, thời ấy bố mẹ tôi đều được chọn vào đội cờ người (gọi là ngồi cờ) của làng, cảm thấy vinh hạnh lắm. Dù mẹ không nói ra song tôi cũng hiểu rằng, nhờ những hội xuân, những dịp "ngồi cờ"ấy mà bố mẹ tôi và nhiều lứa đôi khác nên duyên, sống tình nghĩa thủy chung son sắt trọn đời.

Mấy năm qua, một số hội Xuân đã được phục hồi, nhất là lễ cầu ngư. Sau ngày hạ cây nêu, làng nào có nghề đi biển đều tổ chức lễ cầu ngư. Ngày trước lễ cầu ngư diễn ra ở miếu mộ cá Ông, nhưng nay mộ cá Ông đã hoang phế, nhiều làng không còn đành phải tổ chức ở bến thuyền gần các cửa lạch. Người chủ tế phải chọn rất kỹ, phải là người đức cao vọng trọng, gia đình hòa thuận, song toàn. Lễ hội ở đền và đình làng đầu năm cũng vậy. Lễ vật tế trong lễ cầu ngư cũng khá cầu kỳ, có đủ tam sinh và không thể thiếu hải sản quý. Đặc biệt phải làm một con thuyền bằng tre dán giấy to gần bằng thuyền thật, để lễ vật lên và sau lễ phóng xuống biển cho các vị thần.


Mai Hồ Minh

Mới nhất
x
Rạo rực Tết vùng quê biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO