Sắc thắm làng hoa
(Baonghean) - Sự chăm chỉ, sáng tạo và năng động, người dân Nghi Liên (TP. Vinh) đã biến những mảnh vườn tạp, cánh đồng khô hạn thành những khu vườn, cánh đồng hoa, cây cảnh có giá trị cao. Từ nghề này, đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu, khẳng định được hướng phát triển kinh tế phù hợp, năng động của Nghi Liên.
Vườn hoa, cây cảnh của anh Lê Văn Đức ở xóm 4 - xã Nghi Liên (TP. Vinh). |
Ông Nguyễn Ngọc Trành - Bí thi Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Làng nghề hoa, cây cảnh - xóm 4 cho hay: “Từ năm 2012 đến nay, làng hoa, cây cảnh của Nghi Liên được UBND TP Vinh hỗ trợ nguồn vốn xây dựng 3 mô hình nhà lưới, đây là động lực để người dân mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ KH - KT vào trồng hoa”.
Một trong mô hình nổi tiếng ở làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Nghi Liên là gia đình anh Lê Văn Đức. Khu vườn có diện tích 2.500 m2 được thiết kế thành từng ô với hàng trăm loại hoa, từ giống nội địa đến các giống ngoại nhập… Riêng cây bóng mát, đầu năm 2014 anh đã nhập 100 cây bông trang và 100 cây hoa ban tím từ Sa Đéc về để chiết ghép bán cây giống cho bà con quanh vùng và phục vụ cho các cơ quan công sở trên địa bàn cả tỉnh.
Ở làng hoa cây cảnh, ông Nguyễn Hữu Ngoạn (ở xóm 4) rất nổi tiếng với nghề này. Hiện vườn cây cảnh của gia đình ông có diện tích khoảng 2.000 m2 và trồng rất nhiều loại cây có giá trị cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Cùng với việc chú trọng đầu tư cây cảnh, ông Ngoạn còn trồng thêm 10 ngàn cây hoa hồng, hoa cúc các loại; từ năm 2011 ông còn du nhập giống ly hồng, ly trắng từ Đà Lạt, Đà Nẵng về trồng trên 100 cây trong nhà lưới để phục vụ thị trường hoa Tết…
Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Nghi Liên bắt đầu hình thành từ năm 1985, nhưng từ năm 2000, nhu cầu chơi cây cảnh tăng nhanh nên người dân đã chuyển hướng từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung phát triển thành nghề. Nhất là thời điểm Nhà nước có chủ trương chuyển đổi ruộng đất ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, các gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi, kết hợp với đất vườn để quy hoạch thành những khu vườn rộng hàng ngàn m2. Và từ chỗ là nghề phụ, nay nghề trồng hoa cây cảnh đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình. Riêng về cây hoa, Nghi Liên chủ yếu trồng hoa cúc và hoa hồng; hiện đang có 15 loài cúc khác nhau như cúc pha lê, cúc trắng, cúc nhị xanh, cúc huệ, cúc bạc… và một số giống hoa mới du nhập như hoa ly, făngxê, lay ơn, loa kèn. Nghi Liên có lợi thế là quỹ đất còn nhiều vì thế mà ở đây, nhà nhiều nhất có vườn cây rộng đến 5.000m2, nhà ít nhất cũng có 1.500m2.
Mô hình phát triển cây cảnh, cây bóng mát và cây ăn quả đã được nhân rộng sang các xóm khác như xóm 2, 3, 5, 8, 9, 15. Ở đây có hàng trăm loại cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát; từ các loại cây cảnh có giá trị trên chục triệu đồng như cây sanh, tùng, mưng cho đến các loại cây giá tiền vừa phải như cau vua, cau lùn; hay các loại cây bóng mát như osaka, hoa ban tím, bông trang, sao đen, xà cừ, xoài.... Thị trường tiêu thụ dần đuợc mở rộng, từ việc mua bán nhỏ lẻ nay người dân đã tiếp cận được thị trường khắp cả tỉnh và vươn ra các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Để xây dựng quảng bá thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm, các hộ đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để đảm nhận các hợp đồng lớn. Riêng xóm 4 có trên 10 hộ đã thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH; đầu tư mua xe cẩu, xe tải để phục vụ cho nghề. Từ nghề trồng hoa, cây cảnh cũng đã phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh tư vấn thiết kế, kỹ thuật trồng cây xanh...
Ông Hoàng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: “Từ năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận làng nghề hoa, cây cảnh xóm 4 - Nghi Liên. Đây là một trong những làng nghề hoa, cây cảnh đầu tiên ở Nghệ An. Nghề trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh là một trong những hướng đi phù hợp cho địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đã đưa hướng phát triển làng nghề vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2005-2010, đồng thời tổ chức cho nhân dân đi tham quan học tập mô hình ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Tính đến nay, toàn xã đã có tới 150 hộ và 9 trang trại trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 40ha; tạo việc làm cho 250 lao động, bình quân thu nhập các hộ làm nghề đạt 200 - 500 triệu đồng/năm. Hàng năm, làng nghề đã cung ứng hàng nghìn sản phẩm cho thị trường hoa xuân trong tỉnh và các tỉnh lân cận; giá trị sản xuất trên 15 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu nhập của làng. Nghề trồng hoa, cây cảnh không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo nên cảnh quan làng xóm xanh - sạch - đẹp, góp phần cải thiện môi trường sống trong lành”.
Ngọc Anh