Sáng kiến robot làm bạn trò chuyện với trẻ tự kỷ
Sáng 24-7, Tập đoàn FPT – đơn vị tổ chức cuộc thi viết ứng dụng trên robot (S.M.A.C Challenge) đã công bố danh sách 16 đội lọt vào vòng 2.
Trong tốp 16, có đến 10 ứng dụng mang giá trị xã hội cao, giúp robot Smartoshin (do FPT phát triển) trở thành người trợ lý đắc lực cho con người. Đơn cử như robot làm bạn trò chuyện với trẻ tự kỷ, Robot trợ giúp người khuyết tật, hỗ trợ người dùng xem tivi...
Trong số các đội tham gia cuộc thi, Đại học Bách Khoa Hà Nội chiếm ưu thế khi góp mặt 6 đội vào tốp 16. Học viện Bưu chính Viễn thông đứng thứ 2 với 3 đội. 7 đội còn lại lần lượt đến từ 7 trường, gồm: Đại học FPT, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Khoa học -Tự nhiên, Đại học Thành Đô.
16 đội nói trên đã hoàn thành xuất sắc phần thi “Viết ứng dụng hỏi đáp thông minh trên nền tảng Android”. Tiêu chí chấm điểm trong phần thi này dựa trên 5 yếu tố, gồm: cơ sở dữ liệu, giao diện ứng dụng, mức độ thân thiện với người dùng, mức độ đa dạng tính năng, khả năng hoạt động trong thực tế. Trong đó, cơ sở dữ liệu là tiêu chí quan trọng nhất, chiếm gần 50% tổng số điểm.
Các ứng dụng mang giá trị xã hội cao cũng được nhiều đội tập trung nghiên cứu, như: robot làm bạn trò chuyện với trẻ tự kỷ, robot trợ giúp người khuyết tật, làm bác sỹ, y tá trong gia đình (phù hợp với xu thế phát triển các thiết bị y tế có thể mang theo người - Healthcare wearable)....
Ngoài ra, một số đội còn phát triển ứng dụng cho kinh doanh, như robot SmartBank – hỗ trợ dịch vụ ngân hàng, robot bán điện thoại di động…
Theo SGGP