(Baonghean) - Ngay sau khi nhận được thông tin cây sắn bị nhiễm bệnh lạ ở 2 xã Thanh Lâm, Thanh Ngọc (Thanh Chương), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống thực địa tại hiện trường, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra. Trung tâm BVTV vùng IV đã có kết luận đây là bệnh rệp sáp bột hồng trên cây sắn.
Ông Nguyễn Văn Thảo ở xóm Nghi Xuân, xã Thanh Lâm trồng 1,5ha sắn , ông đang lo lắng bởi nương sắn của gia đình đột nhiên có nhiều cây ngừng phát triển, lá chuyển màu, sau đó úa vàng và rụng. Ông Thảo cho biết: "Cả nhà tôi trông chờ vào rẫy sắn này để kiếm tiền nuôi con ăn học nhưng kiểu này xem như thất thu rồi. Ngoài tiền công, tôi còn đầu tư hơn chục triệu đồng tiền phân, giống. Những cây bị nhiễm bệnh còn lại đều bị vàng lá, cây chỉ cao đến đầu gối...". Cùng nỗi niềm, ông Nguyễn Tài Chắt ở xóm Nghi Xuân cho hay: "Khi kiểm tra sắn của gia đình, tôi phát hiện thấy nhiều cây các chồi non bị xoắn lại, lá trên ngọn phát triển thành cụm và quăn một cách không bình thường. Vạch cuống lá thì thấy phía dưới và thân cây có hàng chục con rệp kết thành khối dính sát vào nhau. Nhìn kỹ trên từng con rệp có một lớp sáp bột màu trắng, có chân và di chuyển nhanh" ...
![]() |
Tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng tại xã Thanh Lâm.
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, vụ mùa năm 2013 toàn huyện trồng 2.257ha sắn, trong đó chủ yếu là giống sắn dăm bô vảy rồng (TC11). Sau 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh đầu tiên tại hộ ông Lê Hữu Bảy (ở xóm Ngọc Phượng - xã Thanh Ngọc) với diện tích nhiễm bệnh là 350m2, hiện nay bệnh rệp sáp bột hồng tại 2 xã này đã lây lan lên hơn 7 ha... Ông Trần Xuân Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết: Vụ sắn năm nay Thanh Lâm trồng 220ha, trong đó có hơn 100 ha giống sắn TC11. Tính đến nay toàn xã đã có 14 hộ trồng sắn bị nhiễm bệnh với diện tích gần 7 ha (hộ bị nhiễm bệnh nhiều nhất là 500m2, hộ ít nhất 40m2); tập trung chủ yếu ở 3 xóm Nghi Xuân, Nghi Văn và Minh Đức. Xã đã tổ chức tiêu hủy 5.337m2 sắn nhiễm bệnh, hiện người dân đang rất lo lắng bởi nghe nói chưa có thuốc điều trị bệnh này". Tại xã Thanh Ngọc, rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu tiên tại nương sắn TC11 của 4 hộ gia đình ở xóm Phú Lâm 1, với tổng diện tích hơn 3.000m2.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Chương cho biết: "Biểu hiện bệnh rệp sáp bột hồng rõ nhất là ngọn sắn bị xoắn biến dạng, nếu bị nặng cây sẽ không sinh trưởng, dẫn đến chết. Rệp sáp bột hồng có thể tìm thấy trên tất cả các bộ phận của cây sắn (gốc, thân, lá, điểm sinh trưởng). Rệp mới nở dễ dàng bị cuốn theo gió. Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển nên có nguy cơ lây lan ra diện rộng nếu không được xử lý sớm và kiểm soát chặt chẽ. Rệp lần đầu tiên xuất hiện ở Thanh Chương và trên địa bàn tỉnh. Được biết đối tượng rệp sáp bột hồng chưa có tài liệu chữa trị chuyên sâu, hiện nay cách phòng trừ và chữa trị đều đang trên đà thử nghiệm và chủ yếu áp dụng biện pháp khống chế theo tài liệu của Thái Lan. Hiện Chi cục BVTV tỉnh đang làm thí nghiệm phun một số loại thuốc phòng trừ lên cây sắn nhiễm bệnh .
Ông Nguyễn Xuân Ánh - Phó phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cũng cho biết thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Trung tâm BVTV vùng IV, tại xã Thanh Lâm và Thanh Ngọc, huyện đã phối hợp với Nhà máy chế biến tinh bột sắn tổ chức tiêu hủy gần 10.000m2 sắn bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng (xã Thanh Ngọc tiêu hủy 2.957m2, xã Thanh Lâm 5.337m2). Phương thức tiêu hủy là cắt phần ngọn trước tránh rệp rơi rụng, sau nhổ cả phần gốc đem đốt và phun các loại thuốc phòng trừ rệp. Do tính chất nguy hiểm và nguy cơ gây hại nghiêm trọng của rệp sáp bột hồng đối với cây sắn, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ cây ở khu vực bị nhiễm rệp theo hướng dẫn kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật; nghiêm cấm vận chuyển các bộ phận của sắn (thân, lá, củ) từ vùng bị nhiễm đi nơi khác...
Vừa qua, UBND huyện Thanh Chương đã phối hợp Nhà máy tinh bột sắn triển khai Hội nghị bàn các biện pháp bao vây, tiêu diệt không để bệnh lây lan trên diện rộng. Giải pháp là ngắt bỏ phần ngọn nhiễm bệnh gom về một nơi để đốt, sau đó tiếp tục tiêu hủy cả phần gốc. Sau khi tiêu hủy số cây bị bệnh phải tiếp tục theo dõi thường xuyên số cây còn lại để tiếp tục xử lý. Đối với ruộng sắn bị nhiễm nặng thì tiêu huy toàn bộ rồi cày bừa xới xáo đất, nếu có điều kiện thì cho nước vào để ngâm nhằm diệt hết trứng và các loại mầm bệnh. Để người dân bình tĩnh, yên tâm đối phó với loại bệnh này, huyện chỉ đạo việc phòng chống dịch bệnh sẽ được triển khai liên tục trong ngắn hạn và dài hạn; trước mắt huyện và Nhà máy Tinh bột sắn sẽ hỗ trợ cho các hộ có diện tích sắn bị tiêu hủy và hỗ trợ chi phí phòng, chống dịch bệnh.
Theo nhận định của ông Từ Trọng Kim - Trưởng Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT: Tuy rệp sáp bột hồng hại sắn xuất hiện và gây hại đang ở diện hẹp và cục bộ nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nó sẽ phát tán rất nhanh... Trên địa bàn tỉnh có hơn 10 huyện trồng sắn nguyên liệu với diện tích hơn 7.500 ha, các địa phương khác cũng cần tổ chức kiểm tra, phòng trừ kịp thời để bảo vệ sắn.