Sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ
(Baonghean) - Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho nông sản luôn là vấn đề đối với người dân, chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Tuy nhiên, đối với bà con nông dân huyện Anh Sơn, việc đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường, đến với người tiêu dùng không còn là điều gây nhiều lo lắng.
Doanh nghiệp thu mua ngô nông sản ở xã Tường Sơn. |
Gặp chị Nguyễn Thị Huệ khi chị đang cắm những cọc choải cuối cùng trên ruộng bí xanh, đưa ống tay áo quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Huệ cười thân thiện: “Riêng tiền chái nứa đã trên 3 triệu đồng, tiền lưới hơn 10 triệu đồng, thuê đất 10 triệu đồng, rồi chi phí phân bón. Vị chi trên 40 triệu đồng chưa kể công sá anh ạ!”. Hỏi ra mới biết gia đình chị Huệ ở xóm 5, xã Hoa Sơn nhưng tìm đến tận xã Thạch Sơn thuê đất trồng rau vụ đông. Chẳng phải tự dưng mà vợ chồng chị Huệ dám bỏ ra chừng ấy tiền đầu tư cho cây rau.
Người nông dân xưa nay một nắng hai sương, đồng tiền làm ra chẳng dễ dàng gì, lúc nào cũng phải căn cơ từng xu, từng bữa, huống hồ vợ chồng chị Huệ vốn thuần nông lại dám vay mượn đến gần năm chục triệu đồng để trồng rau trong một vụ. “Phải chắc mới dám làm” - lời nói như con dao sắc bập vào thân gỗ của người phụ nữ nhỏ nhắn cho biết, tư duy kinh tế của người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Chị Huệ khẳng định rằng, những năm gần đây, đầu ra cho hàng hóa nông sản, nhất là cây rau màu vụ đông không còn là điều khiến người nông dân nghi ngại. Đến mỗi đợt thu hoạch, xe ô tô vào thu mua tận ruộng, người sản xuất chẳng phải đi đâu xa. Theo “hạch toán” của vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ, gần 1 mẫu đất bầu bí của gia đình sau 3 tháng với mức giá trung bình từ 6000 đến 7000 đồng/1kg sẽ mang về trên 100 triệu đồng. Đó là chưa kể, vào cuối năm rau quả thực phẩm tăng cao, lời lãi cứ thế mà nhân lên.
Huyện Anh Sơn hiện có 17.500 ha đất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng được bố trí luân canh liên tục vào các vụ trong năm. Trong đó có gần 6.000 ha ngô, 1.800 ha mía, 155 ha chè. Riêng vụ đông có 3.019 ha ngô, trên 300 ha cây rau màu… Trên cùng đơn vị diện tích, nếu như trước đây đời sống của bà con nông dân chỉ lo đủ bữa ăn đã khó. Cây lúa, cây rau sản xuất ra cố gắng lắm mới đủ qua mùa giáp hạt, thì nay người nông dân đã hình thành tư duy sản xuất nông sản với tính chất là hàng hóa mang lại giá trị. Những người dân gắn bó với ruộng đồng đã nhìn thấy nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng vào mỗi mùa giáp hạt. Cây rau, dây bí, quả bầu cũng từ đó mà nảy mầm sau khi ruộng đất, bãi bồi vừa trải qua các đợt mưa lũ trong năm.
Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, việc hình thành thị trường tiêu thụ nông sản cho bài bản và logic thì vẫn đang ở giai đoạn ban đầu. Chủ yếu do bà con nông dân tự phát. Tuy nhiên điều “tự phát” của người trồng rau ở Anh Sơn rất đáng ghi nhận. Đó là các hộ sản xuất bầu, bí xanh tự liên kết để hình thành tổ hợp tác sản xuất. Hiện nay tại một số xã như Cẩm Sơn, Tường Sơn, Đỉnh Sơn… đã hình thành các tổ, nhóm gieo trồng, sản xuất bầu, bí. Mỗi tổ trên dưới 10 hộ nông dân. Mục đích cao nhất của việc liên kết là tạo sự thống nhất về vùng canh tác, đồng đều về chất lượng và tập trung khối lượng nông sản sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, việc thu gom cũng thuận tiện khi đưa nông sản ra thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Công Thế, đã liên tục mấy năm nay bầu, bí của bà con nông dân không phải mang đi đâu mà có doanh nghiệp rau quả từ ngoài Hà Nội vào thu mua tận ruộng. Giá cả được định đoạt theo nhu cầu của thị trường.
Điều tương tự cũng diễn ra với ngô nông sản. Bà con nông dân sản xuất đến đâu, tư thương đến thu mua hết đến đó. Nếu như ở nhiều địa phương đất đai vào vụ đông thường bị bỏ hoang thì ở huyện Anh Sơn, sản xuất vụ đông đã trở thành mùa cho thu nhập chính. Cây ngô vụ này với sản lượng trên 5 tấn/ha, giá thành dao động từ 6,5 đến 7 triệu đồng/tấn. Người dân hoàn toàn không còn phải lo ngô không có đầu ra. “Có những thời điểm, tư thương thu mua ngay khi ngô tươi đang ở trên ruộng” – ông Thế đã cho biết. Đặc biệt, ngay trên địa bàn huyện Anh Sơn đã hình thành 4 cơ sở dịch vụ sấy ngô ở các xã Đỉnh Sơn, Tường Sơn do tư nhân làm chủ. Điều này không chỉ cho thấy người nông dân nhanh nhạy trong việc đón bắt nhu cầu của thị trường mà đã góp phần rất lớn trong việc phục vụ sản xuất ngô nông sản vào mùa Đông thời tiết ít nắng, nhiều mưa ẩm.
Mặc dù chưa hình thành một quy trình chặt chẽ và khép kín từ khâu trồng trọt đến khi sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa đưa ra thị trường, song ở huyện Anh Sơn đã manh nha hình thành hệ thống sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trong xu thế mới. Cây chè là một ví dụ sinh động. Toàn huyện Anh Sơn hiện có 2.000 ha chè, trong đó có 1.700 ha đã đi vào kinh doanh ổn định. Hằng năm diện tích chè mở rộng từ 100 ha đến 120 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt từ 17.000 đến 20.000 tấn. Nói đến cây chè Anh Sơn, mọi người nghĩ ngay đến “thương hiệu” chè Gay thực phẩm ở xã Cao Sơn, hay chè búp ở các xã Hùng Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn. Hiện nay cây chè thực phẩm ở xã Cao Sơn đã có chỉ dẫn địa lý, chính quyền cơ sở đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đăng ký thương hiệu.
Chè búp ở Hùng Sơn cũng đã được đóng gói, có nhãn hiệu riêng biệt để khẳng định sản phẩm đặc trưng của một vùng địa lý. Và một điều quan trọng là trong những năm qua cây chè ở huyện Anh Sơn vẫn có chỗ đứng ổn định. Cuộc sống của những hộ dân trồng chè đang khá dần lên, có nhiều gia đình sung túc, giàu có nhờ cây chè. Để giải quyết đầu ra cho 2.000 ha chè của địa phương, hiện nay trên địa bàn Anh Sơn có 3 đơn vị thu mua chế biến chè, gồm Xí nghiệp chè Anh Sơn, Xí nghiệp Chè Bãi Phủ, Xí nghiệp Chè Hùng Sơn (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An). Nhưng chè nông sản không chỉ phụ thuộc vào những đơn vị kể trên. Góp phần cạnh tranh thị trường chè ở Anh Sơn còn có sự tham gia của 5 cơ sở tư nhân thu mua, chế biến chè. Các cơ sở này đóng tại các xã Cẩm Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn, Hùng Sơn. Sự xuất hiện của các tổ chức, đơn vị kinh tế đã tạo thuận lợi cho người nông dân trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường, gắn với nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân không chỉ hướng tới việc giải quyết nhu cầu thuần túy hộ cá thể mà đã hướng đến hình thành vùng sản xuất nông sản mang tính hàng hóa, chính quyền huyện Anh Sơn đã vào cuộc bằng việc tổ chức nhiều đợt tập huấn về sản xuất, bảo quản rau màu, nông sản thực phẩm. Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn đã đứng ra tham mưu, tổ chức, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, canh tác, tìm kiếm thị trường... Định hướng lâu dài của huyện Anh Sơn là hỗ trợ nông dân sản xuất rau màu, nông sản theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – VietGAP. Mục tiêu nhằm khẳng định chất lượng nông sản của địa phương, trên cơ sở đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Những ngày này đến Anh Sơn, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh của ngút ngàn đồng bãi. Nào bí, nào cải, nào đậu. Rồi cải bắp, dưa chuột, mướp đắng, su hào… Đây đó đã thấy xe sọt, xe thồ đến tận ruộng ồn ào ngã giá. Các xe ô tô cũng chờ sẵn để thu mua bí xanh, bí đỏ. Vụ thu hoạch của các hộ nông dân sẽ còn kéo dài đến ra Giêng. Và niềm vui của nhà nông cũng vì thế mà sang tới mùa Xuân. Không phải ngẫu nhiên mà nông dân ở Anh Sơn có được niềm vui trên đồng đất của mình. Kinh nghiệm – kiến thức – tư duy - đó là những yếu tố bà con tích lũy được cộng với sự quan tâm chỉ đạo đúng hướng của Đảng ủy, chính quyền địa phương nên đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa.
Bài, ảnh: Đào Tuấn