"Rối ren" rác thải

14/12/2014 08:37

(Baonghean) - Là đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế đầu tàu của tỉnh, Thành phố Vinh đang có những chuyển động mạnh mẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, bức tranh đô thị Vinh vẫn còn nhiều “mảng” rối, khiến cho những ai quan tâm cũng phải chạnh lòng. Đáng phê bình nhất là tình trạng đổ rác chưa đúng quy định, gây phản cảm, làm mất vệ sinh lòng, lề đường trên nhiều tuyến phố.

Ở đâu cũng... rác

Bà Trần Thị Nga công tác tại Thành phố Vinh từ năm 1976 và sinh sống tại xã Hưng Lộc, năm 2005, nghỉ hưu, bà theo con ra Hà Nội sống, nhưng không bán nhà ở Vinh. Mỗi dịp về Vinh, bà đi thăm thú nhiều nơi, dọc qua nhiều tuyến phố. Điều bà Nga cảm thấy buồn là các đường phố ở TP. Vinh còn rất nhiều rác thải. Anh Lê Công Hoan, quê ở Long Thành (Yên Thành) hiện là giảng viên Trường CĐSP Nha Trang, cũng là người thường xuyên đi về qua Thành phố Vinh. Anh Hoan cho rằng, cơ sở hạ tầng của Thành phố Vinh phát triển với nhiều công trình quy mô, khang trang hơn Nha Trang, song, có một điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại đang là vấn đề lớn của TP. Vinh, đó là đường phố và vỉa hè thì TP. Vinh còn kém nhiều nơi, nhất là khi thành phố đã nâng cấp lên đô thị loại I.

Những cảm nhận của bà Nga, anh Hoan không phải là thiểu số. Bởi ngay chúng tôi, những người hàng ngày đi lại trên các con đường ở TP. Vinh cũng chứng kiến không ít “thực cảnh” không thể vui lòng. Xin nêu một vài những ví dụ về những chuyện không vui đó: Mới đây, chiều ngày 11/12, trên đường Quang Trung - một trong những tuyến phố trung tâm của TP. Vinh, chúng tôi chứng kiến một chị công nhân của Công ty Môi trường đang đi thu lượm rác. Mới đi được một đoạn ngắn mà xe chở rác của chị đã chất đầy. Theo chứng kiến và hình ảnh chúng tôi ghi lại được, cứ khoảng vài trăm mét lại có một số túi rác vất ngay ở trên vỉa hè. Góc đường, nơi rẽ vào chung cư Tecco và chợ Quang Trung còn hình thành cả một bãi rác trông rất phản cảm. Vài người đang đào bới phế liệu cho biết, ngày nào họ cũng qua đây để bới rác tìm kiếm phế liệu, bởi góc phố này, từ lâu đã thành nơi đổ rác của người dân quanh vùng.

Thu gom rác thải trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh chụp ngày 12/12)
Thu gom rác thải trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh chụp ngày 12/12)

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai -một tuyến phố lớn, chuyên doanh, nhưng khi đi qua, chúng tôi luôn chứng kiến cảnh “chướng mắt”. Cách quãng là những bãi rác thải sinh hoạt vung vãi, cùng đó rác thải xây dựng, nhiều giấy loại, đề can vụn tập kết thành một dãy dài… Ở một số tuyến phố khác, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tương tự khi đô thị bị rác “tấn công”. Ngay đầu đường Lê Hồng Phong, đoạn gần đường Nguyễn Thái Học, một khoảng đất rộng ngay cạnh đường nghiễm nhiên trở thành nơi chất rác. Còn ở đường Hồng Bàng, cạnh Trường Mầm non Hoa Hồng, nơi UBND phường Quang Trung quy định đổ rác từ 18 giờ đến 21 giờ, thì lúc 15 giờ chiều đã ngổn ngang bao bì phế thải vật liệu và rác sinh hoạt …

Rác thải ở nhiều tuyến phố được chất thành đống hai bên đường từ lâu, nhưng hình như không được “đoái hoài” tới. Trước Công ty CP Naconex Nghệ An (số 38 Phan Đình Phùng), những mảng tường đổ, khối vữa lớn, những hòn đá hộc chất đống và đã xanh rêu ở vùng phân cách đường chính và đường phụ. Chiều, dạo qua các tuyến đường tưởng chừng như sạch - đẹp gồm Lê Mao, Đại lộ Lê nin, đường Trường Thi... hầu hết đều “phô ra” hình ảnh những túi rác vỡ tung, vung vãi giấy lau, vụn vải, vỏ hoa quả... Chị Nguyễn Thị Lan - nhân viên vệ sinh môi trường tuyến đường Quang Trung bức xúc: “Thành phố quy định chỉ đổ rác từ 18 giờ đến 21 giờ, và phải đổ đúng nơi quy định. Nhưng rất nhiều hộ dân cứ có rác lúc nào đưa ra đổ lúc đó. Nhiều khi xe chúng tôi vừa đi qua họ đã đưa rác ra thả ở phía sau. Tuyến này mỗi ca hai người làm vệ sinh thường trực, nhưng không thể thu gom hết vì người dân liên tục vi phạm, đổ rác sai quy định…”.

Còn tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhân viên vệ sinh môi trường tên Hoàng Thị Hải Yến bức xúc: “Rất nhiều hộ dân vứt rác ra đường bất kỳ lúc nào. Nhiều hộ dân kinh doanh vi phạm và bị chúng tôi nhắc nhở, họ còn “vặn” lại là “Không xả rác thì các anh chị lấy đâu việc mà làm”. Một số hộ thì đưa rác đến nhà khác, khối khác hoặc phường khác để đổ. Một số hộ đưa rác ra để ngay phía đường trước nhà...”.

Trước thực trạng đó, Công ty Môi trường đô thị Nghệ An cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các hộ dân vi phạm đổ rác sai quy định. Trong tháng 9/2014, phát hiện 22 vụ, tháng 10 có 13 vụ, tháng 11 có 11 vụ. Tính từ ngày 1/12 đến ngày 12/12, có tới 14 vụ vi phạm bị phát hiện. Đáng chú ý là trong số các đối tượng vi phạm, ngoài các cá nhân, hộ gia đình, còn có các trường học, cơ quan công sở… Điều đó cho thấy, thành phố lên loại I, nhưng chúng ta còn thiếu nhiều những công dân loại I gương mẫu.

Cần xử lý nghiêm những vi phạm

Để khắc phục tình trạng rác thải đổ sai nơi và sai giờ quy định, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị, Công ty Môi trường đô thị đã đưa ra biện pháp thành lập tổ kiểm tra phát hiện vi phạm, ghi lại chứng cứ, lập bảng báo cáo hàng tháng để báo cáo UBND Thành phố Vinh. Bản báo cáo này còn được gửi đến tập thể hoặc cá nhân vi phạm và đọc tên trên loa phóng thanh của phường để nhắc nhở, lưu ý. Cùng với đó là gửi báo cáo đề nghị UBND tp. Vinh và các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Đây là biện pháp được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên, nhiều hộ vi phạm vẫn tỏ ra “chây ỳ”, chưa thấy hành vi của mình là đáng chê trách. Có hộ dân bị đọc tên trên loa khối còn gọi điện đến công ty dọa nạt, chửi mắng. Việc xử lý vi phạm về đổ rác vẫn chưa nghiêm, chưa có tác dụng răn đe đúng mức.

Một giải pháp được tiến hành lâu này là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, nhận thức giữ gìn vệ sinh chung và tạo cảnh quan đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ Thành phố Vinh đã phối hợp với Công ty Môi trường đô thị để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đổ rác thải sinh hoạt đúng thời gian quy định trên một số tuyến chính của thành phố. Ngày 7/11/2014, hai bên đã tổ chức ký kết phối hợp tuyên truyền các hộ dân tại các tuyến phố: Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du; Phan Đình Phùng, Nguyễn Sinh Sắc; Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu. Tuy nhiên, không ít “trường hợp cá biệt” vẫn vi phạm. Ông Hoàng Văn Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nghệ An cho biết: “Nhân viên vệ sinh đường phố Đội Cung từng bị dọa đánh vì cho rằng dám “lên mặt dạy đời” khi nhắc nhở người dân xả rác đúng quy định…”.

Để hạn chế tình trạng rác thải “xâm chiếm” đô thị vào ban ngày, trong tháng 9 và 10 vừa qua, UBND phường Vinh Tân, UBND phường Hà Huy Tập, UBND xã Hưng Lộc đã có văn bản đề nghị UBND thành phố bố trí công tác thu gom rác vào ban ngày tại 7 tuyến đường, với tần suất 1 lần/ngày và bổ sung khối lượng công tác quét thu gom với 4 tuyến đường khác vào năm 2015. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng “chưa thể thực hiện được”, vì lý do “điều kiện ngân sách dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn... Thành phố sẽ xem xét bổ sung khi có kinh phí”.

Quá trình tìm hiểu thực tế cho bài viết, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của người dân và du khách rằng: Chẳng lẽ Thành phố Vinh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ, mà lại “bó tay” với tình trạng rác thải ban ngày làm mất vệ sinh và mỹ quan đô thị? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng, cho cấp có thẩm quyền.

Nhóm phóng viên

Mới nhất
x
"Rối ren" rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO