Rộn rã làng trống Hoàng Hà
(Baonghean) - Người làng Hoàng Hà xã Diễn Hoàng - Diễn Châu ngoài việc đồng áng “năm cấy hái 2 vụ”, họ còn duy trì và phát triển nghề “cha truyền con nối” qua bao đời nay, đó là nghề làm trống.
Sang xuân, mưa lất phất như rây bột, chúng tôi men theo con đường rợp bóng dừa về thăm làng trống Hoàng Hà. Ông Nguyễn Đức Đường 85 tuổi, một cao niên trong làng cho biết: Nghề làm trống ở Hoàng Hà không biết có từ khi nào, chỉ biết gia đình tôi đã có đến 7 đời làm trống. Nghe các cụ xưa kể rằng trống Hoàng Hà đã từng phục vụ cho việc tế lễ ở kinh đô Thăng Long. Làng trống Hoàng Hà còn được Festival Huế đặt làm 120 chiếc trống - quả là vinh hạnh cho cả làng nghề. Ông Đường giờ tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn nhớ nghề, rảnh rỗi lại ra truyền các “tuyệt kỹ” cho lớp cháu con. Trẻ con ở Hoàng Hà 9 - 10 tuổi hàng ngày xem ông và bố làm nghề, rồi nghề ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay, vì thế mà có nhiều em độ 14 - 15 tuổi đã biết phụ giúp bố làm trống.
![]() |
![]() |
Sản xuất trống tại làng Hoàng Hà (Diễn Hoàng - Diễn Châu). |
“Tháng giêng là tháng ăn chơi” của thiên hạ nhưng người làng trống Hoàng Hà lại rộn ràng vào vụ trống mới để phục vụ cho các lễ hội sau tết. Chẳng thế mà bất kể ngày đêm cứ đến gần làng Hoàng Hà là đã nghe lách cách âm thanh đục đẽo, tiếng vào đanh tre khớp tang, tiếng bập bùng thử trống, tiếng máy cưa xẻ gỗ …Theo các cao niên thì bao đời nay làng Hoàng Hà rất hiếm truyền nghề cho con gái vì sợ “lộ” bí mật ra ngoài, ấy vậy mà ở làng vẫn có một người con gái theo nghề trống. Chúng tôi về làng trống Hoàng Hà được chứng kiến bà Hoàng Thị Bảy 61 tuổi, người phụ nữ duy nhất của làng làm được các loại trống thuần thục. Bà Bảy đang mải miết đóng đinh cho trống. Bà nhớ lại thủa xuân xanh: Hồi ấy tuổi mười tám đôi mươi xin cha được theo nghề làm trống thì cha nhất quyết không cho, vì nghề trống vất vả cực nhọc. Nhưng tình yêu nghề đã vượt qua được mọi khó khăn để bà Bảy đến được với nghề trống. Theo như bà Hoàng Thị Bảy thì để làm ra được trống tốt phải đạt các tiêu chuẩn hình thức đẹp, âm thanh đánh lên no, tròn… đó là “bí quyết” mà làng trống Hoàng Hà nổi tiếng khắp cả miền Trung.
Nghề trống cũng lắm công phu, trước tiên phải chú trọng khâu nguyên liệu, người làm trống phải chọn được cây mít tốt để ngả lấy gỗ rồi “xẻ răm”, “chuốt răm” thân cây có vân đều, được xẻ ra thành những khúc nhỏ làm tang trống có bề dày từ 1,5 đến 2 cm tuỳ vào đường kính trống. Theo một công thức nhất định, tang trống được ghép nối với nhau vừa khít thành hình trụ tròn, da trâu sau khi được xử lý kỹ, phơi khô được căng vào hai đầu làm mặt trống, da quấn theo dây đai căng lên 8 phía, tuỳ theo âm thanh, tời dây đai để chỉnh cho âm thanh trống tròn theo ý muốn. Đinh tre giữ mặt trống lấy phần giữa thân tre có độ cứng dẻo dai không bao giờ mối mọt. Đai, lấy cật tre giao lóng đúng độ tuổi.
Xưởng trống của bà Bảy chủ yếu có 4 người làm, bà Bảy là “tổng chỉ huy” vì bà làm được tất cả các khâu từ dùng búa tạo khung đến căng da trống, thậm chí dùng máy tạo tang trống, đánh bóng vẽ hoa văn trên mặt tang trống… Mỗi tháng xưởng của bà cũng xuất bán được hàng chục chiếc trống, khách đến nhận hàng thử âm thanh gõ vào mặt trống ai cũng ưng ý. Bà Bảy phấn khởi: Nhờ từ nghề trống mà gia đình tôi nuôi được 2 con ăn học đại học và làm được căn nhà 2 tầng trị giá 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó là xưởng trống của gia đình anh Nguyễn Đình Chiểu đang phải làm tăng hết tốc lực theo kịp đơn đặt hàng lễ hội sau tết. Anh Chiểu tay đục đẽo miệng kể: Ngoài các loại trống trung, trống tiểu thì có nơi còn đến đặt trống đại có bề mặt bán kính rộng 1,6 mét. Loại trống này làm rất to công, phải căng da trên mặt trống tạo âm sao cho khi cất lên tiếng trống rền vang như sấm. Nhờ từ uy tín, thương hiệu nên xưởng của Chiểu làm không hết việc, nhiều tỉnh xa xôi như Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị cũng tìm về đặt hàng. Xưởng của anh Chiểu còn tạo việc làm cho 4 lao động trẻ với mức lương ổn định trên 3triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm cơ sở sản xuất được từ 600 - 800 chiếc trống, sử dụng trên 30m3 gỗ mít và gần 1.000 tấm da trâu chế tác trống. Cơ sở của anh làm từ trống cóc, đến trống trung, trống đại, mặc dù nhiều đơn đặt hàng nhưng các tay thợ do anh chỉ đạo vẫn đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng. Trong năm 2013, Nguyễn Đình Cát em trai Nguyễn Đình Chiểu còn lập thêm xưởng làm trống mới, tạo việc làm cho 6 lao động, ngoài làm trống cơ sở này còn sản xuất tang trống bán cho các thị trường ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. “Cố vấn” kỹ thuật cho 2 xưởng trống trên là cụ Nguyễn Đức Đường 85 tuổi, bố của Chiểu và Cát. Cụ Đường chia sẻ: Các con tôi đều thuần thục nghề trống nhưng vẫn cần phải ruyền đạt những kinh nghiệm làm các loại trống “đại’, trống “sấm”, cách chỉnh âm thanh cho từng loại trống sao cho phù hợp, âm thanh trống lễ hội khác với âm thanh trống trường, trống chèo …
Làng Hoàng Hà bây giờ làm trống có nhiều công đoạn làm bằng máy đỡ vất vả hơn xưa, như sử dụng máy cưa, máy bào, máy đánh giấy nhám… Áp dụng “công nghiệp hóa” vào sản xuất vừa tiết kiệm thời gian và công sức của người thợ.
Hiện nay, làng Hoàng Hà có gần 200 hộ dân thì có trên 20 hộ làm nghề trống, tuy là nghề tay trái nhưng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, giúp người dân cải thiện thêm cuộc sống thậm chí vươn lên làm giàu. Nghề trống có thời chùng xuống, nhiều người bỏ nghề nhưng mấy năm nay khắp nơi tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục các tập tục văn hóa thì trống Hoàng Hà bán được rất nhiều, chủ yếu người đến đặt mua ở các huyện miền núi phục vụ lễ hội và đội tuồng, chèo, đình chùa, miếu mạo… Vì thế mà có nhiều người đã trở lại với nghề và mở các xưởng trống mới. Người làng Hoàng Hà bây giờ có thể làm được tất cả các loại trống như trống nhà thờ họ, trống đình làng, trống chùa, trống hội, trống múa lân, trống rượu, trống trường, trống giáo xứ …
Tuy nhiên, đó vẫn còn những trăn trở đối với nghề làm trống là nguyên vật liệu ngày càng khó mua và đắt đỏ. Cây mít người ta khai thác ồ ạt chứ không được trồng lại. Chưa kể là nhiều người còn phá bỏ cây mít chuyển sang trồng những cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Da trâu, bò cũng khan hiếm hơn khi mà các lò mổ hầu hết đem bán cho các cơ sở, xí nghiệp sản xuất giày, dép da. Một điều nữa là thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với nghề làm trống. Hoàng Hà chưa được công nhận làng nghề vì số hộ tham gia còn ít. Không giống như các nghề khác, rất nhiều người không phải họ Nguyễn muốn học nghề nhưng không được bởi chỉ có con cháu trong dòng họ mới được truyền dạy bí quyết gia truyền này. Nguy cơ thất truyền đang là nỗi lo của làng trống Hoàng Hà.
Rời làng Hoàng Hà trong rộn rã sắc xuân, chúng tôi bỗng nghề bổng trầm tiếng trống được tấu lên từ dàn trống hội, đội trống của làng đang tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội xuân. Âm thanh ấy vang vọng khắp đồng quê thật trầm hùng.
Bài, ảnh: Văn Trường