Rủi ro ai biết?

01/04/2013 21:35

Mặc đồng phục, ngồi trên xe hơi, có khách là có tiền, cứ ngỡ rằng nghề lái taxi là nhàn hạ, khi mà “mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu”, thế nhưng có nghe, có hiểu mới biết, hóa ra không sai khi nghề này được xếp là một trong những nghề chịu nhiều rủi ro nhất…

(Baonghean) - Mặc đồng phục, ngồi trên xe hơi, có khách là có tiền, cứ ngỡ rằng nghề lái taxi là nhàn hạ, khi mà “mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu”, thế nhưng có nghe, có hiểu mới biết, hóa ra không sai khi nghề này được xếp là một trong những nghề chịu nhiều rủi ro nhất…

Trăm ngàn chiêu... “chạc”

Gần 4 năm trong nghề lái taxi, chưa phải đã “cao niên” nhưng cũng thuộc dạng “lão luyện” trong nghề, trải qua nhiều lần bị “chạc” tiền từ khách hàng (xem như nộp học phí), ấy vậy mà anh Phạm Đức Hữu (lái xe hãng Taxi Mai Linh - Nghệ An) vẫn không tránh khỏi lần bị “chạc” tiền mới nhất gần đây. Khách hàng bữa ấy là một thanh niên to cao, đẹp trai, ăn mặc lịch sự; tin cậy hơn, khách hàng yêu cầu xe tới đón tại cổng một cơ quan công an. Vị khách yêu cầu được chở đi Bắc Giang. Đi được vài chục cây, anh Hữu thấy điện thoại của anh ta reo chuông liên tục. Qua cuộc trao đổi điện thoại của khách, Hữu đoán khách hàng của mình là một cán bộ công an, vừa tiến hành chuyến công tác xác minh một vụ án lớn.

Một lúc sau thì điện thoại của anh ta im bặt. Vị khách chép miệng “Thế là hết pin. Đi công tác dài ngày, lại gấp quá nên không mang theo xạc pin” và sau đó ngỏ ý với lái xe: “Chú cho anh mượn tạm điện thoại, để anh lắp sim, tiện liên lạc”. Gần đến Bắc Giang, vị khách yêu cầu được ghé qua “nhà người quen” để lấy giấy tờ và nói anh Hữu “chờ đúng 1 phút rồi chở anh tới trụ sở công an tỉnh”. Thế nhưng 1 phút, 5 phút và... 60 phút trôi qua, vị khách trên vẫn bặt vô âm tín. Anh Hữu chợt nhận ra mình đã gặp “quái kiệt” xù tiền taxi, lại còn mất luôn điện thoại nữa.

Ngậm ngùi quay về mà thấy quãng đường như dài vô tận. Hữu cũng tâm sự rằng, hoàn cảnh gia đình của mình rất khó khăn. Quê Thanh Long, Thanh Chương, bố mẹ làm nông nghiệp, hai chị gái thì lấy chồng xa, em gái út học hết lớp 12 thì vào Nam làm nghề da giày, bản thân Hữu cũng đã từng vào Biên Hòa làm công nhân da giày. Lương công nhân cao hơn lương lái xe taxi, nhưng Hữu thấy nhà neo người, thương bố mẹ vất vả nên anh chọn con đường về quê làm tài xế. 4 năm lái xe, Hữu làm bất kể giờ giấc, chắt chiu tằn tiện để giúp bố mẹ trả khoản nợ vay ngân hàng hồi sửa nhà, những lần bị khách “chạc”, Hữu đã uất ức tới trào nước mắt.



Đón khách tại ga Vinh.

“Cao tay” hơn cả vị khách giả dạng cán bộ công an, một vị khách “lịch sự” khác yêu cầu anh Nguyễn Trọng Phương (lái xe hãng Taxi Mai Linh) chở mình ra Hà Nội công tác. Đến Khách sạn Kim Liên, vị khách nọ lấy chứng minh thư, thuê 2 phòng tại Khách sạn Kim Liên và nằng nặc mời anh Phương vào ngả lưng chút cho đỡ mỏi. Sau chừng 10 phút, vị khách mượn anh Phương bằng lái xe để xuống rút chứng minh thư đi giao dịch tại ngân hàng. Chờ mãi, không thấy khách quay lại, anh Phương tá hỏa nhận ra mình đã bị “xù êm” tiền taxi, lại suýt nữa phải thanh toán tiền phòng khách sạn sau khi đã phải giải thích, chứng minh hàng tiếng đồng hồ với nhân viên khách sạn.

Anh Phan Tiến Dũng, lái xe của hãng Vạn Xuân mới đây được một “công tử” gọi chở đi Cửa Lò. Vừa lên xe, vị khách này đã hỏi chuyện rất thân tình lái xe, thậm chí còn quan tâm “Anh đi như thế này có hay bị “chạc” tiền taxi không?”. Nghe anh Dũng kể về những lần bị chạc, vị “công tử nhà giàu” nọ tỏ ý thương tình và xem “lũ “chạc” tiền ấy đều là rơm rác tất”. Sau khi “chơi chán” ở Cửa Lò và bắt anh Dũng đợi, vị khách nọ lại lên xe về Vinh, nói anh Dũng chở “qua nhà lấy tiền để đi chơi tiếp” và... chuồn luôn. Chờ mãi, anh Dũng rụt rè gõ cửa căn nhà mà anh chàng công tử chỉ là nhà mình thì anh Dũng chỉ nhận được cái lắc đầu ngơ ngác.

Trên đây cũng chỉ là vài ví dụ tiêu biểu cho sự cố bị “chạc” tiền mà cánh lái xe taxi gặp phải hàng ngày. “Cam đoan là lái xe taxi nào cũng gặp phải tình huống này, người nhiều thì bị tới hàng chục lần, người ít nhất cũng dăm ba vụ. Bài học thì cũng rút được nhiều sau mỗi lần bị chạc, nhưng làm sao mà lường hết được mọi tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi cũng được công ty tập huấn, phổ biến để đề phòng các trường hợp rủi ro nghề nghiệp, nhưng cũng chỉ phòng tránh được trong một vài tình huống. Khách hàng nào mà đã có ý định… chạc là họ thuộc dạng quá… cao tay, hoặc liều lĩnh, bất cần đời. Lúc ấy thì chúng tôi cũng chỉ biết… ngậm ngùi chấp nhận” - anh Dũng tâm sự.

Không chỉ tìm mọi cách chiếm niềm tin của tài xế để tìm cách… “xù” êm, nhiều khách hàng “thẳng thắn” hơn: “Không có tiền trả đâu, đây nghiện nặng rồi, biến đi cho rảnh”. Lại có trường hợp hy hữu như trường hợp của lái xe Đỗ Thanh Ngọc (hãng Vạn Xuân) gặp phải: chở người bị tâm thần đi khắp nơi theo yêu cầu, đến khi trả tiền, khách hàng nói gọi về cho gia đình mà đòi. Anh Ngọc gọi về cho gia đình mới vỡ lẽ: “Cháu nó bị tâm thần đấy. Tôi trông nó cả buổi, vừa chạy ra ngoài mua mấy thứ linh tinh, về nhà nó bỏ đi rồi. Thôi, chú thông cảm”.

Và nhiều rủi ro khác…

Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị “chạc”, bị “xù” tiền, nghề lái xe taxi còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khác: bị lừa đảo, bị cướp, bị đánh… thậm chí mất tính mạng. Thời gian qua, không hiếm các án mạng xảy ra mà nạn nhân là lái xe taxi. Có nhiều lái xe taxi đã phải lái xe trong tình trạng bị… kề dao vào cổ. Còn những trường hợp vừa bị “chạc” tiền, lại vừa mất của như anh Phạm Đức Hữu kể trên không phải là hiếm. Khi đã chiếm được niềm tin của tài xế trên một quãng đường dài, nhiều “khách hàng” giở chiêu mượn điện thoại, mượn tiền và sau đó bỏ trốn.

Trong 1 ngày, tên Trần Viết Đồng, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản của 2 tài xế hãng taxi Mai Linh và taxi Hồng Lĩnh với cùng thủ đoạn: mang hộp hàng đóng niêm phong lên xe, dặn lái xe đây là quà tặng trị giá 5 triệu đồng, xin nhẹ tay. Sau nửa tiếng khởi hành, tên này ngỏ ý mượn tiền, mượn điện thoại lái xe, rồi xuống chợ gọi người quen và… mất hút. Đến khi kiểm tra thùng hàng, lái xe mới vỡ lẽ đây là một đống vỏ chai… vỡ.

Lại có đối tượng lừa đảo cao tay là dùng tờ vé xổ số ghi tên con số trúng thưởng của ngày hôm trước và tâm sự với tài xế rằng “hôm qua cắm điện thoại mua vé số và may mắn trúng thưởng”. Trên đường đi lĩnh giải, tiện thể chuộc điện thoại trước nên mượn tạm anh tài xế vài trăm ngàn. Anh Chu Văn Thưởng, lái xe taxi Vạn Xuân đã đứng trước cửa hiệu cầm đồ nửa tiếng để chờ khách hàng trúng sổ xố mới nhận ra mình gặp phải tên lừa đảo.

Còn anh Hồ Văn Hoan (tài xế hãng Vạn Xuân) kể lại: “Qua bộ đàm, tôi được điều đến chở khách. Nào ngờ đó là một nhóm thanh niên mang đầy hung khí hẹn với nhóm khác “thanh toán nợ nần”. Đến nơi, bản thân tôi cũng bị vạ khi nhóm đối thủ cứ nghĩ tôi là người cùng nhóm nọ, nhưng chưa hết, sau đó công an bắt được cả hai nhóm người, xe thì bị giữ, bản thân cũng bị thẩm tra đến nơi đến chốn. Anh Nguyễn Đức Thuận (hãng Mai Linh) từng bị nhóm đối tượng dùng kim tiêm dính máu khống chế, trấn lột hết tiền, điện thoại, đồng hồ, nhẫn cưới, thậm chí cả đôi giày vợ anh mới tặng nhân 10 năm ngày cưới.

Anh Hồ Tiến Đạt (hãng Vạn Xuân) có lần gặp phải nhóm khách say rượu. Khi lên xe, anh nhắc nhở khách bỏ chân khỏi phía kính trước thì lập tức nhận được những cú đánh đập không nương tay. Lần đó, anh phải nhập viện do chấn thương phần mềm và dập mũi. Tài xế Nguyễn Tiến Đạt thì có lần nhờ nhanh trí mà thoát nạn khi nhìn qua kính chiếu hậu thấy hai vị khách đầu nhuộm xanh đỏ ngồi ghế sau đầy khả nghi đang dụ anh qua quãng đồng vắng. Anh Đạt đã kiên quyết dừng xe nơi còn người qua lại, chấp nhận không được trả một xu nào, nói khéo rằng nhà có người ốm nặng để quay về. Hai vị khách bực tức bỏ đi không quên ném lại câu dọa dẫm, chửi thề… Anh Đạt kể, một người đồng nghiệp của mình cũng may mắn không kém khi đã bị tên cướp ngồi sau siết cổ bằng dây, nhưng anh đã kịp vùng ra, đẩy cửa xe chạy miết và hô hoán…

“Hiệp hội…” ở đâu?

Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 5 hãng xe taxi, chưa kể những xe dù, tư nhân nhận chạy hợp đồng giống như taxi, đó là các hãng: Mai Linh, Vạn Xuân, Vinaxa, An Bình Tâm (Nam Đàn) và Taxi Thanh Chương với khoảng 900 đầu xe từ 4 đến 7 chỗ. Chiếm tỷ lệ lớn vẫn là 2 hãng Mai Linh và Vạn Xuân với khoảng 1.500 lái xe chuyên nghiệp, thu nhập mỗi lái xe bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Vậy là các hãng taxi, ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đóng góp ngân sách cho Nhà nước đã góp phần giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động. Quan niệm “người nhiều tiền mới đi taxi” khá phổ biến trước đây hiện giờ đã trở nên lỗi thời. Phương tiện này được tất cả mọi thành phần lựa chọn, đôi lúc còn được xem là kinh tế hơn hẳn phương tiện xe ôm (nếu đi nhiều người). Cước phí taxi ở Nghệ An được tính trung bình khoảng 10.000 đồng/km, được xem là phù hợp, tiện ích cho mọi đối tượng. Vì lẽ đó, khách hàng đi xe là rất đa dạng.

Với bất cứ hình thức kinh doanh nào, khách hàng cũng là “thượng đế”, chính vì lẽ đó, phục vụ tốt, nhanh, chu đáo, an toàn cho “thượng đế” được đặt ra là yêu cầu số 1 của các hãng xe. “Chúng tôi khó mà từ chối được khách hàng, cho dù đôi lúc có cảm giác mất an toàn. ”- anh Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ. “Nhiều người cho rằng nghề lái xe chúng tôi mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu, nhưng có biết đâu chúng tôi phải đối mặt với biết bao nhiêu rủi ro. Đơn giản như chỉ cần lơ đãng vi phạm Luật Giao thông thì mình bỏ tiền chịu phạt đã đành, còn những rủi ro với khách hàng thì cũng chẳng biết kêu ai”. Đối với các loại khách hàng thực hiện hành vi lừa đảo, cướp, trấn lột hay hành hung thì “đen ai người nấy chịu” đã đành, với các trường hợp hay gặp nhất là “xù” tiền cước thì các lái xe cũng phải chấp nhận mà khó nhận được sự sẻ chia, bảo vệ nào.

Chúng tôi được tham dự một buổi tập huấn cho lái xe của hãng taxi Vạn Xuân, thấy doanh nghiệp cũng đã đào tạo, trang bị cho lái xe khá kỹ về các kỹ năng, đặc biệt là bài học về an ninh trong kinh doanh với rất nhiều tình huống được đặt ra trong thực tế. Tuy vậy, theo như lời cán bộ tập huấn bữa đó là ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Giám đốc Công ty Vạn Xuân thì công việc vận tải này có đặc thù là thực hiện xong hành trình khách mới thanh toán theo đồng hồ tính cước. Vì thế, những rủi ro của lái xe khi bị khách “xù” tiền cước… thì lái xe cũng đành phải tự bỏ tiền mình ra bù lại cho công ty. Công ty chỉ có hỗ trợ một phần cho những trường hợp thực hiện đúng theo sự điều hành của công ty và có xác nhận của cơ quan công an. Trong khi việc chờ được xác nhận của cơ quan công an là tương đối khó khăn. Trên thực tế, nhiều lái xe khi biết chắc bị “xù” tiền cước đã cố gắng giữ khách để đưa đến công an xử lý nhưng cũng rất khó cho cơ quan này khi xử lý, vì đây là những tranh chấp dân sự, là thỏa thuận riêng bằng miệng, không thể áp dụng biện pháp giữ người để cưỡng chế.

Được biết, trước đây, quyền lợi gắn cùng trách nhiệm của các hãng xe và các tài xế, ngoài các quy định từ phía luật pháp cũng được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bảo vệ. Tuy nhiên, sự “bảo vệ” này cũng chưa thực sự hiệu quả, thiết thực. Từ năm 2011, Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An đã được thành lập gồm có 3 “lãnh đạo” lâm thời được bầu lên, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi từ các công ty taxi, thì từ khi đó đến nay, Hiệp hội vẫn chưa tổ chức đại hội. Với chức năng bảo vệ quyền lợi cho người làm vận tải, tham mưu cho ngành Giao thông về nhiều vấn đề, song qua 2 năm hoạt động, tổ chức này chưa triển khai được hoạt động nào đúng với tên gọi.


T.V-T.H

Mới nhất
x
Rủi ro ai biết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO