Rừng ngập mặn - “vườn sau” của các xã ven biển Diễn Châu

29/07/2013 09:20

Trồng rừng là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế  những tác động  xấu từ biến đổi khí hậu. Được sự hỗ trợ của dự án trồng rừng do Hội chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ, những cánh rừng ngập mặn tại các xã ven biển Diễn Châu đã được trồng và đang phát huy hiệu quả khá tốt trong việc chắn sóng, hạn chế nước biển dâng, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

(Baonghean) - Trồng rừng là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế những tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Được sự hỗ trợ của dự án trồng rừng do Hội chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ, những cánh rừng ngập mặn tại các xã ven biển Diễn Châu đã được trồng và đang phát huy hiệu quả khá tốt trong việc chắn sóng, hạn chế nước biển dâng, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Dự án “trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro” do Hiệp Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được triển khai tại tỉnh ta từ năm 1997. Năm 2012, dự án tiếp tục triển khai trồng trên 410 ha với tổng số vốn hỗ trợ của dự án trên 720 triệu đồng, trong đó Diễn Châu có gần 500 ha.

Đến các xã Diễn Kim, Diễn Vạn (Diễn Châu), thấy những cánh rừng ngập mặn xanh trù phú. Phù sa nhiều nên rừng sú vẹt càng phát triển nhanh. Theo lời kể của ông Thạch Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích thì, năm 1982 trận mưa bão lịch sử làm nước biển dâng cao gây ngập úng triền miên. Tiếp đó là trận bão cấp 11, 12 xẩy ra trong các năm 1987, 1989 làm cho đời sống người dân chìm trong cảnh ngập lụt. Nước biển dâng cao, sóng va đập mạnh làm tuyến đê sụt lún, xói lở nghiêm trọng. Hoa màu, cây cối và đất phi nông nghiệp bị ngập mặn. Phải mất 3 năm sau trận bão lũ, sản xuất mới được củng cố. 2 xã Diễn Kim, Diễn Vạn có đến 8 xóm với trên 1.300 hộ sinh sống sát đê. Cứ mùa mưa lớn, thủy triều dâng cao, nước sông tràn vào làng, hủy hoại hoa màu của người dân.

Nhưng giờ đã khác hẳn. Dự án trồng rừng ngập mặn của Nhật Bản tài trợ đã được triển khai trồng từ 1997 ở Diễn Châu đã phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Phùng Vinh - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Trước thực trạng vùng ven biển Diễn Châu thường xuyên chịu ảnh hưởng từ bão lũ, biển xâm lấn đất liền, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai trồng rừng ngập mặn và có cơ chế hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ha bao gồm, chi phí quả giống, công bảo vệ, chăm sóc. Diện tích gần 500 ha, gồm: Diễn Bích 80 ha, Diễn Vạn 60 ha, Diễn Kim 120 ha, một số ít diện tích ở Diễn Ngọc, Diễn Thịnh…



Rừng ngập mặn ở xã Diễn Kim (Diễn Châu). Ảnh: Trần Cảnh Yên

Năm 2011, tuyến đê biển Diễn Châu được xây đắp kiên cố, vững chãi. Cuộc sống của người dân đã ổn định nhờ được che chắn, bảo vệ từ rừng và đê. Gia đình chị Hồ Thị Huệ, xóm Tiền Tiến 1- Diễn Kim nằm sát tuyến đê biển Lạch Vạn chỉ mấy trăm mét, phấn khởi cho biết: “5 năm nay, nhờ có rừng ngập mặn, nước biển không dâng tràn vào làng như trước đây. Bây giờ, gia đình tôi yên tâm triển khai trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm canh tác 3 vụ ngô, chăn nuôi gà, lợn, vịt trong vườn nhà”.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu khoa học, chu trình chuyển hóa dinh dưỡng nguồn vật rụng trong rừng ngập mặn là chu trình khép kín. Nhóm cua, còng sử dụng thức ăn trực tiếp từ nguồn vật rụng. Các đối tượng nấm, vi sinh vật dưới chân rừng phân hủy vật rụng tạo ra nguồn thức ăn để cá, tôm có thể tiêu thụ trực tiếp, đồng thời cũng tạo thức ăn cho các loài giáp xác nhỏ làm thức ăn cho các loại cá trên sông. Cuối cùng, trên 80% lượng vật rụng quay trở lại cung cấp dinh dưỡng cho hệ thống rễ và cây rừng ngập mặn phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Diễn Kim, trao đổi: Rừng ngập mặn phát triển nhanh và tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Bộ rễ cây chằng chịt, ăn chắc vào lòng đất, nên cây phát triển nhanh. Kể từ khi có rừng, người dân ven đê đỡ trồng tre, trồng mét như trước. Rừng còn là nơi cư trú, che chắn cho các loài chim muông. Hàng năm, cứ đến độ tháng 8, tháng 9 đến hết cả mùa Đông thì cũng là thời điểm các loài chim di cư tìm đến, nhất là các loài cò về ẩn trú thường xuyên, tạo nên cảnh quan rừng đa dạng sinh học. Rừng ngập mặn còn chứa đựng nguồn lợi thủy, hải sản như cua thịt, cua giống, tôm, cá... trên sông rất có giá. Đây cũng là nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Chị Ngô Thị Đượm - xóm Tiền Tiến 1, Diễn Kim, kể: Bà con vùng này ai cũng có thuyền, có lưới đi bắt cua, tôm tép. Mỗi năm có khoảng 3 tháng liên tục là người dân vùng này đi soi bắt cua giống. Cua giống được xem là nguồn thu nhập của bà con ven các chân rừng ngập mặn. Mỗi đêm bắt được hàng trăm con cua giống với giá bán mỗi con là 300 đồng, thời điểm ít hàng giá 1 ngàn đồng/con, việc tranh thủ thời gian để đánh bắt cua giống cho thu nhập từ 300- 400 ngàn đồng /đêm là chuyện thường. Bà con nông dân Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn có thể thu về hàng trăm triệu đồng/năm từ nghề khai thác và bán cua giống.

Ngoài tiềm năng cua giống, bà con nông dân sống quanh rừng ngập mặn còn khai thác tôm đất và các loại cá trên sông. Sau mỗi đợt nước sông dâng lên, nguồn thức ăn, tại chân rừng ngập mặn càng phong phú, đây chính là cơ hội để các đối tượng tôm, cá, sinh sôi, phát triển. Tại 2 xóm Hải Bắc và Quyết Thắng - xã Diễn Bích hiện có 6-7 hộ chuyên nghề làm đăng, chài lưới để khai thác tôm, cua, cá trên sông Lạch. Anh Lê Văn Nam - xóm Hải Bắc, cho biết: Kể từ khi có rừng ngập mặn, các loại cá và tôm đất thịt trên sông nhiều lắm. Gia đình chúng tôi khai thác và bán giá tôm đất từ 60- 70 ngàn/kg, mỗi ngày tích cực đi đánh khoảng 3-4 kg là có trên 200 ngàn đồng. Cá trong rừng ngập mặn chắc, ngon, được thị trường ưa chuộng.

Rừng ngập mặn ở Diễn Châu thực sự tạo ra lợi ích nhiều đường, cần được nhân rộng ở nhiều địa phương ven biển khác.


Lương Mai

Mới nhất
x
Rừng ngập mặn - “vườn sau” của các xã ven biển Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO