Sầm Văn Bình và những cuốn sách dạy chữ Thái
Sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại học Hàng hải, biết tiếng Anh, tiếng Đức... nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện để xin được một công việc phù hợp với ngành nghề đã học, Sầm Văn Bình đành trở về bản và vùi đầu vào nghiên cứu chữ Thái, lặng lẽ như một ông già vùng cao, sống thu mình ở một bản nhỏ cạnh dòng suối Nặm Hàng.
Sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại học Hàng hải, biết tiếng Anh, tiếng Đức... nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện để xin được một công việc phù hợp với ngành nghề đã học, Sầm Văn Bình đành trở về bản và vùi đầu vào nghiên cứu chữ Thái, lặng lẽ như một ông già vùng cao, sống thu mình ở một bản nhỏ cạnh dòng suối Nặm Hàng.
Suốt 10 năm trời (1995-2005), anh miệt mài với những cuốn sách chữ Thái cổ do ông bà để lại trong khi chữ Thái đang bị lãng quên trong cộng đồng và chưa có ai khai thác.
Thế rồi ở xã vùng cao Châu Cường (huyện Quỳ Hợp), một câu lạc bộ chữ Thái đã tự phát ra đời (năm 2005), Sầm Văn Bình được mời tham gia và trở thành linh hồn của câu lạc bộ này. Một trong những thành công của Sầm Văn Bình là anh đã soạn gần như hoàn chỉnh (từ năm 2006-4/2009) bộ sách hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai tay, gồm 2 tập. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, tập 2 với 30 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác. Song song và tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, Sầm Văn Bình còn hoàn chỉnh được đến 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: "Hệ chữ Lai xứ-Mường Ham"; "Hệ chữ Lai-xứ Thanh Hoá"; "Hệ chữ Lai-xứ Mường Mùn"; "Hệ chữ Lai-xứ Mường Muỗi"; "Hệ chữ Lai Pao", mỗi cuốn sách này có độ dày từ 110-120 trang đánh máy vi tính trên giấy A4. Sầm Văn Bình còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hoá Thái trên các báo từ Trung ương tới địa phương.
Anh làm việc thường xuyên, liên tục, có nhiều đêm tận hai, ba giờ sáng mới tắt đèn. Những cố gắng của Sầm Văn Bình đã được đền bù xứng đáng: Huyện uỷ, UBND huyện Quỳ Hợp luôn giúp đỡ anh cả về tinh thần và vật chất, tạo mọi điều kiện cho anh nghiên cứu và giảng dạy tốt. Sở VH-TT tỉnh Nghệ An, Ban DT & MN tỉnh cũng luôn quan tâm, động viên để anh dành tâm huyết cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển chữ Thái. Qua 3 khoá học do "thầy giáo" Sầm Văn Bình giảng dạy, với một hình thức sư phạm khá độc đáo, đến nay huyện Quỳ Hợp đã có trên 100 người biết đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay, trong đó đến 75% là các em học sinh người Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Hiện nay khoá 4 đang tiếp tục với 3 lớp học và trên 90 học viên, tuổi ít nhất là 13 và nhiều nhất là 50....
Ước mơ lớn nhất của Sầm Văn Bình là làm sao cho chữ Thái được hồi sinh bền vững, những cuốn sách nghiên cứu về chữ Thái của mình được hợp thức hoá, được in ấn phát hành rộng rãi, phục vụ trực tiếp cho cả người dạy, người học... và cả những người nghiên cứu khoa "Thái học" còn rất mới mẻ ở nước ta hiện nay!
Thái Tâm