Sắc mới dưới chân núi Phá Tây
(Baonghean) - Một ngày cuối năm về với Châu Thuận, Quỳ Châu... Mường đất cổ Chiềng Ngam uốn lượn dưới chân núi Phá Tây, bản Bông 1 hiện ra trước mắt với những nếp nhà sàn san sát, thấp thoáng là những bãi mía, nương ngô xanh ngút ngát… Cuộc sống của bà con ở bản nhỏ miền rừng này ngày một trù phú, khởi sắc...
Dẫn chúng tôi đi thăm những bãi mía đang vào vụ thu hoạch, Trưởng bản Hà Văn Hùng phấn khởi cho biết: Ngày trước, 109 hộ dân bản Bông 1 chủ yếu làm ngô, lúa rẫy, vùng đất giáp chân núi Phá Tây này phần lớn bỏ hoang. Cách đây 4 năm, UBND xã có chủ trương thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân được tham gia vào các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trồng mía và trồng rừng.
Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất, đạt hiệu quả không ngờ, như gia đình anh Lương Văn Bình, cách đây 4 năm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển 1 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây mía nguyên liệu. “Cây mía “hợp” với đất bản nên phát triển tốt, vừa không tốn nhiều công chăm sóc lại được giá nên mỗi năm gia đình anh thu hoạch chừng 5 tấn mía, thu nhập khoảng 50 triệu đồng (cao gấp đôi, ba so với trồng lúa, ngô trước đây); đời sống gia đình khấm khá hơn, có điều kiện để nuôi các con ăn học”. Cây mía mang lại hiệu quả kinh tế tốt như thế, nên dân bản ngày càng tin và làm theo; nhiều hộ khai hoang tăng diện tích sản xuất. Đến nay, cánh đồng mía của dân bản Bông 1 trải dài dọc chân núi rộng chừng 30 ha.
Mô hình kinh tế của anh Lương Văn Bình, bản Bông 1, xã Châu Thuận (Quỳ Châu). |
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhiều hộ dân bản Bông 1 còn nhận trồng, phát triển rừng. Đến nay diện tích keo đã có trên 20 ha… Trưởng bản Hà Văn Hùng khoe: Đời sống của người dân nay đã khá giả hơn nhiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/năm, bản có hơn chục hộ kinh tế khá giả, thu nhập 1 - 2 triệu đồng/khẩu/tháng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 30%. Nhà cửa được xây dựng khang trang hơn, không còn nhà tạm bợ, dột nát…
Đến thăm bản Bông 1, ấn tượng đặc biệt của chúng tôi là những mái nhà sàn san sát trên sườn đồi, dốc núi, nối tiếp nhau chạy dọc từ đầu đến cuối bản; những bà mẹ ngồi ở bậc thang nhà sàn dệt váy, áo thổ cẩm. Dưới những mái nhà truyền thống ấy, những phong tục đẹp như: tục cúng ông bà tổ tiên, ma chay, cưới hỏi vẫn được bảo tồn và phát huy, dần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; xây dựng hương ước, thực hiện nếp sống mới trong bản như: việc cưới, việc tang tổ chức gọn nhẹ, cấm thả rông gia súc, không gây rối mất trật tự trong thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhân dân trong thôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau khi gia đình có việc hiếu - hỷ, gặp khó khăn hoạn nạn, giúp ngày công lao động khi đến mùa vụ… Tỷ lệ hộ gia đình đăng ký thực hiện và đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng qua các năm, đến nay cả bản đã có trên 80% hộ đạt Gia đình văn hoá.
Người dân bản Bông 1 còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng làng, bản. Cả bản có 10 hộ tự nguyện hiến đất làm đường, người góp của người góp công để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần đổi thay diện mạo thôn bản. Dân bản cũng đã chăm lo hơn đến việc học tập của con cái; con em các gia đình đều được đến lớp theo đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học, không có trẻ em mù chữ. Đặc biệt, từ 2012 đến nay đã có 10 học sinh con em dân bản đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, lồng ghép trong mọi hoạt động mà người dân bản Bông 1 ngày càng ý thức hơn về công tác chăm sóc sức khoẻ. Những câu lạc bộ “Mẹ chồng nàng dâu” “Không sinh con thứ ba”… được duy trì hiệu quả. Đến nay, hầu hết người dân đã tự nguyện đến Trạm y tế xã để thăm khám khi đau ốm. Công tác KHHGĐ cũng được thực hiện tốt, người dân đều ý thức rằng sinh ít con để nuôi dạy con tốt nên 5 năm liền bản không có trường hợp sinh con thứ 3…
Ông Cầm Bá Kình - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thuận cho biết: Trước đây Bản Bông 1 là bản nghèo nhất xã. Sau khi được chương trình Dự án của Nhà nước, hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, người dân đã dần chuyển đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế, tập trung vào phát triển cây mía và trồng rừng. Nhờ đó trong những năm gần đây, bản Bông 1 trở thành điểm sáng của Châu Thuận, đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay bản Bông 1 là bản đầu tiên trong xã đã thoát khỏi danh sách bản khó khăn theo diện 135; là điển hình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Bản nhỏ miền sơn cước những ngày cuối năm này đã nhen lên sắc đào rừng e ấp dưới chân núi; chị em phụ nữ Thái xúng xính váy áo, điểm xuyết giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, bãi mía… Ấy là một ấn tượng tốt đẹp đối với khách xa.
Đinh Nguyệt