Sắc màu không gian

(Baonghean) - Không “nổi loạn” như nghệ thuật vẽ tranh đường phố, cũng không đơn giản như vẽ tranh trên giấy, nghệ thuật trang trí tranh tường là sự tổng hòa của nhiều yếu tố cấu thành. Không rõ, ở Việt Nam, nghệ thuật trang trí tranh tường bắt đầu xuất hiện từ lúc nào, có điều hiện nay chúng ta không khó để bắt gặp những bức tranh tường với đầy đủ các hình khối, sắc màu trong quán cà phê, trong những ngôi biệt thự, trường học, đền, chùa...

Anh Hoàng Văn Hùng, người có thâm niên trong ngành Hội họa nói chung và nghệ thuật trang trí tranh tường nói riêng cho biết: “Cùng với sự xuất hiện của các công trình xây dựng, nhu cầu trang trí tranh tường càng ngày càng lớn. Khoảng 4 năm về trước, trang trí tranh tường chủ yếu vẽ bằng bút lông, nay chủ yếu là những bức phù điêu được đắp nổi bằng đá, thạch cao... Sự lựa chọn đề tài, màu sắc thường phụ thuộc vào không gian cụ thể, gu thẩm mỹ của tác giả; phổ biến hơn cả là phong cảnh thiên nhiên”. Anh Nguyễn Văn Phong, chủ nhân ngôi biệt thự hàng trăm mét vuông ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh) chia sẻ: “Mỗi khi mệt mỏi, tôi thường vừa ngắm những bức tranh tường, vừa ngẫm nghĩ sự đời.
Những mảng màu êm dịu, những hình vẽ ngọt ngào, sinh động giúp tôi thư thái hơn nhiều”. Xuất thân từ một vùng quê ở miền Tây đất Nghệ, tuổi thơ của anh gắn liền với những đồi chè bạt ngàn, xanh ngắt. Xa quê đã bao năm, bận rộn mưu sinh, anh không có nhiều thời gian về nhà. Có chăng là những chuyến công tác rồi ghé qua nhà vội vàng. Anh vẫn luôn khao khát được dạo chơi giữa những luống chè, chuyện trò cùng những công nhân hái chè. Anh trang trí phòng khách cho ngôi nhà của mình một đồi chè, xa xa là chân núi trải dài đến vô tận. Dường như đối với những vị khách lần đầu đến thăm nhà, ai cũng bắt đầu cuộc trò chuyện về quê hương, bản quán của anh. Những bức tranh tường không chỉ mang lại phút giây nghỉ ngơi, thư giãn cho chủ nhà , nó còn tạo cảm rộng rãi cho những không gian nhỏ hẹp. 
Những bức phù điêu tạo phong cách riêng cho ngôi nhà.
Những bức phù điêu tạo phong cách riêng cho ngôi nhà.
Nhiều gia đình lựa chọn nghệ thuật trang trí tranh tường để biến những bức tường trống trơn, đơn điệu thành những tác phẩm nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Trong tổng thể công trình kiến trúc nhà ở, thì phòng khách là không gian được nhiều người trang trí tranh tường nhất. Đây là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình và cũng là nơi đón tiếp bạn bè khách hàng, đối tác... Có thể nói phòng khách là bộ mặt của ngôi nhà, của chủ nhà. Qua cách trang trí tranh tường cũng thể hiện được phong cách và cá tính của chủ. Tuy nhiên, để tạo được một không gian tiếp khách đẹp, sang trọng, cần có sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng, nội thất và bức tranh.
Nghệ thuật trang trí tranh tường không chỉ mang đến những không gian riêng, phong cách riêng cho quán cà phê mà còn tạo cho người xem cảm giác mới mẻ, phá vỡ được không gian chật hẹp. Tranh tường trong quán cà phê có khi là những hồ sen thoáng rộng với những bông sen thanh tao, cũng có lúc là những bông hoa mang đậm phong vị hương đồng gió nội, có khi là chân dung thiếu nữ duyên dáng, gợi cảm… Trong tiếng nhạc du dương, sắc màu êm dịu của những bức tranh tường có thể làm tan hết mọi nỗi muộn phiền, mệt mỏi… Trong trường mầm non, trang trí tranh tường từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác giảng dạy. Những hình ảnh ngộ nghĩnh của các con vật nhỏ xinh, cỏ cây, hoa lá… được thể hiện cách điệu, sống động. Mỗi bức tranh tường mang một ý tưởng, một gợi mở tạo cho bé sự lôi cuốn thích thú. Những đường nét, hình khối với đầy đủ sắc màu tạo ra không gian học tập thú vị và ý nghĩa, giúp các em nhỏ hình thành được thói quen tìm hiểu và khám phá thế giới quanh mình.
Tuy nhiên, để biến những bức tường trống trơn, đơn điệu trở thành những bức tranh là cả một quá trình lao động nghệ thuật. Không ít lần, tôi ngỡ ngàng trước những đường nét tưởng chừng như nguệch ngoạc của anh Hoàng Văn Hùng bỗng chốc trở thành tác phẩm nghệ thuật. Anh có biệt danh là “Hùng tóc dài”, bởi mái tóc ngang vai thoáng trông có chút kiêu bạc, lãng tử. Nhưng trong mỗi bức tranh lại luôn có sự hài hòa, mềm mại và gần gũi. Căn nhà nhỏ của anh luôn luôn được làm mới bởi mỗi lúc “nổi hứng”, anh lại thay đổi “thực đơn” cho mắt bằng những bức vẽ khác nhau. Những hộp sơn xanh, đỏ, tím, vàng, những cây chổi đủ kích cỡ là người bạn thân thiết để anh thỏa sức sáng tạo, gửi gắm vào đó những nỗi niềm riêng, những khao khát thầm kín từ tận đáy lòng. Anh chia sẻ: “Trang trí tranh tường hay vẽ bất cứ một bức tranh đơn giản nào cũng cần phải có tâm huyết. Mình phải dồn tâm huyết thì bức tranh mới có hồn, mới làm nổi bật được thần sắc của sự vật”. Hiện nay, nghệ thuật trang trí tranh tường thường sử dụng các bức phù điêu được đắp nổi bằng vôi vữa, đá, thạch cao… Người thợ không chỉ biết cầm cọ mà cần phải biết cầm bai.
Để trang trí trần nhà thường phải bắc dàn giáo, nằm ngửa cả buổi để đắp, vôi vữa rơi phủ đầy mặt. Có bức tranh chỉ vẽ trong vài tiếng đồng hồ, có bức phải mất mấy ngày liền mới hoàn thành. Những mạch cảm xúc rời rạc được ghép nối với nhau bằng niềm đam mê và tài năng thiên phú của người nghệ sỹ đôi lúc lại trở thành tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu. Không phải ai cũng hiểu và cảm nhận được giá trị của cái đẹp, nhưng với những người làm nghề như anh Hùng, dù một chi tiết nhỏ cũng được anh trau chuốt cẩn thận. Đôi bàn tay sần sùi vì vôi vữa, sơn ve vẫn miệt mài những đường nét thú vị để tái hiện cuộc sống dưới mọi góc nhìn. Nhiều người tìm đến anh, có người nhờ anh vẽ, có người nhờ anh tư vấn cách trang trí tranh tường hợp phong thủy. Từ khi phong trào vẽ tranh tường phát triển rầm rộ ở Nghệ An, gần như lúc nào anh cũng bận rộn, chẳng mấy khi anh có mặt ở nhà. Nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán, nhu cầu trang trí tường nhà để chào đón năm mới tăng. Nhưng dù vội vàng đến mấy thì người nghệ sĩ ấy vẫn dành trọn tâm huyết vào tác phẩm của mình… 
Giữa những bon chen, bộn bề của cuộc sống, con người ngày càng cần những không gian để thư giãn. Khá thú vị khi không phải đi đâu xa xôi, mà vẫn có được cảm giác thoải mái ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nghệ thuật trang trí tranh tường chính là sợi dây kết nối những sắc màu không gian kỳ diệu.
Bài, ảnh: Nguyễn Lê

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.