Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới

21/03/2016 14:19

Theo Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế, không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn để phòng bệnh ung thư mà làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng - họng, đại trực tràng...

Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe năm 2014 chỉ ra có 3,3 triệu người tử vong liên quan tới rượu bia. Trong đó, nguyên nhân tử vong do ung thư đứng hàng thứ 4, chiếm 12,5% sau bệnh tim mạch, tiểu đường, tai nạn thương tích và bệnh tiêu hóa.

Bác sĩ Trần Quốc Bảo, phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tác hại của việc sử dụng rượu bia phụ thuộc vào cách thức uống và mức độ uống. Nó gây độc cho tế bào, tác động sinh - chuyển hóa lên tế bào, từ đó dẫn đến các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như ung thư, tăng huyết áp. Rượu bia và ethanol được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) xếp vào nhóm chất gây ung thư gồm: ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn để phòng bệnh ung thư.

Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Biểu đồ về tiêu thụ chất có cồn bình quần đầu người uống (trên 15 tuổi): Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Biểu đồ về tiêu thụ chất có cồn bình quần đầu người uống (trên 15 tuổi): Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Tổng hợp các nghiên cứu gần đây về đồ uống có cồn và nguy cơ ung thư của Ủy ban về các chất gây ung thư Anh (CoC) cũng đã củng cố cho kết luận về mối liên quan quan trọng giữa rượu bia và ung thư. Theo đó, việc uống rượu bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ của một số bệnh ung thư so với những người không uống. Các nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu bia giảm dần theo thời gian từ khi ngừng uống rượu bia, nhưng có thể phải mất nhiều năm trước khi nguy cơ giảm xuống ở mức như những người bình thường chưa bao giờ uống rượu bia.

Những bằng chứng trên đã dẫn tới việc Cơ quan y tế của Anh thay đổi hướng dẫn về sử dụng đồ uống có cồn đối với nam giới. Cụ thể, nam giới không nên uống nhiều hơn 14 đơn vị mỗi tuần, mức độ tương tự cũng được khuyến cáo đối với phụ nữ. Mức độ này tương đương với 6 lon bia có độ mạnh trung bình một tuần, khi đó sẽ giữ cho nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác ở mức thấp. Các hướng dẫn trước đây là 21 đơn vị đối với nam và 14 đơn vị cho nữ mỗi tuần (một đơn vị đồ uống của Anh tương đương với khoảng 8 g cồn nguyên chất).

Theo phó giáo sư Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên trưởng bộ môn Hóa-Sinh, Đại Học Y Hà Nội; một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với các bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Thậm chí, người chỉ uống không quá một ly mỗi ngày cũng có nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.

Đối với ung thư vú, người thường xuyên uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ. Một phụ nữ uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 5%; cứ uống thêm 10g/ ngày thì nguy cơ ung thư vú tăng thêm khoảng 7-12%. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chỉ uống một lượng nhỏ rượu (2 đơn vị một ngày, tương đương khoảng nửa lít bia hoặc một cốc lớn rượu vang) cũng có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9 % so với người không uống rượu.

Vì thế, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh liên quan khác, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) khuyên mọi người tốt nhất không nên uống rượu bia hoặc nếu có uống thì nên giới hạn mức độ như sau:

- Nam/nữ giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và chấn thương.

- Không nên uống quá 4 đơn vị cồn trong một lần uống bất kỳ để giảm nguy cơ bị tai nạn thương tích do rượu bia.

- Người dưới 18 tuổi không nên uống rượu bia.

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú tốt nhất không nên uống rượu bia, nếu uống có thể gây hại cho bào thai và cho trẻ bú mẹ.

- Để giảm lượng cồn dung nạp vào cơ thể thì phải có vài ngày không uống rượu bia trong một tuần.

Một đơn vị cồn của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Theo vnexpress

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO