Rút ngắn thời gian tính giá cơ sở xăng dầu
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, bắt đầu từ chiều 10/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội khóa XIII tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi và giám sát.
Quản lý giá là một trong những nội dung “nóng” được Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều nay (10/6).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội |
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn: Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công Thương đã nhiều lần nói cách tính giá xăng dầu thiếu minh bạch, cạnh tranh trong quản lý, điều hành giá xăng dầu và cho rằng Nghị định 84 của Chính phủ về quản lý giá xăng dầu có thiếu sót khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Đại biểu muốn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói về việc sửa đổi Nghị định 84 để khắc phục những hạn chế trong quản lý giá xăng dầu.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, Nghị định 84 cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành việc kinh doanh xăng dầu. Trong 1 năm trở lại đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường và nhân dân đã quen với việc thường xuyên điều chỉnh giá xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc cần rút kinh nghiệm là tránh điều hành “giật cục” khi điều chỉnh tăng giá xăng, dầu như trước đây, vì điều đó gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy hiệu quả lớn mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng, giúp giảm áp lực lạm phát trong nước, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Quan trọng là điều hành giá xăng dầu phải công khai minh bạch”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông cho biết thêm, từ năm 2013, ngoài việc báo cáo định kỳ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hằng tháng và hằng quý Bộ Tài chính đều công khai số dư đầu kỳ, cuối kỳ của Quỹ. Năm nay Bộ Tài chính đã công khai cả cách tính giá cơ sở giá xăng dầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đẩy mạnh việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường và sửa đổi Nghị định 84 là cần thiết. Hiện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng và các bộ, ngành cho ý kiến, Nghị định sẽ được ban hành trong thời gian ngắn.
Nội dung quan trọng của việc sửa đổi Nghị định 84, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở để sát hơn với giá thị trường. Hiện nay, ta đang lấy mốc 30 ngày để điều chỉnh giá cơ sở 1 lần thì nay sẽ giảm xuống còn 10 ngày, thậm chí càng rút ngắn hơn thì càng cập nhật với giá xăng dầu thế giới. Nếu mạnh dạn hơn, chúng ta có thể cho doanh nghiệp tự định giá còn Nhà nước chỉ tập trung kiểm tra, giám sát.
Về câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga đề cập vừa qua có ý kiến chuyển chức năng quản lý giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đó là chuyện bình thường, vì Luật Giá quy định như vậy. Bộ Tài chính quản lý Nhà nước về giá, còn Bộ Công Thương quản lý ngành thì điều hành về giá sản phẩm của ngành.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính với vai trò quản lý Nhà nước vẫn kiểm tra, hướng dẫn song hành với Bộ Công Thương còn việc công bố giá xăng dầu sẽ thuộc về Bộ Công Thương.
Ngoài việc xác định giá cơ sở, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, cần phải bàn đến hiệu quả kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Vừa qua, trong điều hành, Bộ Tài chính đưa ra giá tối đa cho từng đợt xác định giá cơ bản thì thấy có cạnh tranh trong doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân được hưởng lợi.
Từ đó, Bộ trưởng Tài chính cho rằng điều hành giá xăng dầu phải xác định theo giá thị trường và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp cạnh tranh nên phải có quy định mềm dẻo, sát giá thị trường càng tốt.
Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng tình với tinh thần sửa đổi Nghị định 84 mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trình bày. Tuy nhiên, về thẩm quyền quản lý giá xăng dầu, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng không nên chuyển quyền này về Bộ Công Thương, vì thực tế, quyền quyết định giá xăng dầu là của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Tổ liên ngành quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng Bộ Công Thương không đồng thuận thì Bộ Tài chính vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị giữ nguyên quyền hạn quản lý giá xăng dầu như hiện nay.
Đại biểu Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với phần trả lời của các Bộ trưởng về vấn đề quản lý giá xăng dầu.
Theo chinhphu.vn