Sản xuất chè công nghệ cao - hướng đi hợp lý

22/05/2013 12:24

Với những đặc điểm về đất đai, khí hậu, Nghệ An không có những lợi thế như một số địa phương khác trong phát triển cây chè, nhưng chúng ta lại có diện tích chè được xếp vào loại lớn trong cả nước. Tuy nhiên, trong phát triển trồng và chế biến sản phẩm chè, Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế. Để có thể nâng cao hiệu quả và giá trị của cây chè thì phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao được coi là một hướng đi hợp lý.

(Baonghean) - Với những đặc điểm về đất đai, khí hậu, Nghệ An không có những lợi thế như một số địa phương khác trong phát triển cây chè, nhưng chúng ta lại có diện tích chè được xếp vào loại lớn trong cả nước. Tuy nhiên, trong phát triển trồng và chế biến sản phẩm chè, Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế. Để có thể nâng cao hiệu quả và giá trị của cây chè thì phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao được coi là một hướng đi hợp lý.

Huồi Tụ (Kỳ Sơn) là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chè chất lượng cao, đặc biệt là chè shantuyết. Những năm trước đây, sau khi xóa bỏ cây thuốc phiện, người dân đã được hướng dẫn kỹ thuật, tạo mọi điều kiện để chuyển sang trồng chè. Thế nhưng lúc đó, diện tích chè ở Huồi Tụ chỉ gồm chè LD7, chè Suối Giàng (Yên Bái), chè Hoàng Su Phì với chất lượng không cao. Dự án về sản xuất và chế biến chè chất lượng cao ở vùng núi cao Huồi Tụ- Kỳ Sơn được coi là một bước đột phá giúp nâng cao giá trị cây chè, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất này.

Tổng đội TNXP 8 đã tìm hiểu, lựa chọn đưa vào các giống chè shan có năng suất và chất lượng tốt, phù hợp là chè Shan Chất Tiền và Tham Vè, tiềm năng năng suất cao, thích hợp sản xuất thâm canh cao, chất lượng nguyên liệu tốt phù hợp chế biến thành sản phẩm chè chất lượng cao đáp ứng thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Với những kết quả bước đầu, dự án đã tạo tiền đề phát triển vùng nguyên liệu chè Shan ổn định, có năng suất chất lượng cao.

Vùng nguyên liệu chè công nghiệp của Nghệ An hiện lên tới trên 8.000ha, trải dài trên rất nhiều huyện, đặc biệt tập trung ở vùng đất trung du ở Anh Sơn, Thanh Chương, trong đó diện tích chè kinh doanh là hơn 6.000ha. Hàng năm, sản lượng chế biến chè của tỉnh ta đạt trên10 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu từ 5 -6 ngàn tấn, đạt kim ngạch trên 7 triệu USD, mang lại nguồn thu ngoại tệ ổn định.

Tuy nhiên, đánh giá lại một cách khách quan, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng chè chưa cao, giá bán thấp so với sản phẩm chè của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh ATTP khi xuất sang thị trường các nước châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng ngành Chè không đạt kế hoạch, sản lượng chè khô xuất khẩu những năm gần đây giảm. Nguyên nhân quan trọng là do sự phát triển ồ ạt của các cơ sở chế biến, nhất là các cơ sở chế biến thủ công. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 60 cơ sở chế biến chè thủ công có công suất từ 0,5-10 tấn/ngày hoạt động, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Chương với 54 lò. Thực trạng này rất dễ dẫn đến mất cân bằng giữa nguyên liệu và chế biến sản phẩm, đồng thời sản phẩm sau chế biến không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, hiện nay ở các vùng nguyên liệu đều sử dụng máy để thu hoạch chè, tuy nhiên lại khá phổ biến tình trạng người dân thu hái không đúng quy cách, làm giảm chất lượng sản phẩm chè thành phẩm, không những vậy còn có nguy cơ làm kiệt quệ cây chè và làm giảm tuổi thọ vườn chè.



Thu hoạch chè bằng máy tại Nông trường chè Ngọc Lâm (Thanh Chương).

Trong định hướng phát triển ngành chè công nghiệp những năm tới, tỉnh ta chủ trương đến năm 2015 ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè tại 32 vùng ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông và Kỳ Sơn với diện tích khoảng 1.000 ha chè kinh doanh, năng suất dự kiến đạt 200 tạ/ha, từ đó sẽ đạt được sản lượng 20 nghìn tấn, tương đương 4 nghìn tấn búp khô. Đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 107 vùng, với diện tích khoảng 3.500 ha chè kinh doanh, năng suất dự kiến tăng lên 2,5 tạ/ha và sản lượng đạt 87.500 tấn, tương đương 17.500 tấn búp khô, với giá trị xuất khẩu đạt tới 22 triệu USD.

Giám đốc Sở NN&PTNT- ông Hồ Ngọc Sỹ cho biết: Để có thể đạt mục tiêu đề ra, Nghệ An ưu tiên bố trí các vùng đất có điều kiện thuận lợi cho đầu tư sản xuất chè, quy mô tối thiểu một vùng có diện tích tập trung bằng hoặc nhiều hơn 10 ha, liền vùng liền khoảnh, thuận lợi về giao thông và đặc biệt là có điều kiện đáp ứng khả năng tưới.

Trong đó, với những đặc điểm của mình, Thanh Chương vẫn là địa phương có diện tích chè lớn nhất, lên tới 1.850 ha, Anh Sơn 1.000 ha, Con Cuông và Kỳ Sơn là 300 và 350 ha. “Cùng với đó, chúng tôi chủ trương nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến cả về công nghệ sinh học, công nghệ cơ giới hóa và tưới, để từ đó đầu tư phát triển sản xuất chè theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương với hiệu quả cao và bền vững.

Trong đó, vùng Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông chủ yếu sử dụng giống chè LDP1, LDP2, Kỳ Sơn chủ yếu sử dụng giống chè đặc sản Shan tuyết như LD97, TB14. Còn về thủy lợi, tùy vào điều kiện cụ thể của các vùng sản xuất để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập cung cấp nguồn nước tưới và giữ ẩm, hệ thống giếng khoan, ống dẫn để tưới cho các vùng chè”- ông Sỹ cho biết. Ngoài ra, tùy điều kiện và quy mô diện tích và khả năng đầu tư ở từng vùng để từng bước đưa các loại máy móc, thiết bị như máy hái chè, máy phun thuốc, vận chuyển có công suất tương ứng, phù hợp.

Đặc biệt, người sản xuất chè sẽ được tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT, quy trình ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra những sản phẩm chè an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Về phía tỉnh, cần có các cơ chế phù hợp để thu hút các tổ chức, cá nhân vào liên doanh liên kết phát triển sản xuất chè công nghệ cao và đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến.


Phú Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Sản xuất chè công nghệ cao - hướng đi hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO