Sản xuất công nghiệp, tồn kho giảm mạnh trong tháng Tết
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2012 đã giảm tới 12,9% so với tháng trước đó.
Về nguyên nhân, kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn kéo dài tới 9 ngày vừa qua là lý do chính khiến cho sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh. Cùng thời gian tháng Tết năm ngoái (tháng 2/2011), chỉ số này còn giảm tới trên 17%.
Cho nên, việc IIP giảm mạnh trong tháng qua không phải là đột biến lớn.
Tuy nhiên, việc chỉ số IIP tháng 1/2012 giảm tới 2,4% so với cùng kỳ là một khác biệt. Cùng kỳ Tết năm ngoái, chỉ số IIP tăng trưởng xấp xỉ 1%so với cùng kỳ năm trước đó. Diễn biến này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn những thách thức ở trước mắt.
Điểm đáng chú ý khác, tháng Tết năm ngoái, tổng mức bán lẻ loại trừ yếu tố giá tăng tới 8,7%, tuy nhiên năm nay mức tăng chỉ còn 4%, thể hiện cầu đã thu hẹp hơn nhiều và hỗ trợ ít hơn cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, lãi suất cao kéo dài tiếp tục là thách thức lớn đối với khả năng cầm cự của doanh nghiệp. Đồng thời, các chỉ số về giá bán sản phẩm người sản xuất hàng công nghiệp nhiều tháng nay đều có mức tăng thấp hơn chỉ số giá vận tải và giá bán nguyên liệu sản xuất.
Bình luận về tương quan các chỉ số này, đại diện Tổng cục Thống kê mới đây cũng khẳng định đây là biểu hiện những khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.
Cho nên, xu hướng điều chỉnh trong cân đối dòng tiền tại các doanh nghiệp công nghiệp thể hiện khá rõ trong giai đoạn gần đây. Dù đứng trước dự kiến tiêu thụ tăng trong tháng Tết, mức tồn kho có xu hướng giảm.
Trên thực tế, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến tháng 12/2011 tăng tới 6,2% so với tháng trước, cao gấp khoảng 2 lần so với tháng trước đó. Đây là một diễn biến khá thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ tồn kho từ giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho thời điểm 1/1/2012 đã giảm khoảng 3,1% so với tháng trước; so với cùng kỳ chỉ còn tăng 19,3%, thay cho mức tăng 23% cách đó 1 tháng.
Xét trong tương quan cùng kỳ Tết các năm trước, trong so sánh với mức tăng giá tiêu dùng nói chung, chỉ số tồn kho nói trên là khá thấp so với những giai đoạn trước có thời điểm tăng tới gần 40%.
Tuy nhiên, chỉ số tồn kho cao trong bối cảnh chính sách tiền tệ và tài chính thắt chặt cũng đưa đến những cảnh báo cho một số sản phẩm như động cơ các loại; xe máy; cáp quang; thép thanh, thép góc; sản phẩm kim loại gia dụng; phân hỗn hợp…
Theo NDHMoney