Sản vật vùng cao

26/07/2015 11:14

(Baonghean) - Lên các huyện rẻo cao Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, chúng ta vẫn thường được thưởng thức những sản vật truyền thống thơm ngon giữa đại ngàn, như: dưa Mông, quả mạc tệt, cà ngọt, măng đắng… Tuy nhiên, các sản vật sạch này bà con sản xuất theo dạng tự phát nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Dọc Quốc lộ 7A đoạn qua huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và các nẻo đường vào các bản làng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp bà con đồng bào gùi trên lưng những sản vật ra bán tại các chợ trung tâm. Ở chợ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), bà con bày bán rất nhiều quả mạc tệt (mướp Thái). Quả mạc tệt giống hình quả dưa chuột nhưng có sọc dài, luộc ăn rất thơm ngon. Chị Vi Thị Lan, ở bản Chắn, xã Thạch Giám đang bán rổ mạc tệt hái từ vườn nhà, cho hay: “Trong bữa cơm của đồng bào đều có “sản vật” này, vì vậy quả mạc tệt khá dễ bán, chúng tôi bán theo bó 4 - 5 quả buộc lại với giá 10.000 đồng. Mỗi phiên chợ cũng bán được 150.000 - 200.000 đồng.

Theo chị Lan, quả mạc tệt được bà con người Thái đều trồng để thay thế các loại rau trong bữa ăn, riêng tại bản Chắn khoảng 5 năm trở lại nay đã trồng mạc tệt thành hàng hóa để phục vụ cho chợ Thị trấn Hòa Bình, tuy nhiên số lượng không nhiều. Cả đợt thu hoạch của mỗi gia đình chỉ được từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Chị Lương Thị Nguyệt ở bản Chắn cũng trồng khoảng hơn 150m2 cây mạc tệt cho biết: Trồng mạc tệt rất hiệu quả, trồng từ tháng 3 đến tháng 5 đã cho thu hoạch đến hết tháng 10, hàng ngày đều có quả thu hoạch, cả đợt thu hoạch bán được gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, trồng mạc tệt khó mở rộng diện tích là do phải đầu tư kinh phí làm dàn, nước tưới khó khăn nên bà con chủ yếu trồng trong vườn nhà. Được biết bản Chắn có trên 100 hộ dân nhưng có khoảng trên 50 hộ trồng mạc tệt, thu nhập từ loại quả này góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Dưa rẫy ở Xốp Chạng, Yên Hòa (Tương Dương).
Dưa rẫy ở Xốp Chạng, Yên Hòa (Tương Dương).

Tương Dương còn nổi tiếng với đặc sản cà ngọt, to hơn quả cà pháo, có màu xanh viền trắng ăn sống chấm với tương, mắm tôm rất ngọt. Hầu như những ai lên với Tương Dương đều tìm bằng được loại sản vật đặc biệt này để về làm quà. Cà ngọt được bán khá nhiều tại chợ Thị trấn Hòa Bình và các xã Tam Thái, Tam Đình, Xá Lượng… Cà ngọt hiện có khá nhiều xã trồng, nhưng riêng bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng được coi là “thủ phủ” của cà ngọt. Theo chị Lương Thị May ở bản Khe Ngậu, hàng năm gia đình chị thu hoạch được từ 3 tấn cà ngọt, chủ yếu trồng ở dọc khe Ngậu, hoàn toàn trồng tự nhiên không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào. Với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập từ 27 - 30 triệu đồng/năm từ trồng cà ngọt. Bản Xá Lượng có 45/120 hộ trồng cà ngọt, đạt từ 35 - 40 tấn cà, tổng doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Ông Lương Văn Phan, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho hay: Cà ngọt trồng thích hợp ở vùng đất Khe Ngậu, trồng 2 vụ/năm, riêng cà ngọt vụ hè này dự tính đạt 45 tấn, tuy nhiên do nắng hạn nên năng suất thấp hơn.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết thêm: Huyện đang tập trung từng vùng, miền với các loại nông sản như: bí, măng đắng Con Phen, khoai sọ… Tuy nhiên, các diện tích còn trồng manh mún, chưa quy hoạch thành vùng tập trung do địa hình bị chia cắt. Như bí xanh có khoảng 25 ha tập trung ở các xã Tam Hợp, Thạch Giám, Tam Đình, khoai sọ 10 ha Tam Hợp, Lưu Kiền… Để phát triển thành hàng hóa còn khó khăn, nguyên nhân là đầu ra chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội huyện và khách từ xa đến. Huyện đang từng bước xây dựng thương hiệu các sản vật vùng cao, bước đầu đã hình thành được vùng cà ngọt Khe Ngậu, mướp hương Xá Lượng, mạc tệt ở bản Chắn (Thạch Giám), khoai sọ, cải ngồng Lưu Kiền… Huyện khuyến khích bà con chăm bón theo kiểu truyền thống, không sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, để sản vật vùng cao mang lại giá trị kinh tế cao thì cần phải được quảng bá, giới thiệu tại các nhà hàng, khách sạn ở thành phố. Đây là chương trình cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào mạnh dạn phát triển.

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn cũng nổi tiếng với các sản vật như dưa rẫy, khoai sọ, mặc coọc… Đối với dưa rẫy là sản vật đặc trưng, người vùng cao hay gọi đây là dưa Mông, quả to gấp 3 - 4 lần dưa chuột, ăn dòn và ngọt, có mùi vị đặc trưng được đồng bào Mông ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Cắn… trồng trên triền núi cao, có sương phủ. Tại xã Nậm Cắn, thời điểm này đang vụ thu hoạch dưa Mông. Ông Lầu Tổng Chúa ở bản Trường Sơn, cho biết: Dưa này rất dễ trồng, chỉ cần dọn dẹp đất rẫy xong, trỉa hạt từ tháng 2 âm lịch, khoảng tháng 5 - 6 âm lịch là cho thu hoạch. Do đặc điểm khí hậu Nậm Cắn quanh năm mát mẻ nên dưa không cần tưới mà vẫn cho quả đều. Riêng gia đình tôi trồng rải rác khoảng 500m2 được khoảng 200 kg, bán với giá 10.000 đồng/kg, được 2 triệu đồng/vụ. Cả xã Nậm Cắn hiện có khoảng 3 - 4 ha dưa rẫy tập trung ở các bản Ba Ca, Trường Sơn… Ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết thêm: Dưa rẫy là đặc sản có giá trị cao nhưng khó mở rộng diện tích do địa bàn trồng xa khu dân cư, nên thường xuyên bị chuột phá hoại. Chưa kể là phải bảo quản hạt giống tốt, một số hộ dân gieo trỉa khá nhiều nhưng tỷ lệ nảy mầm không cao.

Nậm Cắn còn nổi tiếng với đặc sản khoai sọ trồng trên đất rẫy. Bà con dân bản ở đây cho biết: Khoai sọ dễ ăn, dùng khá phổ biến trong mùa ddđông, vì nó giữ nhiệt cho cơ thể khá tốt. Những năm gần đây, bà con đều nhận được gạo cứu trợ trong thời kỳ giáp hạt của Nhà nước nhưng vẫn không ai bỏ cây khoai sọ mà còn mở rộng thêm diện tích để trồng bán nâng cao thu nhập. Ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn chia sẻ: Thấy được giá trị từ khoai sọ, xã đã khuyến khích động viên bà con mở rộng diện tích, từ chỗ chỉ có hơn 3 - 4 ha, năm nay có trên 8 ha khoai. Để mở rộng diện tích khoai sọ, tăng thu nhập là điều dễ, bởi khoai sọ là cây khó tính, phải chọn vùng đất tốt nguyên thổ, mới trồng được, khoai đạt chất lượng là củ to và nhiều bột, ăn có hương vị thơm ngon đặc trưng. Nếu có tác động phân hóa học vào thì khoai không ngon.

Bên cạnh đó, khoai sọ còn được trồng tập trung tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Na Ngoi và Tây Sơn. Với tiềm năng và lợi thế, Kỳ Sơn còn có khá nhiều sản vật quý khác như chè Shan tuyết tập trung ở Huồi Tụ, Mường Lống, khoảng trên 500 ha. Ông Nguyễn Đình Trị, Trưởng phòng Nông nghiệp Kỳ Sơn cho biết: Tiềm năng từ cây chè San tuyết là rất lớn nhưng Kỳ Sơn chưa khai thác hết. Nguyên nhân cây chè Shan tuyết chưa vươn tầm được là do công nghệ chế biến ở Tổng đội TNXP 8 còn lạc hậu, khâu quảng bá chưa được chú trọng, thiếu vốn sản xuất.

Những sản vật của các huyện rẻo cao đang được đồng bào lưu giữ, sản xuất. Tuy nhiên, để trở thành hàng hóa, giới thiệu sâu rộng trên thị trường, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp tích cực của các cấp, ngành trong khâu tiêu thụ, quả bá sản phẩm, liên kết sản xuất...

Văn Trường

Mới nhất

x
Sản vật vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO