Rẽ ngang...!

(Baonghean) - Do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn nên nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay đang phải đối mặt với thực trạng thất nghiệp. Thay vì tìm được một công việc phù hợp với tấm bằng đại học thì nhiều cử nhân phải đi làm công nhân, rẽ ngang sang các ngành nghề khác không liên quan đến tấm bằng đại học. Đó là hiệu quả tất yếu khi giới trẻ thiếu kiến thức về định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu xã hội...
Một số lao động có bằng đại học chờ nộp hồ sơ tuyển công nhân tại Công ty Matrix.
Một số lao động có bằng đại học chờ nộp hồ sơ tuyển công nhân tại Công ty Matrix.
Đang vào đợt tuyển công nhân nên ngay từ sáng sớm, trước cổng công ty TNHH Matrix (Khu Công nghiệp Bắc Vinh) đã có hàng trăm công nhân xếp hàng chờ nộp hồ sơ. Trong số những thanh niên nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí công nhân may ở công ty này, có những em đã tốt nghiệp đại học. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với Nguyễn Thị Tâm (quê Nam Trung – Nam Đàn), tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Vinh nhưng gần một năm nay vẫn chưa có việc làm. Nghe bạn bè giới thiệu đợt này công ty Matrix đang tuyển 300 công nhân nên em ứng tuyển. Tâm chia sẻ: “Bây giờ tìm việc làm đúng ngành khó quá, nên em đang nộp hồ sơ trong miền Nam và đang chờ việc. Làm công nhân là công việc tạm thời trong khi em chờ đợi để có công việc mới. Thế nhưng, em cũng không biết mình sẽ chờ đợi đến bao giờ thì được dùng đến tấm bằng đại học”. 
Cũng hoàn cảnh tương tự, em Đinh Thị Sen (Xuân Lâm, Nam Đàn) tốt nghiệp ngành Kế toán, Đại học Vinh, sau gần nửa năm tìm kiếm, vẫn không tìm được công việc đúng ngành nghề. Hiện, em đang làm công nhân kiểm hàng của Công ty TNHH Havina Kim Liên. Còn tấm bằng đại học ngành kế toán giờ đây vẫn “treo”. Bố mẹ Sen đều là nông dân nên việc hiểu biết về xu hướng nghề nghiệp cũng hạn chế. Bởi vậy việc chọn trường và ngành học đều do em tự quyết định. Sen cho biết: “Lúc đó ngành kế toán đang “hot”, nhiều bạn  chọn  thi nên em cũng chọn thi chứ không định hướng gì nhiều. Với lại, khi đang là học sinh phổ thông nếu chúng em định hướng được việc học nghề vừa tiết kiệm thời gian và lại dễ tìm việc  thì chắc em đã không chọn  thi đại học”.
Mấy năm trước, ngành kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đang là ngành học “hot” nên em Hoàng Thị Hoa (Hưng Nguyên) chọn  thi. Ra trường thời điểm kinh tế khó khăn nên ngành học của em khó xin việc. Hoa xin làm nhân viên bán hàng cho một công ty tư nhân, nhưng mức lương không ổn định, công việc không đều nên em xin nghỉ. Công việc hiện tại của em là nhân viên thu ngân. Mỗi tháng một lần Hoa đến từng hộ gia đình của phường Hưng Bình và Bến Thủy để thu tiền nước. Hoa tâm sự: “Công việc hiện tại không liên quan gì đến ngành học mà em đã từng theo đuổi suốt bốn năm đại học. Để làm được công việc của nhân viên thu ngân chỉ cần vài tháng là có thể tự học và làm thành thục. Nhưng, thời điểm này, có được công việc ổn định đã là may mắn lắm rồi”.
 Cử nhân đi làm công nhân không phải là chuyện hiếm gặp. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Nghệ An, hiện có khoảng 20 cử nhân đang là công nhân đảm nhận các vị trí khác nhau trong công ty. Và đây cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều công ty. Có thể thấy rằng, thất nghiệp là hệ lụy tất yếu của việc thiếu kiến thức định hướng nghề nghiệp, chọn nghề theo “cảm tính” và chọn thi đại học theo xu thế chung của nhiều học sinh THPT hiện nay. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, quý IV năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có 72 nghìn cử nhân, thạc sỹ.  Điều đó cho thấy, vẫn còn nhiều bạn trẻ có suy nghĩ “đại học là con đường duy nhất”, trong khi nhu cầu thị trường lao động hiện nay cần “thợ” nhiều hơn “thầy”.
Ngược lại,  câu chuyện của bạn trẻ Trần Thanh Sơn, Quản lý và điều hành trang trại Sơn Đô - Bài Sơn, Đô Lương lại cho chúng ta các nhìn khác về lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp. Sơn tốt nghiệp ngành Quản lý Nhân  sự - Trường Đại học khoa học Thái Nguyên nhưng sau khi ra trường anh lại lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp riêng. Bởi thời điểm sau khi tốt nghiệp, ngành học của anh không còn đắt giá. Mặc dù khó khăn nhưng anh đã có được công việc đúng với chuyên ngành nhân sự ở công ty Prex Vinh. Thế  nhưng mức lương ở đây đã không làm anh hài lòng. Trong khi nhận thấy ở quê anh, vùng đất đồi giàu tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc để thực hiện ước mơ làm giàu từ chăn nuôi gà và chim bồ câu Pháp.
Ngay từ khi học đại học, với mong muốn phát triển kinh tế trang trại, Sơn đã đi tham quan thực tế rất nhiều trang trại ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh …  Năm 2010 anh mạnh dạn đầu tư để chăn nuôi dù bạn bè và người thân kịch liệt phản đối. Anh cho biết, “bước đầu chăn nuôi vừa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên dự án của tôi gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng mình đã thất bại. Sau này, tôi phải trực tiếp tới Viện Chăn nuôi tìm hiểu quy trình chuẩn chăn nuôi và xem xét phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy mà tôi đã đúc rút kinh nghiệm xây dựng được 4 trang trại chăn nuôi chim bồ câu và gà đồi tại Từ Sơn – Bắc Ninh, TP. Vinh, Quang Thành – Yên Thành và cơ sở tại Bài Sơn – Đô Lương.
Hiện trang trại của anh có hơn 6 nghìn con gà và chim bồ câu Pháp, doanh thu hàng tháng gần 30 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. Mặc dù theo công việc khác tưởng như không liên quan đến ngành học mà Sơn chọn nhưng với anh, những kiến thức có được từ khi học trong trường đại học đã cho anh được những kỹ năng như tổ chức quản lý, cũng như nghiên cứu phân tích, tìm kiếm, phát triển thị trường … chính nhờ vậy mà anh đã xây dựng được mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp trực tiếp sản phẩm sạch của mình tới các khách sạn, nhà hàng, cơ quan, trường học…
Câu chuyện của thanh niên trẻ Trần Thanh Sơn đã cho chúng ta thấy, thanh niên cần có ý chí tự lập thân lập nghiệp từ những nền tảng tri thức đã được học tập, rèn luyện. Trước khó khăn chung của nền kinh tế thì hơn ai hết chúng ta phải biết tự tạo cơ hội cho bản thân. “Nếu không ai cho bạn việc làm, hãy tự tạo việc làm cho mình” như quan điểm của tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Dám thất bại” Billi P.S Lim. 
Đinh Nguyệt

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.