Sản xuất nông nghiệp an toàn
(Baonghean) - Nhật Bản là nước hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng rất quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam. Tại Nghệ An, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) có những dự án hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp. Hiện JICA rất quan tâm và mong muốn hỗ trợ Nghệ An trong lĩnh vực phát triển trồng rau an toàn, quản lý an toàn nông sản và quản lý giống…
Tại Nghệ An trong suốt 2 ngày (16 và 17/4), đoàn công tác của JICA đã đi thăm các vùng sản xuất rau sạch ở Thành phố Vinh, thăm vùng lúa bị nhiễm mặn, làm việc với các đơn vị quản lý giống, làm việc với các sở, ngành liên quan để có cái nhìn tổng quan về những lĩnh vực nông nghiệp mà Jica đang quan tâm chuẩn bị các bước đầu tư tại Nghệ An.
Tại các vùng thực địa, các điều phối viên của JICA đều ghi chép đầy đủ các thông tin mà họ quan tâm như tình hình phát triển các HTX nông nghiệp, về hạ tầng vùng rau, vùng lúa, về công tác quản lý đầu vào sản xuất, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Đại diện Sở NN & PTNT và các ngành cũng đã trao đổi với đoàn những thông tin cần thiết. Chị Nguyễn Thị Hằng - cán bộ Dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” của Jica cho biết: “Phía Nhật Bản rất quan tâm và ngạc nhiên là tại sao Việt Nam chỉ chú trọng đến sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp (chỉ chiếm 15%), trong khi đó không quan tâm đến sản phẩm nội tiêu, phục vụ cho chính mình và người dân của nước mình. Sản xuất rau an toàn hiện nay là đòi hỏi của toàn cầu.
Vấn đề an toàn thực phẩm hơn lúc nào hết đang được người dân và cơ quan quản lý rất quan tâm. Với mong muốn đưa đến những tiến bộ mới trong sản xuất và thay đổi nhận thức về sản xuất, tiêu thụ… chúng tôi đang tìm hiểu các bước để thực hiện dự án tại Nghệ An, đồng thời cung cấp cho bà con những thông tin về GAP cơ bản trong sản xuất”. Còn ông Phạm Văn Cường (Giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp 1) - Cán bộ Dự án JICA Việt Nam rất quan tâm về tình hình sản suất lúa trên đất nhiễm mặn ở Nghi Lộc đang rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, đoàn cũng dành thời gian đi kiểm tra và tìm kiếm thông tin liên quan về các giải pháp khắc phục.
Cán bộ Dự án JICA Nhật Bản khảo sát các mô hình sản xuất rau an toàn tại Nghi Liên, Thành phố Vinh. |
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất trong cả nước với 1.649 .000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 256 ngàn ha. Nghệ An có tiềm năng và kinh nghiệm thâm canh lúa nước, sản xuất rau màu và cây công nghiệp, hội đủ các lợi thế để phát triển. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2013 đạt 200 triệu USD. Mặc dù vậy, sản xuất nông lâm nghiệp của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, việc xác định và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn ít, dẫn đến năng suất các loại cây trồng, vật nuôi đang ở mức thấp hơn trung bình của cả nước, đồng thời chất lượng cũng chưa tương xứng. Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, công tác chế biến nông, lâm, thủy sản còn nhiều hạn chế. Sự liên kết từ sản xuất đến bảo quản, lưu thông, tiêu thụ cũng còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước các cấp, nhất là các cấp cơ sở đã tăng cường, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Chính vì vậy, nhu cầu hợp tác giữa JICA với Nghệ An trên lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng. Bởi Nhật Bản là một cường quốc về công nghệ và trong lĩnh vực nông nghiệp, dù sản lượng không lớn nhưng Nhật Bản rất chú trọng về chất lượng.
Theo ngài Mori Mutsuya, Trưởng đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam thì Nghệ An là một trong những tỉnh được hưởng tài trợ ODA của Nhật Bản từ nhiều năm nay. Tại Nghệ An, Nhật Bản hiện có 2 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD, ngoài ra còn có dự án mà JICA tài trợ như “Thúc đẩy quản lý tưới có sự tham gia của người dân”, Dự án “Quản lý sản xuất trồng rau an toàn”, “khôi phục nâng cấp hệ thống Thủy nông Bắc Nghệ An đảm bảo tưới cho trên 27.000 ha”. Ngoài ra là các dự án ODA mà tỉnh đang vận động cần sự hỗ trợ của JICA về thủy lợi, về nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch từ 2015 mà JICA dành cho Nghệ An là nâng cấp hệ thống Thủy nông Bắc, hỗ trợ sản xuất rau an toàn, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ HTX. Sau khi dự án kết thúc, địa phương cần nhân rộng mô hình để Jica tiếp tục triển khai ra các tỉnh khác. Nghệ An đã triển khai các chương trình: cánh đồng mẫu lớn, các chương trình liên kết 4 nhà, nông thôn mới… những hỗ trợ của JICA nếu kết hợp được với các chương trình trên sẽ mang lại hiệu quả cao.
Như vậy, chỉ trong thời gian 3 tháng, JICA đã về Nghệ An làm việc 2 lần, tìm hiểu cơ hội hợp tác và cho thấy những triển vọng mới về sản xuất sạch, hiệu quả trong nông nghiệp. Nhưng phía Nghệ An cần thực sự cầu thị, lắng nghe và tiếp nhận kinh nghiệm cũng như các hỗ trợ “phần mềm”, chứ không phải “phần cứng” (kênh mương, hạ tầng, cầu đường..), để những mô hình mới được sớm “đơm hoa kết trái”.
Châu Lan