Rau xanh được mùa, rớt giá
(Baonghean) - Giá rau xanh quá rẻ khiến cho nông dân tại các vùng chuyên canh rau trên địa bàn Nghệ An “khóc dở mếu dở” vì cho không được, bán cũng không xong, có hộ phải dùng làm phân xanh.
Nông dân Quỳnh Lương thu hoạch hành lá. |
Chúng tôi về “thủ phủ” rau xã Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu, từ xa là bạt ngàn rau với màu xanh ngút mắt. Không khí bán - mua vắng lặng. Ông Hồ Đức Nhật –Trưởng xóm 1, xã Quỳnh Lương than thở: “Tất cả các loại rau từ su hào, bắp cải, cải thảo, cải ngọt đến gia vị hành, mùi, hành tây… đều trong cơn đại hạ giá, giá rẻ như cho. Anh coi, giá 1.000 đồng/củ su hào, bắp cải, 200 đồng/kg hành”… Trong khi tết năm trước 15.000 đồng/kg hành và 6.000 – 8.000 đồng/bắp cải. Ông Nhật cho biết thêm: “Đau” nhất là các loại rau cải Hà Nội, su hào, bắp cải thì cho cũng không ai lấy mà chỉ bán được mỗi hành lá. Riêng gia đình tôi trồng 2 sào rau thì hiện đã chặt phá hết 1,5 sào để làm phân xanh.
Tính ra vụ rau này bỏ vốn khoảng trên 4 triệu đồng bao gồm tiền giống, tiền phân bón, chưa kể công chăm sóc nhưng mất trắng do giá rau quá rẻ. Ông Văn Thoa tâm sự: Gắn bó với nghề trồng rau nhiều năm rồi nhưng chưa thấy năm nào rau bị bỏ phí như năm nay. Rau được mùa nhưng người trồng rau chúng tôi phải chịu cảnh thất bát. Ông Thoa làm trên 2 sào rau mức đầu tư khoảng trên 3 triệu đồng, dịp tết năm trước 2 sào rau trừ chi phí gia đình ông còn lãi 15 triệu đồng/năm, nhưng nay chỉ bán được khoảng 1 triệu đồng hành lá. Được biết xóm 1, Quỳnh Lương có 26 ha rau thì bà con đã phá bỏ trên 20 ha, chỉ còn lại trên 5 ha hành lá. Anh Hồ Đức, người chuyên thu mua rau với khối lượng lớn cho hay: Trước đây chúng tôi mỗi ngày thu mua trên 15 tấn rau ra các thị trường Hà Nội, Hải Phòng… nhưng do vận chuyển ra không bán được nên hầu hết anh em buôn bán đều phải đóng cửa ở nhà.
Ông Hồ Cảnh Sáu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: Toàn xã Quỳnh Lương có gần 200 ha rau, lâu nay nhờ rau mà nhiều hộ dân ở Quỳnh Lương vươn lên làm giàu. Năm nay giá rẻ bất ngờ khiến người trồng rau ở Quỳnh Lương không kịp trở tay. Quỳnh Lương ngoài trồng rau giỏi xã còn có đội ngũ trên 40 người chuyên thu mua rau buôn bán “xuyên quốc gia”. Nhưng do giá rau rẻ nên những “tiểu thương” này không thể cứu vãn nổi người trồng rau. Đến thời điểm này Quỳnh Lương đã phá bỏ trên 170 ha rau, chủ yếu là các diện tích rau cải Hà Nội, cải bắp, su hào… do không bán được. Xã tiếp tục vận động bà con làm đất để trồng hành, vì hành dù giá rẻ vẫn đang tiêu thụ được còn hơn là để đất trống.
Chúng tôi tìm về chợ Giát, chợ Quỳnh Mỹ thấy hàng rau xanh chồng chất các loại. Chị Nguyễn Thị Tình ở Thị trấn Giát ngán ngẩm: Bắp cải tươi ngon nõn nà vậy mà lúc sáng tới giờ chẳng ai hỏi một câu, mà có hỏi thì cùng lắm trả 1.000 đồng/3 bắp cải, đúng là tạ rau chưa mua nổi cân thịt. Chuyện thật như đùa nhưng thực tế đang diễn ra ở các chợ thành phố và các chợ quê một thực trang xót xa là rau rẻ bèo bọt nhưng bán cũng không ai mua.
Chúng tôi về vùng rau xã Diễn Thành - Diễn Châu, cả cánh đồng rau mênh mông nhưng cũng chỉ thấp thoáng vài người ra ruộng. Nhiều hộ đã phải chặt bỏ bắp cải, su hào để trồng lạc. Ông Minh ở xóm 10 cho biết: “Cả vùng rau năm ni ế ẩm, bắp cải nổ tung cả phải đưa về cho lợn ăn”.
Trao đổi về giải pháp, tháo gỡ khó khăn đầu ra cho rau, ông Phan Xuân Vinh –Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết: Toàn huyện Diễn Châu hiện có khoảng trên 600 ha rau xanh, chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Thành, Diễn Xuân, Diễn Kỷ, Diễn Hạnh… Năm nay do tiết trời thuận lợi nên hầu hết được mùa rau, tuy nhiên, giá rớt thảm hại gây khốn khó cho người trồng rau. Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng rau, cần phải tập trung xây dựng cánh đồng rau đạt tiêu chuẩn VietGap, vì thực tế rau đạt chứng nhận trên vẫn dễ dàng tiêu thụ hơn, hiện nay toàn huyện Diễn Châu chỉ có trên 10 ha rau ở Diễn Thành đạt tiêu chuẩn VietGap. Khuyến cáo nông dân tập trung đa dạng nhiều loại rau để dễ dàng tiêu thụ hơn.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu lý giải: Nguyên nhân giá rau rẻ bất ngờ là do sau đợt ngập úng lịch sử cuối năm qua toàn bộ diện tích rau màu của Quỳnh Lưu bị hư hỏng, bà con vùng chuyên canh rau và vùng rau trên đất 2 lúa cùng lúc khôi phục trồng rau trên 800 ha, riêng vùng bãi ngang 600 ha. Không trồng theo rải vụ nên cùng lúc thu hoạch ồ ạt khiến cho lượng rau không thể tiêu thụ kịp dẫn đến tình trạng tắc đầu ra. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để vụ sau Quỳnh Lưu chỉ đạo bà con tập trung trồng rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc với khối lượng lớn. Để tìm đầu ra cho rau, củ, quả thì Quỳnh Lưu tiếp tục thực hiện các biện pháp tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau sạch VietGap, vì thực tế Quỳnh Lưu có trên 10 ha rau sạch được chứng nhận VietGap tại Quỳnh Lương đã tiêu thụ được ở các khách sạn tại Hà Nội trên 50 tấn rau/năm. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn tạo thuận lợi cho nông dân thâm canh, tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau sạch và tiêu thụ cho sản phẩm rau. Phát huy vai trò kinh tế tập thể theo mô hình HTX nhằm tiếp thu chương trình đầu tư khoa học kỹ thuật, phổ biến tới người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, và đây cũng là các kênh đầu mối, kết nối giữa người nông dân và thị trường.
Văn Trường