Sản phẩm tiêu biểu phía Bắc năm 2012

28/11/2012 14:22

(Baonghean) - Sản phẩm tương Nam Đàn vừa được Cục Công nghiệp địa phương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc – 2012. Sự tôn vinh này càng khiến người làm tương Nam Đàn thêm tự hào về sản phẩm truyền thống và có trách nhiệm hơn trong giữ gìn, nâng cao chất lượng sản phẩm của quê hương.

Đến Làng nghề chế biến tương truyền thống ở khối Phan Bội Châu - Thị trấn Nam Đàn vào các hộ làm tương dễ cuốn hút bởi những chum tương phơi trong sân, mùi tương chín thơm ngọt, đậm đà như tình người nơi đây. Năm nay đã 68 tuổi bà Phan Thị Tâm - khối Phan Bội Châu vẫn miệt mài làm tương. Bà kể: Nay tuổi đã cao, sức yếu nhưng cứ cố sản xuất để đảm bảo có hàng cung cấp cho khách ở tận Đồng Nai, Đắc Lắc, Hà Nội… Hàng chục năm nay, cứ điện thoại về cho biết cần bao nhiêu can tương là bà Tâm lại đóng gói cẩn thận, gửi tương theo xe khách. Lên 9 – 10 tuổi, bà Tâm đã biết phụ giúp cha mẹ làm tương và từ đó cái nghề cha truyền con nối đã theo bà đi suốt cuộc đời. Xưa kia chỉ làm nhỏ lẻ phục vụ trong gia đình, khi nhu cầu thị trường tăng mạnh, gia đình bà Tâm sản xuất bình quân 10.000 lít tương/năm. Đến năm 2008 – 2010, mỗi năm sản xuất và bán ra thị trường 35.000 – 40.000 lít phục vụ khách du lịch về thăm quê Bác, thị trường trong tỉnh và một số tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Sân nhà lúc nào cũng chất đầy 40 – 50 chum tương, mỗi năm lãi từ 40 – 50 triệu đồng. Tương Nam Đàn ngày càng được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng, niềm vui ấy, hối thúc gia đình bà say mê sản xuất với trách nhiệm, kinh nghiệm và uy tín của một gia đình có truyền thống làm tương hơn 100 năm.



Bà Tâm miệt mài với nghề làm tương

Khoảng từ năm 1989 đến nay, tương Nam Đàn phát triển mạnh thành tương hàng hoá. Năm 2010, sau khi được UBND tỉnh công nhận Làng nghề sản xuất tương truyền thống, từ 19 hộ làm nghề nay có 35 hộ tham gia sản xuất tương. Ông Phạm Hải Đường- Trưởng làng nghề, chia sẻ: “Để giữ được uy tín, thương hiệu bền vững, tất cả những hộ làm tương trong làng nghề đều xác định phải giữ vững chất lượng. Trong quá trình sản xuất người làm tương làng nghề không dùng phụ gia thực phẩm, không dùng hoá chất. Ngoài ra, trong làng nghề còn giám sát lẫn nhau giữa các hộ và quản lý trực tiếp trong việc làm tương đến các hộ, trong đó có việc quản lý trực tiếp ngay từ nguyên liệu đầu vào phải dùng đậu tương xuân của Nam Đàn hoặc đậu tương hè được trồng tại dải đất ven sông Lam từ huyện Hưng Nguyên lên tới Anh Sơn. Các hộ sản xuất phải tuân thủ các quy định của làng nghề, nếu hộ nào sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn và quy định của làng nghề thì phải xoá tên khỏi làng nghề”.

Mỗi năm cả làng nghề tương Nam Đàn sản xuất từ 250.000 – 300.000 lít tương/năm, đem lại tổng thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Làng nghề mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Sẵn có nguồn nguyên liệu dồi dào, đầu ra ổn định, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhất là vào mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, làng nghề sản xuất không kịp phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch. Từ khi HTX Sa Nam được thành lập, chuyên thu gom và tiêu thụ các sản phẩm tương chất lượng cao của người dân, đầu ra cho tương càng thêm ổn định. HTX Sa Nam có 3 đại lý tiêu thụ hàng tại TP. Hà Nội, và các đầu mối tiêu thụ ở Đắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, đưa tương Nam Đàn đi khắp mọi miền đất nước.

Được biết, sang năm 2013, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với huyện Nam Đàn sẽ đăng ký thương hiệu tập thể cho sản phẩm tương Nam Đàn. Như vậy, thương hiệu của tương Nam Đàn càng thêm lan toả và có vị thế nhất định trên thị trường.


Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Sản phẩm tiêu biểu phía Bắc năm 2012
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO