Rung chuyển cả khu vực!

(Baonghean) - Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe có những bước đi mạnh mẽ để củng cố sức mạnh và ảnh hưởng đối với khu vực và quốc tế. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản thông qua diễn đạt mới đối với Điều 9 Hiến pháp Hòa bình, trong đó, nội dung chủ yếu thu hút sự quan tâm là việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. 
Để tìm hiểu rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung nói trên, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Bộ Công an. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Trường quay Báo Nghệ An và đăng tải trên Báo Nghệ An điện tử, địa chỉ: www.baonghean.vn.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông có thể cho bạn đọc Báo Nghệ An biết rõ nội dung quyền phòng vệ tập thể mà nội các Nhật Bản đã thông qua?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tại cuộc họp chiều 1/7 vừa qua, nội các Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về việc đưa ra quan niệm mới về Điều 9 Hiến pháp Hòa bình thông qua sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Nội dung cốt lõi là cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Nói cách khác là họ gỡ tất cả những rào cản pháp lý ngăn cản quân đội Nhật Bản không được tác chiến ở nước ngoài. Quyết định này cũng nới lỏng việc hạn chế quân đội Nhật tham gia các hoạt động ngoài nước dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc. Đây là vấn đề hoàn toàn mới. 
Phỏng vấn với Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an.
Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an trả lời phỏng vấn tại trường quay Báo Nghệ An.
Điều 9 Hiến pháp Hoà bình trước đây có nội dung là: Nhân dân Nhật Bản cam kết vĩnh viễn phản đối chiến tranh, phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Để thực hiện điều này thì lục quân, hải quân và không quân của Nhật Bản và các phương tiện chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Hay nói cách khác là được duy trì ở mức tối thiểu nhất. Quyền tham chiến của Nhật Bản sẽ bị loại bỏ. Điều 9 đã được ra đời trong giai đoạn năm 1941 - 1945, khi Nhật Bản cùng với Đức, Ý tạo thành một trục phát xít gây ra đại chiến thế giới lần thứ 2, là một thảm họa cho loài người với 55 triệu người chết. Kết thúc cuộc chiến này, Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện và cộng đồng quốc tế thấy rằng dứt khoát phải trừ tận gốc mầm mống của chủ nghĩa quân phiệt, cả ở Đức, Ý và Nhật. Vì thế, Điều 9 Hiến pháp Hòa bình được cộng đồng quốc tế ủy nhiệm cho Mỹ dự thảo ra, trong đó tinh thần cốt lõi là cấm chỉ phát triển lực lượng vũ trang và tuyệt đối không đưa quân ra nước ngoài. 
Lần này, nội các Nhật Bản đã sửa Điều 9 Hiến pháp Hòa bình với những nội dung lớn như sau: Cho phép Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài. Nới lỏng, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động do Liên Hợp quốc tổ chức ở nước ngoài về hòa bình, cứu trợ... Tất nhiên, nội các Nhật Bản cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ để tránh tùy tiện và sự phê phán của cộng đồng quốc tế. Quyền phòng vệ của Nhật Bản chỉ thực hiện với 3 điều kiện: Điều kiện thứ nhất là khi có tấn công vào Nhật Bản hoặc các nước có quan hệ thân thiết, đồng minh của Nhật Bản, hoặc là quyền cơ bản nhất của người dân Nhật Bản là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc đang bị nước ngoài đe dọa, thì quân đội Nhật Bản được quyền phòng vệ. Điều kiện thứ hai là trước một nguy cơ hiển hiện đe dọa đến sự tồn vong của nước Nhật, đến đời sống của người dân Nhật, không còn cách nào khác thì họ có quyền phòng vệ tập thể. Điều kiện thứ ba là quyền phòng vệ tập thể bao giờ cũng được thực hiện ở mức thấp nhất trong điều kiện cần thiết nhất. Tôi cho rằng các điều kiện này phù hợp với điều kiện hiện thực của bối cảnh quốc tế hiện nay. 
Trong Điều 9 Hiến pháp Hòa bình lần này Nhật Bản cũng nói rõ với cộng đồng quốc tế là thực thi quyền phòng vệ cụ thể trong 5 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là bảo vệ tàu chiến của Mỹ - đồng minh của Nhật Bản theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật 1962 - khi tàu chiến của Mỹ đang bị một nước thứ ba tấn công trong vùng biển của Nhật Bản, chắc chắn quân đội Nhật Bản sẽ ra tay. Trường hợp thứ hai là buộc dừng các tàu chiến của nước ngoài, tàu buôn của nước ngoài mà nghi rằng tàu này đang chở vũ khí đến nước thứ ba mà nước này đang đe dọa đến an ninh của Nhật và Mỹ, đấy là quyền được kiểm tra khám xét. Trường hợp thứ ba là bắn hạ tên lửa của nước thứ ba đang bay qua bầu trời Nhật Bản hướng đến nước Mỹ, tàu chiến và căn cứ quân sự của Mỹ, thì Nhật Bản có quyền bắn hạ. Thứ tư là quân đội Nhật Bản được quyền tham gia bảo vệ hòa bình ở nước ngoài do Liên Hợp quốc lãnh đạo. Điều kiện thứ năm là Nhật Bản sẽ tham gia rà phá mìn ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới do Liên Hợp quốc chủ trì. Đó là các nội dung, điều kiện để thực hiện quyền phòng vệ tập thể.
Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết vì sao Nhật Bản lại quyết định thực hiện quyền phòng vệ tập thể vào lúc này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết, vấn đề Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể liên quan đến phạm trù hoạt động đối ngoại, quốc phòng an ninh. Chắc chắn việc thực hiện phòng vệ tập thể đụng chạm đến vấn đề đối ngoại, đụng đến hoạt động quốc phòng an ninh của Nhật Bản, đụng đến quan hệ quốc tế mà nhất là trong khu vực. Điều thứ hai, lý giải của chính quyền Shinzo Abe trong bối cảnh này là Điều 9 Hiến pháp Hòa bình được xây dựng năm 1946, cách đây đã 68 năm. Đến nay thì kinh tế của Nhật Bản và thế giới đã khác xa cách nay 68 năm, về quốc phòng an ninh, cục diện thế giới và phân bố quyền lực trên thế giới hiện nay cũng khác một cách căn bản so với thời ban hành Hiến pháp Hòa bình 1946. Lúc này xuất hiện những mối đe dọa mới đối với sự tồn vong của Nhật Bản, sự phát triển của Nhật Bản, như vấn đề an ninh mạng, an ninh hàng không, an ninh biển, kể cả an ninh phi truyền thống. Các mối đe dọa mới trực tiếp đe dọa đến an ninh và phát triển của Nhật Bản, đến an toàn của công dân Nhật Bản. 
Vì vậy, tôi cho rằng nội các Nhật Bản lý giải như vậy là đúng. Việc họ sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Hòa bình, xét dưới góc độ khoa học, là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Vấn đề còn lại là họ sử dụng quyền này như thế nào, đó mới là điều cần quan tâm. Theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp quốc thì quyền phòng vệ tập thể là quyền trao cho mọi thành viên của Liên Hợp quốc. Hiện nay 193 thành viên Liên Hợp quốc thì nước nào cũng có quyền phòng vệ tập thể. Xét dưới góc độ khoa học, chính trị, chính trị học, về khoa học an ninh, khoa học pháp lý, khoa học quốc phòng, thì bối cảnh này đặt ra những vấn đề khách quan mà nội các Nhật Bản đưa ra diễn giải mới về Điều 9 Hiến pháp Hòa bình với nội dung cốt lõi là cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể lúc này là đúng đắn, cần thiết.
Phóng viên: Thiếu tướng có thể nhận định, đánh giá về phản ứng của các nước trong khu vực sẽ như thế nào về việc Nhật Bản thông qua quyết định thực hiện quyền phòng vệ tập thể?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để đánh giá về điều này, cần phải định vị vị trí của Nhật Bản. Rõ ràng Nhật Bản là một cường quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Họ đã có 30 năm đứng thứ hai thế giới về kinh tế. Từ năm 2010 đến nay, họ đứng vị trí thứ ba, tuy nhiên đó là về tổng lượng GDP, còn về trình độ phát triển, trình độ công nghệ, công nghiệp thì Nhật Bản vẫn đứng thứ hai. Xét về chiều cạnh tăng trưởng và tổng lượng kinh tế thì Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, nhưng xét về chiều cạnh chất lượng và trình độ phát triển thì còn lâu Trung Quốc mới theo kịp Mỹ và Nhật Bản. Đến giờ phút này dù Trung Quốc có tổng lượng GDP thứ hai thế giới, nhưng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, khi nhắc đến ba trung tâm kinh tế thế giới, người ta vẫn nhắc đến Mỹ, Nhật và Châu Âu. Chưa ai nhắc Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Điều đó nói rằng Nhật Bản vẫn thực sự là một cường quốc kinh tế ở khu vực. 
Khi một cường quốc kinh tế có tiềm lực như vậy thay đổi điều chỉnh về chính sách đối ngoại, chính sách an ninh quốc phòng thì chắc chắn tác động đến cả khu vực. Tuy nhiên, tác động như thế nào thì đến giờ cũng chỉ quyết định này mới chỉ được nội các thông qua mười mấy ngày, việc này muốn hiện thực hóa phải thông qua quốc hội. Vào mùa thu đông này, quốc hội Nhật Bản mới thông qua, chuẩn y quyết định của Chính phủ, và việc triển khai có lẽ sẽ bắt đầu từ 2015. Vì vậy, phản ánh của cộng đồng quốc tế, của khu vực thì hiện nay cũng mới chỉ là bắt đầu. Quyền phòng vệ tập thể này chưa đi vào hiện thực, mới chỉ thông qua về nguyên tắc, thậm chí nguyên tắc cũng chưa xong, vì chưa qua quốc hội. Nhưng chắc chắn là có phản ứng. 
Tôi cho rằng phản ứng nhiều chiều cũng  là điều bình thường. Nổi lên là sự phản đối của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, là sự ủng hộ của Mỹ. Cách đây mấy ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đi thăm Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã rất hoan nghênh, giới quốc phòng và chính giới Mỹ cho rằng việc Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể sẽ đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, góp phần vào ổn định hòa bình thế giới nói chung. 
Ở mức độ khác nhau, nhiều nước cũng đồng tình với quyết định này. Nhưng chắc chắn Trung Quốc phản đối. Và có lẽ cả Hàn Quốc cũng phản đối. Ngay cả trong 10 nước ASEAN cũng có những phản ứng khác nhau chứ không cùng một cấp độ như nhau được. Chúng ta cũng có thể tiên lượng rằng mức độ phản ứng của Trung Quốc hiện nay vẫn đang rất khiêm tốn và dè dặt. Sau khi quốc hội Nhật Bản thông qua và từ năm 2015, quyền phòng vệ sẽ được hiện thực hóa thì khi ấy chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối quyết liệt, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động cụ thể. Xin nhấn mạnh lại là khi một cường quốc như Nhật Bản có những điều chỉnh, thay đổi về chính sách thì nó sẽ gây ra sự rung chuyển đối với cả khu vực, theo cả hai chiều. 
Phóng viên: Thiếu tướng có thể dự báo khi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản đi vào hiện thực thì sẽ có tác động như thế nào đối với tình hình an ninh khu vực?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để quyền phòng vệ tập thể đi vào hiện thực, Nhật Bản phải chuẩn bị rất nhiều. Việc đưa quân ra nước ngoài không hề đơn giản. Khi đưa quân ra nước ngoài thì sẽ có tác động rung chuyển mà cái rõ nhất là sẽ hình thành những quan hệ mới. Đó có thể là sự nảy sinh những quan hệ dưới đồng minh - trên bạn bè, như quan hệ Nhật Bản với Australia chẳng hạn. Tuần vừa rồi khi Thủ tướng Shinzo Abe đi Australia thì dư luận quốc tế cho rằng sự kiện này đã mở ra một chương quan hệ mới. Chắc chắn điều này sẽ tác động đến quan hệ Australia với Trung Quốc. Vấn đề này cũng tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể hỗ trợ cho Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Xa hơn nữa, sẽ có những kết nối giữa Nhật Bản, Australia với các nước Nam Thái Bình dương, thậm chí với cả Nam Á - Ấn Độ... Nên việc Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ tác động đến cấu trúc quyền lực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, trực tiếp là khu vực Đông Bắc Á nói riêng. Nó sẽ hình thành một tập hợp lực lượng mới theo hai chiều khác nhau. Điều này là tất yếu và sắp tới đây chúng ta sẽ được chứng kiến. 
Vừa rồi chúng ta cũng đã phần nào thấy rõ những tác động và thay đổi. Chưa bao giờ có sự chuyển động rung chuyển Đông Á như đầu tháng 7 vừa rồi. Ngày 1/7 Nhật Bản thông qua Quyết định quyền phòng vệ tập thể, thì các ngày 3 - 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi Hàn Quốc. Đây là việc làm “vi phạm” cái gọi là thông lệ truyền thống – lâu nay bao giờ Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc cũng đi thăm Triều Tiên trước Hàn Quốc, lần này ông Tập Cận Bình đi Hàn Quốc trước. Rõ ràng đây là hoạt động tập hợp lực lượng. Song song với sự kiện Tập Cận Bình đi Hàn Quốc để thắt chặt về kinh tế, chính trị, thì có vẻ như Nhật Bản lại nới lỏng quan hệ với Triều Tiên – đây cũng có thể coi là một sự thay đổi có tính lịch sử. Rõ ràng có sự đan chéo về lợi ích và có những tập hợp lực lượng dù là tình huống, chưa mang tính cơ bản gì cả. Nhưng đây chính là những tác động rung chuyển, cho chúng ta hình dung về một trật tự, một cấu trúc quyền lực mới ở Đông Á nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung đang bắt đầu nhen nhóm, trong đó sự tác động của quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản là rất lớn. 
Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương!
P.V (Thực hiện)

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.