Rau, thịt đứng đầu danh sách tồn dư hóa chất độc hại
Thông tin trên được Bộ NNPTNT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ngày 4/4.
Theo Bộ này, việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản được tiến hành thông qua giám sát và lấy mẫu, tập trung vào các sản phẩm rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà.
Đây là những sản phẩm có nguy cơ cao và gây bức xúc nhiều trong dư luận. Kết quả giám sát và lấy mẫu cho thấy tỉ lệ tồn dư các hóa chất độc hại trên rau xanh và thịt đứng đầu danh sách các loại nông sản.
Cụ thể, trong năm 2012, tỷ lệ mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau vượt mức cho phép có xu hướng giảm nhưng còn ở mức cao với 96/1.200 mẫu (chiếm 8%) - giảm so với 106/1.50 mẫu năm 2011.
Thịt lợn nằm trong danh sách chứa tồn dư chất độc hại cao. Ảnh: D.H.
Đối với thịt lợn, thịt gà, kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật năm 2012 tại 17 tỉnh, thành phố cho thấy ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt còn ở mức cao. Tại cơ sở kinh doanh thịt lợn phát hiện 28/275 (10%) số mẫu năm 2012 nhiễm Salmonella. Tại cơ sở kinh doanh thịt gà phát hiện 30,7% số mẫu năm 2011 và 38,7% số mẫu năm 2012 nhiễm Ecoli vượt quá giới hạn cho phép.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, nguyên nhân khiến rau và thịt vẫn thuộc nhóm có tồn dư độc hại cao là do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về triển khai chương trình giám sát như trình tự, thủ tục, phương pháp lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu, xử lý kết quả giám sát, phạm vi giám sát vẫn hẹp, chưa phủ đều các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, việc cấp kinh phí cho chương trình giám sát vẫn "phập phù" theo từng năm, lúc sớm lúc muộn khiến cán bộ chương trình bị động. Trong khi đó, theo lãnh đạo sở NNPTNT nhiều tỉnh như Đà Nẵng, An Giang..., chơ chế phối hợp giám sát liên tỉnh vẫn còn lỏng lẻo khiến thực phẩm nhập vào địa phương còn "vô tội vạ" (như rau từ Lâm Đồng, thịt lợn, thịt gà từ các tỉnh phía Nam).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận, vi phạm ATTP vẫn còn cao trong lĩnh vực chăn nuôi, các sản phẩm từ động vật. "Ngay cả với rau, tỉ lệ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật có dư lượng vượt mức cho phép vẫn rất cao so với các nước tiên tiến trên thế giới. Vẫn còn nhiều việc phải làm và cần nỗ lực hơn nữa sao cho đồng bộ và hiệu quả tron năm 2013" - ông Phát nói.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp cũng đặt ra chỉ tiêu chung là giảm 10% số cơ sở vi phạm về ATTP so với với năm 2012. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo luật pháp, cao nhất là rút giấy phép. Việc quản lý theo chuỗi cần được tiếp tục đẩy mạnh, trong đó đánh giá nguy cơ rủi ro và tập trung vào khâu có nguy cơ mất an toàn nhất, tránh làm tràn lan.
Theo Laodong-M