Sản xuất phân vi sinh từ chế phẩm sinh học: Nông dân chưa mặn mà
(Baonghean) - Ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng là một hướng đi mới hiện nay. Trong khi trên thị trường, các loại phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng giá khiến nông dân lao đao, sản xuất thua lỗ, thì sản phẩm này đã được đánh giá là một giải pháp giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, tăng năng suất cây trồng, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, hiện nhiều nơi nông dân vẫn chưa mặn mà ứng dụng công nghệ này...
Mô hình trình diễn làm phân vi sinh tại Nghĩa Hành (Tân Kỳ). |
Việc ứng dụng thành công chế phẩm Compost Maker để sản xuất phân hữu cơ vi sinh trên địa bàn tỉnh, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện đã tạo ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất, tăng năng suất cây trồng từ 15-20%. Nhằm hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND. Theo đó, trong 3 năm (2012 - 2014), nông dân mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh được hỗ trợ kinh phí. Đối với các huyện miền núi cao: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông là 70%; 60% cho các huyện miền núi thấp: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thị xã Thái Hoà, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương; 50% cho các huyện, thành phố, thị xã còn lại với mức giá ổn định là 24.000 đồng/kg.
Sau 2 năm thực hiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã tiến hành sản xuất, đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hai huyện Anh Sơn và Tân Kỳ hàng năm có công văn đăng ký và thực hiện mua chế phẩm cung ứng cho người dân với mức hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện hơn 271 triệu đồng (2012 - 2013). Tới nay, trung tâm đã cung ứng 26.340 kg chế phẩm cho người dân tại Anh Sơn và Tân Kỳ. Thông qua Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ, phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Compost Maker cũng như quy trình bón loại phân trên một số đối tượng cây trồng chính của huyện đã được chuyển giao đến tận người nông dân theo phương thức cầm tay, chỉ việc, học đến đâu, thực hành ngay đến đó. Bên cạnh đó, trong 2 năm đầu tiên, huyện Tân Kỳ còn ban hành chính sách hỗ trợ nông dân 40% kinh phí mua chế phẩm Compost Maker. Như vậy, năm 2012 – 2013, nông dân Tân Kỳ được sử dụng chế phẩm Compost Maker sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoàn toàn miễn phí.
Gia đình bà Trịnh Thị Yến ở xóm 7, xã Nghĩa Hành, là 1 trong gần 2.000 hộ trên toàn huyện Tân Kỳ trong 3 năm nay đã tham gia sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chế phẩm Compost Maker. Từ ngày sản xuất phân hữu cơ vi sinh, trước tiên, nhà bà Yến dọn sạch được rác sinh hoạt cũng như các loại phế phụ phẩm nông nghiệp. Hiệu quả tiếp theo là giảm được chi phí mua phân bón cho cây trồng. Trước đây, với 8 sào ruộng cộng với hơn 2 mẫu đất chuyên trồng cây ăn quả gồm: chanh, thanh long và các loại rau màu, mỗi năm, gia đình bà Yến phải bỏ ra không dưới 2 chục triệu đồng tiền phân bón, chủ yếu là phân bón hóa học. Giờ bón phân hữu cơ vi sinh đã giúp gia đình bà không chỉ giảm được khoảng 2/3 chi phí phân bón, mà còn có thêm tiền nhờ năng suất cây trồng tăng lên từ 10 - 15%.
Nếu so sánh trên thị trường, 1 tấn phân hữu cơ sinh học do các doanh nghiệp sản xuất có giá không dưới 2,5 triệu đồng, trong khi đó, 1 tấn phân do nông dân dùng chế phẩm sinh học Compost Maker cùng với tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất chỉ dao động từ 400 - 500 ngàn đồng, chất lượng được đối chứng là như nhau, chưa nói là vượt trội hơn. Ông Trần Tử Bá – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ cho biết: “Phần lớn diện tích cây trồng của huyện là đất đồi, để giải quyết vấn đề đất cằn cỗi là vô cùng khó khăn. Sử dụng chế phẩm Compost Maker để sản xuất phân vi sinh giúp cải tạo đất tơi xốp hơn, không bị thoái hoá như khi sử dụng phân hoá học trong một thời gian dài; hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là cây chủ đạo của huyện như mía, ngô từ 50 tấn lên 80 tấn/năm. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có hiệu quả sâu rộng, thì trước hết các ngành chức năng cần có cơ chế hỗ trợ sâu sát hơn, các quy trình hướng dẫn dễ hiểu và dễ làm và nên tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ này trong thời gian tới”.
Tại huyện Anh Sơn, năm 2013, Ban Thường vụ Hội Nông dân đã phát động phong trào thi đua sản xuất phân vi sinh và đã chỉ đạo nông dân sản xuất được trên 6.000 tấn. Tiêu biểu như đơn vị Hùng Sơn, là đơn vị hiện nay có 500 ha chè công nghiệp. Xí nghiệp Chè Hùng Sơn đã thực hiện hỗ trợ 40%, còn lại kinh phí mua chế phẩm cho nông dân. Trong 3 năm, Hùng Sơn là đơn vị đi đầu và đã sản xuất trên 800 tấn. Các hộ dân khác, hàng năm bình quân sản xuất được từ 4 - 5 tấn để bón cho cây trồng như ở các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn và trong 6 tháng đầu năm 2014, đã vận động nông dân sản xuất được gần 2.000 tấn. “Các năm trước đây, cứ vào thời điểm nắng hạn như hiện nay, thì những đồi chè ở đây thường bị cháy khô, cây chè không có sản phẩm thu hoạch. Sự lạm dụng quá mức các loại phân vô cơ trong một thời gian dài đã khiến đất cằn cối. Kể từ ngày được bón phân hữu cơ vi sinh, những vùng đất ở đây đã giữ được độ ẩm, cây chè không còn chết khô mỗi khi vào mùa nắng hạn. Hiểu được tác dụng của chế phẩm Compost Maker trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh, từ năm 2009, Xí nghiệp Chè Hùng Sơn đã phối hợp với Sở KH&CN để chuyển giao quy trình sản xuất đến người nông dân, mang lại hiệu quả trong trồng trọt, hạn chế hiện tượng chết héo và chất tồn dư bảo vệ thực vật trong đất”, ông Nguyễn Hữu Quý - Phó Giám đốc Xí nghiệp Chè Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, chia sẻ.
Mặc dù lợi ích lớn, quy trình sản xuất không phức tạp, lại có chính sách hỗ trợ, nhưng thực tế, trong 3 năm qua nông dân chưa thực sự mặn mà sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chế phẩm sinh học Compost Maker. Nguyên nhân chính là do người nông dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lại thêm sự ngại khó trong quá trình tiếp thu và thực hiện. Hy vọng, trong thời gian tới, khi nhận thấy được lợi ích thực sự chế phẩm này cùng với việc tiếp tục triển khai kịp thời từ cơ quan chức năng, người nông dân sẽ hưởng ứng và chủ động tiếp cận phương pháp sản xuất hiệu quả này.
Thanh Hoa