Sẵn sàng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

18/07/2012 17:10

(Baonghean) Thị trường phát điện cạnh tranh - bước đầu tiên cho quá trình phát triển thị trường điện Việt Nam đã bắt đầu vận hành chính thức từ 1/7/2012, cùng ngày với việc áp dụng giá điện bán lẻ mới cho người tiêu dùng, tăng 5% so với trước.

Theo danh sách được Bộ Công Thương phê duyệt trong đợt đầu vận hành, sẽ có 29 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh nộp bản chào giá cho Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.035 MW; có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia và 18 nhà máy điện tạm thời gián tiếp tham gia.

Các đơn vị tham gia cạnh tranh phát điện gồm các nhà máy điện có công suất đạt từ 30 MW trở lên, đấu nối vào lưới điện Quốc gia. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 nhà máy đủ điều kiện tham gia thị trường điện cạnh tranh, đó là nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, nhà máy Thủy điện Hủa Na và nhà máy Thủy điện Khe Bố ( hiện 2 nhà máy Thuỷ điện Hủa Na và Khe Bố chưa phát điện ). Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ có công suất đạt 320MW, bắt đầu phát điện từ ngày 10/4/2010. Sau hơn 2 năm vận hành, nhà máy đã đạt sản lượng điện thương phẩm gần 2 tỷ kWh, đóng góp một phần quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.



Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ có công suất 320 MW

Anh Cao Minh Tú, Phó phòng Kế hoạch kiêm Tổ trưởng tổ Thị trường điện - Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 cho biết: Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ hiện là 1 trong 18 nhà máy điện nằm trong danh sách " Tạm thời gián tiếp tham gia Thị trường phát điện cạnh tranh". Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đã thành lập tổ thị trường điện; tham gia các khóa đào tạo, hướng dẫn về vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Xây dựng được qui trình vận hành tham gia thị trường điện và đã cơ bản hoàn thành xong cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường, gồm: Hệ thống đo đếm điện năng, thiết bị đầu cuối; hệ thống công nghệ thông tin (như hệ thống mạng kết nối thông tin nội bộ, hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ, hệ thống hỗ trợ thanh toán thị trường điện và hệ thống SCADA/EMS)…Ngay từ tháng 6/2011, Công ty đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm và phối hợp với các đơn vị liên quan thử nghiệm thành công các phần mềm vận hành thị trường. Hiện tại, Công ty đã đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh theo đúng lộ trình.

Cùng thời điểm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đã tăng 5%, bình quân tăng từ 1.304 đồng/kW lên 1.369 đồng/kW (chưa bao gồm thuế VAT). Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc cao nhất sẽ là 2.192 đồng, thay vì mức cũ là 2.060 đồng/kWh; giá điện sản xuất cao nhất áp dụng là 2.306 đồng, tăng 281 đồng/kWh; giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Riêng giá bán điện sinh hoạt bậc thang đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức cũ là 993 đồng…

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: “ Hiện Công ty đang quản lý 518.543 khách hàng mua điện, gồm cả thắp sáng sinh hoạt và kinh doanh, sản xuất. Triển khai Thông tư số 17/2012/TT-BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và Công văn số 2213/EVN- KD ngày 29/6/2012 của EVN, trong ngày 1/7, công nhân Điện lực đã đồng loạt ra quân thực hiện chốt chỉ số điện kế cho hơn 30.000 khách hàng thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh để làm cơ sở tính giá mới. Đối với những khách hàng chốt được chỉ số công tơ, sẽ căn cứ vào chỉ số chốt để xác định lượng điện năng tương ứng với giá cũ và giá mới, làm căn cứ để lập hoá đơn trong kỳ thay đổi giá. Những khách hàng mua điện sinh hoạt không chốt chỉ số thì việc xác định phần điện năng sử dụng được tính toán theo nguyên tắc nội suy sản lượng và làm tròn số học (lấy bình quân ngày sử dụng điện trong tháng, căn cứ vào mốc ngày 1/7 để xác định lượng điện theo giá cũ và mới)”...

Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành điện, đánh dấu bước chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang cơ chế vận hành theo thị trường, và sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế quản lý, điều hành các nhà máy điện hiện nay. Về lâu dài, khách hàng sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh. Và việc điều chỉnh giá bán điện lần này tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh mỗi tháng đang được giữ nguyên giá bán... Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường ở mức 100 kWh mỗi tháng tăng 4.200 đồng; sử dụng 150 kWh tăng 8.600 đồng, sử dụng 200 kWh tăng 14.050.


Ngọc Anh

Mới nhất
x
Sẵn sàng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO