Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Thêm động lực phát triển sản xuất

29/10/2014 09:53

(Baonghean) - Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu Nghệ An năm 2014 vừa tổ chức bình chọn 11 sản phẩm CNNT. Ngoài việc xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, qua bình chọn cho thấy, số lượng và chất lượng sản phẩm vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng của các địa phương.

Nghề thêu tranh ở HTX Thanh Thủy, xã Nam Thanh (Nam Đàn).
Nghề thêu tranh ở HTX Thanh Thủy, xã Nam Thanh (Nam Đàn).

Tôn vinh sản phẩm tiêu biểu

Hợp tác xã Thanh Thủy, xã Nam Thanh (Nam Đàn) tham gia cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014 với bức tranh thêu “Hồ thiên nga”. Tác phẩm này được Hội đồng bình chọn đánh giá là khá độc đáo, có tính thẩm mỹ cao, với những chi tiết tinh xảo. Chị Hồ Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm HTX Thanh Thủy và cũng là tác giá của bức tranh, cho biết: Hiện nay, nguyên liệu thêu đa dạng hơn nhiều. Từ chất liệu vải thêu đến các loại chỉ tơ nhiều màu sắc được lựa chọn kỹ lưỡng hoặc nhập khẩu từ những hãng nổi tiếng trên thế giới nên nghề thêu có điều kiện phát triển, đáp ứng không chỉ nhu cầu sử dụng thông thường trong may mặc, mà còn được sử dụng mang tính chất trang trí mỹ thuật. “Năm 2012, tác phẩm “Quê nội” của tôi được Hội đồng bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sau lần đó, Quỹ Khuyến công tỉnh, Phòng Lao động huyện hỗ trợ 30 - 50 triệu đồng/lớp học để bồi dưỡng cho học viên của lớp học nghề thêu thủ công do tôi tổ chức” - chị Thúy cho biết thêm.

Cùng được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2004 là sản phẩm nước mắm Vạn Phần của Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Sau khi lọt vào vòng tuyển chọn cấp tỉnh, nước mắm Vạn Phần còn vinh dự là 1 trong 2 sản phẩm của Nghệ An được bình chọn là sản phẩm CNTT tiêu biểu khu vực phía Bắc... Sản phẩm của công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và sử dụng mã vạch theo quy định của quốc gia và quốc tế…

Đây là lần thứ 2 Nghệ An tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và đã thu hút được 36 sản phẩm đăng ký tham gia thuộc 4 nhóm ngành chính: nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống; nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, cơ khí - chế tạo (thiết bị điện, máy móc, dụng cụ và phụ tùng; nhóm các sản phẩm khác. Nhưng qua đánh giá sơ bộ chỉ có 21 sản phẩm có hồ sơ hợp lệ, đủ tiêu chí bình chọn; có nhiều sản phẩm được Hội đồng bình chọn đánh giá cao như khăn trải bàn, treo tường bằng chất liệu thổ cẩm của HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu; mâm mây của làng có nghề Na Nhắng, huyện Quế Phong; tấm ốp cột bằng đá Marble của Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ, huyện Quỳ Hợp; hương trầm Quỳ Châu; kẹo lạc Công Thảo - Thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương… Qua đánh giá sơ bộ sản phẩm kết hợp đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, Hội đồng bình chọn đã chọn 11 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.

Tiền đề phát triển

Theo đánh giá, số lượng sản phẩm và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia bình chọn lần này phong phú hơn lần 1 - năm 2012. Các sản phẩm tham gia bình chọn đảm bảo các tiêu chí của chương trình như mang đặc thù sản phẩm CNNT tỉnh nhà, thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với tính năng động, hiện đại có khả năng mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Qua cuộc bình chọn còn cho thấy, ngoài những sản phẩm đã khẳng định ưu thế về chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh như sản phẩm nước mắm, hương trầm, hương thẻ; những sản phẩm mới sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, đang được thị trường ưa chuộng và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đối với những sản phẩm chưa đạt giải cũng nắm được những khiếm khuyết, điểm yếu của sản phẩm để cơ sở tự đánh giá, hoàn thiện, tăng tính cạnh tranh hơn...” - ông Hoàng Văn Diện - Trưởng phòng Khuyến Công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết. Đặc biệt thông qua bình chọn, nhiều doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm; qua đó có cơ hội xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn cử ở cấp khu vực phía Bắc tổ chức vào đầu tháng 10/2004, Nghệ An tham gia 4 sản phẩm thì có 2 sản phẩm là nước mắm Vạn Phần và tấm ốp cột bằng đá Marble được tôn vinh và tham dự Triển lãm sản phẩm CNNT khu vực phía Bắc tại tỉnh Yên Bái.

Tại đây, khách hàng ưa chuộng sản phẩm của Công ty CP thủy sản Vạn Phần. Vì vậy, đơn vị này đã bán hết hơn 200 lít nước mắm thượng hạng ngay trong 2 ngày đầu tham dự triển lãm. Mặt khác, theo Quyết định số 93/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 về việc ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các sản phẩm sau khi công nhận là sản phẩm tiêu biểu, ngoài phần thưởng trị giá 1 triệu đồng đối với cấp xã, 2 triệu đồng cấp huyện và 5 triệu đồng cấp tỉnh còn được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh và các hỗ trợ khác theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua cuộc bình chọn đã xuất hiện những hạn chế cần khắc phục. Ông Hoàng Văn Tám - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện và không quyết liệt trong chỉ đạo chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; số lượng cơ sở tham gia còn ít, ngành nghề chưa phong phú, chưa thể hiện hết tiềm năng sản phẩm công nghiệp nông thôn ở địa phương. Một số sản phẩm tham gia còn hạn chế về mặt mẫu mã, bao bì, hồ sơ tham gia sơ sài, doanh thu thấp, không có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường…

Như vậy, để những năm tiếp theo có thêm nhiều sản phẩm tham gia và việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT thực sự trở thành tiền đề cho nhiều cơ sở mở rộng, sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi vai trò của Sở Công Thương rất quan trọng. Bên cạnh việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo nghề cần giúp họ nắm bắt, tiếp cận các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn; đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới, mở rộng thị trường… Mặt khác, các cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, đồng thời, chủ động cập nhật thông tin, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư để sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm tiêu biểu, các địa phương cần phải có định hướng cho việc phát triển sản phẩm của địa phương mình gắn với sự phát triển CN - TTCN. Có như vậy mới thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế nông thôn phát triển.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất

x
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Thêm động lực phát triển sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO