Sầm Văn Bình, người nhớ rừng

25/08/2014 10:06

(Baonghean) - Ồ lạ nhỉ, sao lại gọi ông là “người nhớ rừng?”, ông vẫn sống ở quê mình đó thôi, nào có đi đâu xa? Bao nhiêu người đã gọi ông, gọi thật đúng, thật hay: là “con hổ rừng xanh”, “người gọi hồn chữ Thái”, là người “đào đãi”, người “hồi sinh” hay “ông đồ” chữ Thái… Vậy mà, ông trầm lặng như một cây lim trong cánh rừng già. Trong nỗi hoài nhớ tiếng chim nộc cốc kắm mùa cọ chín. Nhớ loài sư tử kiến mà suốt tuổi thơ ông đã tìm nó trong những hố cát hình phễu rồi cho chúng chọi nhau chơi. Nhớ cây sáo pỉ phướng làm từ ống rạ được thổi véo von trong mùa gặt nương. Nhớ bài cúng của vị mo già trong lễ gọi vía…

Và bắt đầu với nỗi hoài nhớ ấy, ông đưa tôi về mường Chiêng Yến của ông. Mường Chiêng Yến bình yên với dãy núi Pu Chẻ, với huyền thoại về Tạo Khủn Tinh, về Pủ Chiêng Yến. Ở nơi ấy, ông chào đời trong nỗi khó nhọc, vất vả của gia đình cũng như bao người Thái quê ông. Ông nói, mình tuổi con trâu (1961) nên lúc nào cũng phải mang ách. Cặm cụi, cần mẫn lắm, nhưng cũng đầy chậm rãi, nhẩn nha… Dưới ông, còn 6 người em lít nhít nữa. Vậy mà ông vẫn được đi học và chưa bao giờ có ý định bỏ học. Có lẽ cũng nhờ một phần ở cha ông, người “sống chết” vì con chữ, đã kể câu chuyện gian nan để đến với cái chữ của mình cho con biết mà làm gương. Ông Hòa (cha của Sầm Văn Bình), khi 14 tuổi, đã cùng người em 11 tuổi đùm cơm, đi bộ vượt 60 cây số đường rừng sang Quỳ Châu học chữ vì ngày ấy Quỳ Hợp quê ông chưa có thầy dạy chữ. Cho đến khi thông thạo con chữ rồi, 2 anh em mới quay trở về. Đến khi đó đã có bình dân học vụ, ông Hòa sau đó, nhờ biết chữ được đưa vào làm cán bộ xã.

Cái thế giới kỳ diệu đầu tiên mở ra đối với Sầm Văn Bình, khác lạ với những cánh rừng, ngọn núi, những con đường gập ghềnh, mái nhà sàn lợp cọ… quê ông, ấy chính là nhờ những trang báo Thiếu niên mà cha ông đưa về. Ông biết rằng, ngoài mường này, còn rất nhiều mường rộng lớn khác, ngoài người Thái và những người Kinh lên đất này dắm dân thì còn nhiều người thuộc các dân tộc khác. Và muốn bay ra khỏi cánh rừng quê, chỉ có con đường học tập. Thời ấy, Sầm Văn Bình phải học ghép hết lớp này tới lớp khác. Thầy giáo chỉ là những học sinh vừa mới biết chữ. Lớp học thì khi ở dưới gầm sàn, khi thì nhờ một góc nhỏ trong nhà dân. Năm học lớp 7, cậu trò giỏi với thành tích đạt giải học sinh giỏi Văn của tỉnh, Sầm Văn Bình được tham dự Trại hè quốc tế ở CHDC Đức. Đó là một dấu ấn khó phai mờ trong lòng cậu trò nhỏ chưa bao giờ ra khỏi những cánh rừng quê mình…

Sầm Văn Bình thi đậu Đại học Đường thủy (sau sáp nhập thành Đại học Hàng hải - Hải Phòng), là “của hiếm” làng bản bấy giờ. Ông nói, cũng chẳng biết vì sao mà mình lại quyết định theo học một ngành hoàn toàn xa lạ với mình. Có lẽ, vì một chút tò mò, mong mỏi được khám phá của tuổi trẻ chăng? Một “người rừng” đi học thiết kế và đóng tàu biển với khát khao những con tàu của mình sẽ vượt đại dương bao la, liệu có mạo hiểm?

Ra trường, Sầm Văn Bình trầy trật mãi mà không thể xin nổi việc làm. Đến giờ ông vẫn ngơ ngác tự hỏi, sao một công việc, với ông, lại khó khăn đến vậy. Tạm quên đi cái bằng đại học, tạm quên đi khát vọng vượt đại dương, Sầm Văn Bình trở về làm một người nông dân nuôi 3 đứa con ăn học. Hết làm nại, làm nương, ông xoay sang làm thuê ở mỏ đá, tham gia làm quặng thiếc, đào rễ chay, rồi vay vốn ngân hàng cùng anh em chung nhau mua máy phay đất đi phay đất thuê… Cuộc sống cơm áo đã cuốn ông đi, để có lúc ông giật mình trong nỗi ngậm ngùi: Ồ, mình đã từng là một học sinh tiêu biểu, đã được sang tận nước Đức dự trại hè, đã từng cầm tấm bằng đại học… để rồi cũng chẳng đi đâu khỏi bản Yên Luốm, khỏi dãy Pu Chẻ. Nhưng, niềm xấu hổ, cái mất mát to lớn hơn mà ông kịp nhận ra, ấy là mình là người Thái, sống giữa cộng đồng Thái mà như kẻ lạc lõng. Tại sao mình không thể giải thích nổi một phong tục Thái bắt nguồn từ đâu, tại sao không đọc nổi một bài cúng gia tiên, không hiểu rõ luật tục Thái, không xót xa khi nhiều người già am hiểu phong tục dần đi xa, và nhiều nét văn hóa bản sắc dần mai một? Đúng lúc ấy, lời của cha ông dặn dò chợt làm ông thức tỉnh: “Con là con cả trong nhà, lại là trưởng họ nữa, cần phải biết tất cả những gì liên quan đến phong tục Thái, đến việc bản, việc họ. Đừng có để khi có việc lại phải đi thuê người khác đến và mình là kẻ “đứng ngoài cuộc” vì chẳng hiểu biết gì”.

Từ đó, Sầm Văn Bình đã bắt đầu học lại, từ chỗ chỉ “biết” đến chỗ “hiểu rõ”, từ chỗ chỉ biết lắng nghe đến chỗ biết giải thích cặn kẽ, tìm ra quy luật những gì liên quan đến tập quán người Thái, đến văn hóa Thái. Trong nhà Sầm Văn Bình khi đó, có một cuốn sách Thái cổ, thế nhưng ông cũng như nhiều người trong nhà không ai biết đọc. Một lần khác ông đến nhà một người bạn chơi, người này cũng đem ra một cuốn sách Thái cổ ghi trên giấy dó, hỏi rằng nếu ông biết đọc thì hãy đọc giúp. Thêm một lần, Sầm Văn Bình giật mình, nhận ra mình và bao nhiêu người con dân tộc Thái đã không biết đến chữ Thái. Tại sao mình được học hành, cũng là người hiểu biết, lại thờ ơ, vô tâm đến vậy?

Không thể chậm trễ hơn nữa, không thể để mình tuột trôi trong sự vô tâm ấy lâu hơn nữa, Sầm Văn Bình “bắt tay” vào công việc “đào đãi”, sưu tầm, hỏi han để đọc, để hiểu và để soạn được chữ Thái. Sầm Văn Bình vẫn nhớ lần đầu tiên ông nhìn thấy chữ Thái in trong một cuốn sách, khi ấy trái tim ông run lên vì xúc động. Đó là khi ông “phát hiện” ra “kho tàng tri thức” quý giá ở Thư viện huyện Quỳ Hợp. Ông nói, thêm một lần nữa, sách và báo lại mở ra trước ông một chân trời mới. Trong vô vàn những kiến thức mà ông xem như “mở lối” cho mình nhờ những ngày tìm đến thư viện huyện, ông đã tìm thấy cuốn “Luật tục Thái Việt Nam” do Ngô Đức Thịnh - Cầm Trọng biên soạn. Trong cuốn này có những trang một bên chữ Thái (Sơn La), một bên chữ Việt phổ thông, nói về những lời răn dạy, phong tục cưới hỏi, ma chay, những bài hát của người Thái. Sầm Văn Bình đã cẩn trọng ghi chép lại về nghiên cứu cách ghép vần, quy luật viết chữ, rồi ông so sánh với chữ Thái quê mình. Sự miệt mài của ông khiến nhiều người kinh ngạc. Ông mang cả giấy bút ra ruộng, ông hỏi han từng người già trong bản mình, mường mình, rồi đi cả đến mường khác mà hỏi về chữ Thái, về tục Thái, chuyện kể người Thái. Ban ngày đi tìm hiểu, ban đêm ông lại thắp đèn mà viết. Ông kể, mình đã đi bao nhiêu bản, đã gặp bao nhiêu người, đã uống bao nhiêu là rượu của bà con để cóp nhặt từng con chữ - hồn cốt của dân tộc. Rồi chữ Thái Lai xứ, Lai Tay, Lai Pao, Xư Thanh… lần lượt được ông khám phá. Càng biết thêm lại càng thấy điều mình biết còn ít ỏi. Cũng may mắn, nhờ nghiên cứu chữ Thái mà Sầm Văn Bình được biết đến, được mời đi dự nhiều hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế về chữ Thái để ông thấy mình, trước chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, giờ đã dần có sự hình dung về một bức tranh toàn cảnh về chữ Thái.

Tôi hỏi ông, cơ duyên nào đã khiến ông trở thành “thầy giáo Sầm Bình” mà người Thái nào cũng biết? Ông kể, cũng thật tình cờ, năm 2006, khi ấy ông đang vỡ đất ngoài ruộng thì có người tìm đến gặp. Đó là một lãnh đạo xã Châu Cường (Quỳ Hợp) muốn mời ông tới “đứng lớp” tại lớp học chữ Thái mới mở tại xã. Được sự động viên, ông mạnh dạn nhận lời. Học viên của lớp học này đầu tiên là cán bộ huyện, các xã và học sinh của xã Châu Cường, Châu Quang. Làm “thầy” khi trong tay chẳng có một quyển giáo trình, chẳng qua một ngày nghiệp vụ sư phạm, thế mà bằng tấm lòng, bằng tâm huyết, bằng cả sự cố gắng không mệt mỏi, sự tự bồi đắp hàng ngày, ông đã “vượt qua”. Lớp học ngày một đông thêm. Ông nói, hạnh phúc lớn nhất của mình là được thấy sự hồi sinh mãnh liệt của chữ Thái nhờ tấm lòng yêu mến, trân trọng của bà con đối với vốn quý của dân tộc mình.

Từ vốn liếng ban đầu là chữ Thái Sơn La, ông mày mò để biên soạn giáo trình chữ Thái riêng của vùng mình. “Hệ chữ Lai Tay”, “Lai xứ Mường Ham” đã trở thành những cuốn tài liệu quý giá chứa đựng bao nhiêu mồ hôi, tâm huyết của ông. Tiếp theo những cuốn tài liệu này, ông tiếp tục nghiên cứu, biên soạn cho ra đời nhiều tập tài liệu, giáo trình quý như: Hệ chữ Lai xứ Thanh Hóa, Hệ chữ Lai xứ Mường Mùn, Hệ chữ Lai xứ Mường Muỗi, Hệ chữ Lai Pao, Giải pháp sử dụng phụ âm, vần… cùng hàng trăm bài nghiên cứu, bài viết trao đổi về chữ Thái trên các báo, tạp chí, diễn đàn. Ông tham gia đứng lớp ở nhiều lớp học chữ Thái, tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, tham gia chuyên mục “Giữ gìn vốn cổ” trên Chuyên trang Dân tộc - Miền núi Báo Nghệ An, tham gia mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa… Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, thật lạ lùng lại khiến ông muốn được trở về. Trở về, ấy là cội nguồn của ông, trở về như một người Thái mắc nợ với tổ tiên, họ mạc, trở về vì sự vẫy gọi của biết bao nhiêu điều nữa cần phải khám phá, gọi tên.

Ông Sầm Văn Bình đang biên soạn giáo trình chữ Thái.
Ông Sầm Văn Bình đang biên soạn giáo trình chữ Thái.

Ông nói, điều mình rút ra được từ bao năm qua, ấy là “đừng tưởng mọi cái mình biết đều đúng”. Vì vậy, ông rất cần những bài phản biện đối với những nghiên cứu mà ông đã công bố.

Tôi hỏi ông điều mà ông trăn trở nhất hiện nay, có phải là về chữ Thái không? Ông mỉm cười, chậm rãi: “Không. Tôi biết chắc rằng, chữ Thái không mất đi. Có nhiều người yêu, nhiều người tâm huyết và đã nhiều người học được chữ Thái. Tôi chỉ sợ mất đi những phong tục Thái. Tôi nhìn thấy điều đó mà không khỏi xót xa. Sự xô bồ, những giao thoa mạnh mẽ của cuộc sống, nỗi vô tâm, vô tình của con người, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết, hay nói đúng hơn là hiểu biết không rõ ngọn ngành của những người ở vị trí “cầm cân nảy mực” đang dần làm biến mất giá trị đích thực của văn hóa Thái nói riêng, văn hóa các dân tộc nói chung. Hiện tôi đang dày công tìm hiểu về phong tục, tập quán người Thái qua những bài cúng. May mắn cho tôi khi có ông chú họ, trước khi mất, đã để lại cho mình một “gia tài” lớn, ấy là những đoạn băng ghi âm, băng hình, ảnh chụp… trong những lần ông về quê, tham dự những lễ lớn, nhỏ trong dòng tộc, gia đình, làng bản. Đó là người đã dựng cho tôi một cơ ngơi, tôi phải có trách nhiệm bước tiếp để xây dựng bền vững cơ ngơi ấy.”

Sầm Văn Bình nói, rồi lại ngồi trầm ngâm. Ông nhìn ra những vạt nắng cuối chiều. Như thể muốn tìm lại tiếng sáo phỉ phương, tiếng chim nộc cốc kắm, tiếng vị mo già khấn khứa trong lễ gọi vía. Phải không, ông – người con của rừng, ngồi giữa rừng mà đang thao thiết nhớ rừng?

Thùy Vinh

Mới nhất
x
Sầm Văn Bình, người nhớ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO