Sản xuất tảo xoắn ở Quỳnh Lưu: Mô hình mới hiệu quả kinh tế cao
(Baonghean) - Vài năm trở lại đây, tảo xoắn Spirulina được người tiêu dùng quan tâm do có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho...
(Baonghean) - Vài năm trở lại đây, tảo xoắn Spirulina được người tiêu dùng quan tâm do có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Hàm lượng protein trong Spirulina cao nhất trong tất cả các loại thực phẩm hiện nay (chiếm 56-77%), hàm lượng vitamin vô cùng phong phú, các nguyên tố vi lượng như K, Mg, Fe, Mn, Zn cũng rất cao có lợi cho hoạt động của hệ thần kinh và tim mạch, chống lão hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư và kích thích sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân có hại từ bên ngoài…
Chính vì thế, Spirulina đã được coi là một loại thực phẩm chức năng, một loại thức ăn tốt cho sức khoẻ và đã được nhiều nước, đứng đầu là Mexico, Mỹ, Nhật, Đài Loan… đưa vào nuôi trồng công nghiệp và sử dụng rộng rãi dưới nhiều dạng chế phẩm khác nhau với sản lượng hàng trăm tấn ở mỗi nước một năm.
Tảo xoắn Spirulina. Ảnh: P.V
Ở nước ta, sản phẩm chiết xuất từ tảo xoắn còn rất ít, tỷ lệ ngoại nhập chiếm trên 70% và giá cả vẫn còn đắt đỏ. Hiện đã hình thành một số cơ sở nuôi trồng, sản xuất chế phẩm từ tảo xoắn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Đồng Nai… Còn miền Bắc và miền Trung, nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn trong nuôi trồng tảo thì thị trường vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Nắm bắt thông tin về giá trị to lớn, cũng như nhu cầu về tảo Spirulina trong nước và thế giới, mô hình nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn của bà Trần Thị Thao, xóm 6, Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu ra đời, đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình nuôi trồng sản xuất tảo Spirulina trên đất nông nghiệp nghèo dinh dưỡng Quỳnh Lương.
Mô hình nuôi trồng tảo Spirulina này không quá phức tạp, bao gồm hồ nuôi bằng xi-măng hoặc bê-tông xi-măng chịu kiềm, mái che kiểu nhà kính, hàng rào bằng cây xanh quanh hồ để chống bụi và các xâm nhiễm khác. Với quy trình này, tảo sau khi thu hoạch được đưa ngay vào quá trình tách chiết. Tảo Spirulina ở dạng khô được đóng gói, bảo quản để làm nguyên liệu thuốc.
Thời gian nuôi một lứa kéo dài liên tục khoảng 90-120 ngày, thời gian thu hoạch một lứa là 8-15 ngày. Quy trình ươm nuôi đến khi cho ra sản phẩm bao gồm các bước: Sau khi được nhân cấy trong phòng giống cấp 1, tảo được chăm sóc theo một chế độ nghiêm ngặt duy trì liên tục nguồn sục khí oxy và ánh sáng, từ 3 - 5 ngày, sau đó cho ra phòng giống cấp 2 theo tỷ lệ phù hợp, phát triển trong khoảng 5-7 ngày giống cấp 2 được cho ra bể nuôi ngoài trời. Khi tảo được thả ra bể nuôi phải hạn chế tối đa sự xâm nhiễm từ bên ngoài như gió bụi, côn trùng… Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra nồng độ pH cho tảo, kiểm tra phân tích hoá nghiệm tỷ lệ nồng độ vi lượng để có sự phát triển phù hợp nhất.
Để sản xuất được sản phẩm tảo Spirulina đòi hỏi sản xuất phải đảm bảo đúng quy trình, đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Điều kiện sản xuất giống tảo đòi hỏi phải vô trùng, các thiết bị chai lọ nuôi cấy phải được hấp sấy tiệt trùng nghiêm ngặt. Nếu chủ quan, bất cẩn trong khâu nào đó, tảo bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, nhiễm tảo lạ mà không phát triển được.
Ngoài tác dụng hữu ích đối với sức khoẻ con người, các sản phẩm thứ cấp của tảo xoắn Spirulina còn dùng làm thức ăn rất tốt cho các loại thuỷ sản nuôi trồng khác như: tôm, cua, ngao, sò… thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi thuỷ sản ven bờ. Nhờ đó, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Ngoài ra, sản phẩm thứ cấp của tảo xoắn cũng bổ sung nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bền vững và là nguồn phân bón hữu cơ cho các loại rau xanh, hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu.
Với công nghệ nuôi trồng tảo xoắn này, các sản phẩm sạch của tảo Spirulina được sản xuất ổn định và có hiệu quả kinh tế, thu hoạch liên tục nhiều thế hệ Spirulina sau một lần nhân giống. Hiện nay, mô hình nuôi trồng này đã được đưa vào ứng dụng với quy mô nuôi ngoài trời khoảng 5000m2. Bình quân trên 1ha sản xuất vi sinh vật tảo xoắn thu hoạch được 5 tấn bột tảo/năm, đạt giá trị 5 tỷ đồng (1kg tảo bột giá 1 triệu đồng, trong khi đó, hiện nay người nông dân sản xuất nông nghiệp chỉ đạt phổ biến từ 30-50 triệu đồng/năm/ha).
Bà Thao cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất tảo xoắn trên diện tích 1-2ha, tăng cường các công nghệ, thiết bị sản xuất, làm phong phú thêm các mặt hàng về tảo, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng không chỉ trong nước mà hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Có thể nói, hướng nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn đang là một hướng đi mới, tích cực lần đầu tiên xuất hiện ở Nghệ An và miền Trung. Sản xuất tảo xoắn theo hướng công nghệ sinh học đã tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Điều đáng quý là người lao động đã dần biết tiếp cận với công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất để cho ra đời sản phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế cho địa phương.
Trần Hoa (TT Thông tin KHCN và Tin học)