Sáng mãi phẩm chất người lính

06/12/2013 11:21

(Baonghean) - Hoàn thành nghĩa vụ với quê hương đất nước, trở về địa phương, các thế hệ cựu chiến binh vẫn không ngừng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giáo dục con cháu, xây dựng gia đình no ấm, nêu gương sáng trong mọi hoạt động xã hội...

Chúng tôi về xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) vào những ngày đầu tháng 12. Thời điểm này, địa phương đang có nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam. Tại sân bóng chuyền trụ sở UBND xã, người dân tập trung theo dõi giải bóng chuyền cựu chiến binh, tiếng reo hò, vỗ tay, bình luận rôm rả. 14 chi hội cựu chiến binh ở xã là 14 đội, các đội được chia thành các bảng, thi đấu vòng tròn. Đang mải mê theo dõi, một cái đập vai mạnh mẽ của người đàn ông bên cạnh “Hay! Chú thấy đội tớ đánh được không?”

Ngoảnh lại, tôi bỗng nhận ra đó là ông Nguyễn Văn Đệ, 64 tuổi, Chi hội trưởng cựu chiến binh xóm 12. Đã nghỉ hưu 20 năm nay và chừng ấy thời gian làm chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ở địa phương nhưng lòng nhiệt tình với phong trào Hội trong ông chưa lúc nào vơi. “Về xóm tớ ăn cháo gà liên hoan nào. Mấy bà trong chi hội nấu rồi”, ông Đệ nhiệt tình mời. Không phụ lòng nhiệt tình của ông nhưng nghĩ đến quãng đường vào xóm 12 vừa xa đất sạt lở, nhão nhoét khiến chúng tôi không khỏi nản lòng.

Dường như đọc được suy nghĩ, ông Đệ trấn an ngay “Vào thôi. Năm nay với sự năng nổ, nhiệt tình chi hội cựu chiến binh đã vận động mở đường liên xóm, nội xóm, xương cá rộng rãi, làm đường bê tông chắc chắn. Đường “ngon” lắm rồi không còn khó khăn như xưa đâu”. Đi trên con đường liên xóm về xóm 12 rộng 7 mét, ông Đệ cho hay: Năm 2011, Lĩnh Sơn bắt tay xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền xác định lấy hội cựu chiến binh làm nòng cốt, hạt nhân của phong trào. Ở xóm 12, sau khi được quán triệt chủ trương, các hội viên mừng lắm, bởi xây dựng nông thôn mới sẽ làm thay đổi toàn diện vùng quê. Việc đầu tiên là phải khắc phục hạn chế đường giao thông, đường phải rộng, phải chắc mới là nền móng của đổi mới.

Nghĩ là làm, 37 hội viên cựu chiến binh xóm 12 đã tỏa đi vận động 148 hộ dân trong xóm hiến đất, góp ngày công, vật liệu cát sỏi để mở đường: Đất thì quý như vàng thật nhưng không có đường thuận lợi, nông sản không được vận chuyển ra thì đó là vàng non, kém giá trị. Để làm gương, cựu chiến binh trong xóm tiên phong thực hiện. Gia đình ông Nguyễn Văn Đệ là người đầu tiên hiến 96m2 đất, các hội viên khác như Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Hồng Khanh, Nguyễn Hữu Kình... nối tiếp.

Năm 2011, xóm 12 đã có thêm 300m2 đất để mở rộng đường; năm 2012 có thêm 1.800m2 đất để mở rộng đường, năm 2013 là 3.600m2. Mỗi đoạn mở thêm khoảng 1 mét – 1,5 mét đã khiến 11 km đường ở xóm 12 đi lại thuận tiện hẳn. Đường liên xóm, nội xóm đã mở mang từ 6-7 mét. Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lĩnh Sơn cho biết: “Cựu chiến binh xóm 12 chính là điển hình trong phong trào hiến đất, hiến cây, hiến vật kiến trúc để làm giao thông nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới của xã. Trong năm 2012, Hội Cựu chiến binh xã đã có 194 hộ hiến đất với 29.573 m2 trị giá 1.682 triệu đồng, huy động được 1.406 ngày công trị giá 289 triệu đồng.

Chia tay các cựu chiến binh xóm 12, theo chân ông Nguyễn Văn Đồng chúng tôi về thăm xưởng gỗ của cựu chiến binh Nguyễn Bá Thức ở xóm 8, xã Lĩnh Sơn. Năm 1990, rời quân ngũ anh Thức về quê. Vốn là người cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo cũng như luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Có độc lập, tự do rồi mà dân còn đói, rét thì độc lập, tự do có ích gì”, anh Thức quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bằng cách mở xưởng mộc dân dụng. Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng học hỏi vươn lên, xưởng mộc của anh phát triển và ngày càng được nhiều người ở xã, ở huyện Anh Sơn, Đô Lương đến đặt hàng, tạo việc làm cho 10 lao động.

Xưởng mộc của cựu chiến binh Nguyễn Bá Thức, xóm 8, xã Lĩnh Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng mộc của cựu chiến binh Nguyễn Bá Thức, xóm 8, xã Lĩnh Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Nguyễn Bá Thức chia sẻ: “Xưởng ổn định rồi thì mình nghĩ đến việc làm giàu và tạo việc làm cho lao động địa phương. Xưởng không ngừng nhận thợ học việc, rồi tuyển lao động. Đến nay 10 thợ là những thanh niên trong xã có thu nhập ổn định (7-8 triệu đồng/tháng). Gia đình tôi xây dựng được nhà hai tầng khang trang, thu nhập đạt khoảng 150 triệu đồng/năm...”. Với nhiều người dân xã nghèo này, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Bá Thức chính là hình ảnh điển hình để học tập, noi theo.

Ông Trần Văn Thuận - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn chia sẻ: Ở huyện, các cựu chiến binh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như nuôi ong, cá, nhím, ếch, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả. Điển hình như: Hội Cựu chiến binh xã Bình Sơn trồng 200 ha rừng, xã Vĩnh Sơn 80 ha, Hội Cựu chiến binh thị trấn phát triển 2 mô hình dịch vụ thương mại, cơ khí; xã Cao Sơn, Khai Sơn phát triển dịch vụ vận tải nhỏ. Thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới, đến tháng 10/2013, có 730 hộ hội viên tham gia hiến đất với gần 70.000m2, 200m tường rào, giải tỏa 141.100 mét hành lang giao thông, tham gia 18.000 ngày công, đóng góp trên 2 tỷ đồng.

Mãi mãi là người lính Cụ Hồ, ở bất cứ đâu, thời điểm nào, các cựu chiến binh luôn tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ. Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối 15, phường Hà Huy Tập, ông Mai Văn Khúc tâm tình: Là một đảng viên, một cựu chiến binh thì sẽ không có tuổi hưu. Luôn tận tụy, sống hết lòng với nhân dân, với sự nghiệp chung chính là tâm nguyện của mỗi người lính Cụ Hồ...

Ông Khúc đã sống như tâm nguyện của mình. 15 năm qua, kể từ ngày về hưu, ông làm khối trưởng, Bí thư chi bộ và bây giờ là chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh. Việc làng, việc nước lần lượt đến tay, không một ngày nghỉ ngơi, từ đi đầu trong các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và chăm lo cho hộ nghèo đến gặp gỡ, động viên người cai nghiện hồi gia, người lầm lỡ; vận động người dân trong khối tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương...

Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh Thành phố Vinh: Có tới 71% cán bộ khối xóm, đến đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong thành phố chính là hội viên Hội Cựu chiến binh. Với uy tín cá nhân và kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng, hội viên cựu chiến binh đã góp phần tạo nên sự đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương, xây dựng thế trận an ninh - quốc phòng. Lực lượng cựu chiến binh còn tích cực tham gia huấn luyện dân quân tự vệ, tuần tra canh gác.

Những chuyến công tác ngược xuôi trên các nẻo đường trong tỉnh đã giúp chúng tôi gặp gỡ những cựu chiến binh luôn vẹn nguyên ý chí người lính Cụ Hồ sống bình dị lặng lẽ mà cao quý: Đó là già làng Kha Thiên Phúc, nguyên Chủ tịch xã Hữu Dương, huyện Tương Dương (cũ), nay ở bản Nhạn Pá, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) không ngừng trăn trở, giáo dục con cháu, mọi người bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa; là những cựu chiến binh lặng lẽ khoác ba lô về lại chiến trường xưa để tìm những đồng đội của mình còn nằm lại ở đó; là những cựu chiến binh tình nguyện trông coi các di tích lịch sử văn hóa để có điều kiện giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ...

Thành Chung

Mới nhất

x
Sáng mãi phẩm chất người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO