Sân chơi cho người khuyết tật: Cần sự quan tâm đúng mức!
(Baonghean) - Người khuyết tật hòa nhập, bình đẳng với xã hội thể hiện ở chỗ họ có quyền và được tạo điều kiện tham gia mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có các hoạt động thể dục - thể thao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, cơ sở vật chất về sân chơi, bãi tập, dụng cụ thể thao đặc thù dành riêng cho người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến đời sống tinh thần và hoạt động rèn luyện thể chất của họ gặp nhiều khó khăn.
Hàng chục năm nay, người dân phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) đã quen với hình ảnh người đàn ông đi lại khó khăn nhưng chiều chiều vẫn lỉnh kỉnh vợt, cầu ra sân cầu lông thi đấu giao lưu với mọi người. Đó là ông Thái Khắc Hoàng, thương binh 2/4 ở khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập. Đã qua tuổi 70, bị khuyết đi một phần đôi tay và chân bước đi tập tễnh, nhưng trên sân cầu lông, ông nhanh nhẹn, linh hoạt bất ngờ! Nào công, nào thủ, nào bạt bóng…, đánh đôi hoặc đánh đơn, ông đều đảm nhiệm tròn vai. Năm 1973, ông trở về địa phương và theo học Đại học sư phạm, sau đó trở thành giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường Cấp 3 Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). Khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông lãnh vai Hội trưởng Hội Khuyến học phường Hà Huy Tập, và 3 năm lại đây lại thêm chức Hội trưởng Hội Người khuyết tật TP. Vinh. Bận rộn với công việc riêng, chung, nhưng với vai trò quản lý hội người khuyết tật, ông luôn phát huy tính gương mẫu trong mọi hoạt động, mong muốn thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về khả năng hòa nhập của người khuyết tật và động viên người khuyết tật vượt qua mặc cảm, sống vui, sống có ích. Ông Thái Khắc Hoàng cho biết: “Tôi luôn tâm niệm gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, bắt đầu từ những việc bình dị như hoạt động thể dục, thể thao. Tôi thường xuyên tham gia chơi cầu lông, đạp xe địa hình... Chơi thể thao quen rồi, nếu nghỉ ngày nào là thấy thiếu ngày đó!”
Ông Thái Khắc Hoàng ở khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) tập luyện cầu lông. |
Vì đam mê thể thao, ông vượt qua mặc cảm về khiếm khuyết bản thân, cố gắng hòa nhập cùng với mọi người. Tuy nhiên, đa số sân chơi, bãi tập đều được thiết kế theo tiêu chuẩn dành cho người bình thường, nên những người khuyết tật như ông rất khó để thích nghi. Mặt khác, thời gian đầu mới tập luyện, ông vấp phải không ít khó khăn đến từ sự phân biệt của một số người. “Họ không nói thẳng ra, nhưng nhìn ánh mắt, rồi cách họ phát cầu theo kiểu tấn công dồn dập như muốn thử thách mình là biết. Nhưng chỉ thời gian đầu thôi, càng về sau, ý chí của mình đã thuyết phục họ” - ông Thái Khắc Hoàng chia sẻ. Không chỉ chơi cầu lông mà đều đặn mỗi buổi chiều, từ ngôi nhà ở xóm Trung Hòa, ông lại thong dong đạp xe địa hình cùng những người bạn già đến sân bay Vinh. Quãng đường non 10km đi - về ấy vừa giúp ông rèn luyện sức khỏe, vừa là liều thuốc tinh thần giúp ông vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng có ý chí mạnh mẽ trong việc hòa nhập cùng phong trào thể dục, thể thao cộng đồng như ông Thái Khắc Hoàng. Phần lớn người khuyết tật tỉnh nhà vẫn chưa vượt qua được rào cản mặc cảm, mặt khác, hầu như chưa có sân chơi, bãi tập nào được thiết kế theo tiêu chuẩn dành riêng cho những người khuyết tật. Theo số liệu thống kê từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, toàn tỉnh có hơn 200.000 người khuyết tật, và chỉ rất ít trong số đó có tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, rải rác ở một số huyện như Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Anh Sơn… Ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng công trình thể thao riêng cho người khuyết tật. Vì vậy, dù biết đây là nhu cầu có thực, và tác động tích cực đến đời sống tinh thần của họ nhưng các cấp hội cũng “lực bất tòng tâm”.
Tháng 4/2011, UBND Thành phố Vinh đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Hoạt động của người khuyết tật Thành phố Vinh, tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 3.500 m2 tại xóm Ngũ Lộc, xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Đây là mô hình đầu tiên, và tính đến nay là duy nhất về hoạt động thể chất cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố Vinh nói riêng và toàn tỉnh nói chung, có sân cầu lông và đường chạy dành riêng cho người khuyết tật. Thời điểm đó, công trình mang đến tin vui, niềm háo hức cho cộng đồng người khuyết tật thành phố bởi hy vọng sẽ có riêng cho họ một sân chơi đặc thù, giúp họ rèn luyện sức khỏe, tăng cường giao lưu, chia sẻ trong cộng đồng người tàn tật. Nhưng đáng tiếc, công trình chưa được hoàn thiện do thiếu vốn đầu tư xây dựng, lại hạn chế trong khâu tổ chức, quản lý nên chưa thu hút được người khuyết tật đến tập luyện. Hiện tại, trung tâm vận động người khuyết tật TP. Vinh đang bị bỏ hoang, còn người khuyết tật trên địa bàn thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung vẫn đang loay hoay tìm sân chơi thể thao dành cho mình.
Nhìn rộng ra địa bàn các tỉnh như Quảng Trị, Huế, Đồng Nai… hay mạnh hơn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mới thấy, phong trào thể dục - thể thao cho người khuyết tật được quan tâm đúng mức. Bên cạnh sân chơi, bãi tập đúng tiêu chuẩn, các tỉnh còn xây dựng đội tuyển VĐV khuyết tật ở các môn thể thao điển hình, đại diện cho tỉnh nhà tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại giải thể thao người khuyết tật các cấp. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng thiết nghĩ, để người khuyết tật tỉnh nhà tham gia tích cực vào các phong trào thể dục thể thao, từ đó tích cực hòa nhập cộng đồng, hội bảo trợ người khuyết tật các cấp cần phối hợp với các ngành liên quan như TDTT, LĐ-TB&XH tích cực triển khai nhiều hoạt động với nội dung phong phú, tham mưu ban hành chủ trương, giải pháp đẩy mạnh các hoạt động TDTT cho người khuyết tật; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để thành lập các CLB thể thao người khuyết tật và tổ chức các giải đấu cho người khuyết tật.
Phương Chi