"Rừng là báu vật"

11/03/2015 14:26

(Baonghean) - Ở bản Cửa Rào, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, có một khu rừng đinh hương tái sinh quý hiếm được người dân bảo vệ. Lợi ích từ công tác bảo vệ rừng đem đến cho người dân cuộc sống ổn định.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực rừng tái sinh, Trưởng bản Cửa Rào, ông Nguyễn Hữu Trung kể: Trước những năm 1979, khu vực này bạt ngàn rừng đinh hương nguyên sinh quý hiếm. Người già, người trẻ nơi đây đều gọi cây đinh hương là “cụ”, bởi thân cây cao lớn xù xì, có cả những cây to 2 người ôm không xuể. Các “cụ” đinh hương đều “thượng thọ” cỡ trên vài trăm tuổi. Rồi cánh rừng quý hiếm này bị người dân tứ xứ đổ về chặt lấy gỗ, chẳng mấy chốc quả đồi trơ trọi không một bóng cây. Đồi trọc, nên nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cũng thiếu hụt, khiến cuộc sống của đồng bào Kinh, Thái nơi đây càng khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở núi, đe dọa tính mạng người dân. Bởi vậy, dân bản đã thấu hiểu việc giữ rừng rất quan trọng đối với đời sống của họ. Nên khi những cánh rừng đinh hương bắt đầu hồi sinh, mọi người dân trong bản đã ý thức bảo nhau và cùng cam kết bảo vệ rừng. Người Kinh, người Thái ở bản Cửa Rào gìn giữ rừng như gìn giữ báu vật...

Người dân bản Cửa Rào trồng xen cây xoan đâu trong rừng  đinh hương.
Người dân bản Cửa Rào trồng xen cây xoan đâu trong rừng đinh hương.

Trong hương ước, quy ước của bản Cửa Rào nêu: Nghiêm cấm bà con không được vào rừng chặt gỗ làm nhà, tất cả dân bản đều có trách nhiệm phải bảo vệ cánh rừng tái sinh đinh hương. Quy ước bất thành văn ấy bao năm nay được chính người dân thực hiện và ngay cả những đứa trẻ chăn trâu của bản cũng luôn có ý thức bảo vệ rừng...

Rồi, cùng với sự “trợ sức” của Nhà nước trong hỗ trợ bà con bản Cửa Rào mỗi năm trên 30 triệu đồng để “khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh”, cánh rừng đinh hương ấy ngày càng xanh trở lại. Cánh rừng tái sinh đinh hương rộng trên 32 ha, tổ tự quản bảo vệ rừng có 11 thành viên, mỗi thành viên nhà ở gần đảm nhận một khoảng rừng, giao kế hoạch quản lý cho từng thành viên cụ thể. Trong đó hàng tuần định kỳ tuần tra bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Ngay cả người nhà của thành viên tổ tự quản cũng có ý thức bảo vệ, nếu đi làm nương, thấy có người vào rừng lấy củi... đều có trách nhiệm nhắc nhở và báo với tổ tự quản. Trong các thành viên bảo vệ rừng, điển hình có anh Nguyễn Văn Cường xung phong làm “nòng cốt” tuần tra “cơ động” giữ rừng cả ngày lẫn đêm.

Tìm gặp anh Cường khi anh đang “làm nhiệm vụ” trong cánh rừng đinh hương; anh cho biết: “Được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng đã 4 năm nay, bây giờ tôi đã thuộc lòng từng lối đi ở khu rừng, thuộc từng cây trong rừng, biết nó lớn nhanh đến đâu. Cánh rừng tái sinh đinh hương có từ 35 - 37 năm tuổi, nhiều cây đạt đường kính từ 80 - 100 cm nên không tránh khỏi sự nhòm ngó của lâm tặc. Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã phát hiện được 4 vụ lâm tặc mang cưa xăng vào rừng đinh hương để cưa trộm. Nhờ có nguồn tin báo của nhân dân kịp thời, chúng tôi đã báo với lực lượng kiểm lâm Tương Dương cùng phối hợp để đẩy đuổi. Khoản thù lao ít ỏi được hỗ trợ nhiều lúc không đủ tiền chi phí xăng xe nhưng chúng tôi luôn tâm niệm là phải làm sao bảo vệ rừng tái sinh đinh hương thật tốt để giữ gìn “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sống cho chính đồng bào mình và tương lai nó là vốn quý…”.

Theo chân các thành viên tổ tự quản bảo vệ rừng, chúng tôi “xuyên” qua cánh rừng tái sinh đinh hương. Càng vào sâu thấy cánh rừng đinh hương càng dày hơn, thân cây cao vút, cành lá sum suê, mùa này hoa phong lan nở tím treo trên thân cây đinh hương thật đẹp. Chim chóc, cây lá sinh sôi. Người dân bản Cửa Rào khẳng định, từ khi cánh rừng tái sinh đinh hương được bảo vệ tốt, môi trường sinh thái được đảm bảo, nguồn nước trong khe suối ổn định, bà con có nước để sản xuất ruộng nước. Đặc biệt, nhiều năm qua bà con không phải lo nạn sạt lở núi, nhiều khách tham quan du lịch đi trên QL 7A đều dừng chân để chụp ảnh ngắm rừng tái sinh.

Thăm cánh rừng tái sinh đinh hương, chúng tôi còn được biết, nhiều bà con vừa thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, vừa xóa nghèo, làm giàu dưới tán rừng tái sinh này. Chị Đinh Thị Hóa ở bản Cửa Rào II - xã Xá Lượng tâm sự: “Gia đình tôi có 5 ha đất lâm nghiệp nằm trong khu vực rừng tái sinh đinh hương. Chúng tôi đã tận dụng các khoảnh đất trống để làm trang trại tổng hợp, trồng xen dắm dưới cánh rừng tái sinh đinh hương các loại cây ngắn ngày; xây dựng khu chuồng trại nuôi được trên 100 con dê, trên 1.000 con gà, 3 con bò, mỗi năm thu dưới tán rừng đinh hương từ 200 - 250 triệu đồng. Cánh rừng này đã che chở cho dân bản chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vì thế các lớp cháu con không bao giờ chặt bán. Chúng tôi quyết gìn giữ và coi đây là báu vật của bản”.

... Thật mừng cho những cánh rừng quý hiếm được bảo tồn, mừng vì ý thức của người dân bản Cửa Rào đã xem rừng là báu vật…

Văn Trường

Mới nhất
x
"Rừng là báu vật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO