Sáng ngời tấm gương trung kiên, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản(*)

11/11/2012 16:41

(Trích diễn văn của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày...

(Trích diễn văn của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Tiềm)

(Baonghean.vn) - …Đồng chí Nguyễn Tiềm sinh năm 1912, tại làng Dương Liễu (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn), trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng, có nhiều sĩ phu nổi tiếng, nhiều danh nhân hào kiệt, tiêu biểu cho bản lĩnh và khí phách của một dân tộc anh hùng; tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Nguyễn Tiềm đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước, quyết đi theo con đường cách mạng để cứu nước, cứu dân.



Lãnh đạo tỉnh trồng cây tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm

Năm 1926, sau khi thi đậu và vào học Trường Quốc học Vinh, Nguyễn Tiềm đã tham gia các phong trào yêu nước do Hội Phục Việt tổ chức, đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, dự Lễ truy điệu vào ngày giỗ đầu của cụ Phan Chu Trinh. Cuối năm 1927, Nguyễn Tiềm được kết nạp vào tổ chức "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội", đồng chí đã cùng với hai hội viên khác lập thành tiểu tổ "Hội Thanh niên", hoạt động ở Trường Quốc học Vinh. Từ đó, Nguyễn Tiềm càng có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, ra sức tuyên truyền lý tưởng cách mạng vô sản trong hàng ngũ học sinh.

Tháng 6/1929, tiểu tổ "Hội thanh niên" ở Trường Quốc học Vinh được chuyển thành chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, Nguyễn Tiềm được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Cuối năm 1929, Tổng Sinh hội Nghệ An được thành lập. Là người đứng đầu Tổng Sinh hội, Nguyễn Tiềm chuyển tổ chức Sinh đoàn Trường Quốc học Vinh thành Sinh hội của Đông Dương Cộng sản Đảng. Báo Hồng Sinh của Sinh hội cũng được đổi thành báo Xích Sinh của Tổng Sinh hội Nghệ An do Nguyễn Tiềm làm chủ bút. Ngoài nội dung tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, báo Xích Sinh đã kịch liệt phê phán nhận thức sai lệch về chủ nghĩa cộng sản, kêu gọi học sinh đấu tranh chống luật lệ hà khắc trong nhà trường và đòi quyền tự do dân chủ. Ngày 3/3/1930, Nguyễn Tiềm bị đuổi ra khỏi Trường Quốc học Vinh.

Tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm được Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ chỉ định vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Nghệ An, phụ trách tuyên truyền. Tháng 10/1930, tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; cuối tháng 5/1931 được bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền. Mặc dù bị địch truy lùng ráo riết, nhưng đồng chí vẫn bám sát quần chúng để lãnh đạo, duy trì hoạt động của Xứ ủy. Do lăn lộn nhiều với phong trào đấu tranh cách mạng, trong điều kiện khó khăn, gian khổ, lại làm việc quá sức nên đồng chí bị bệnh nặng, được tổ chức đưa đến một cơ sở cách mạng ở Vinh để điều trị. Ở đây chưa được một tuần, đêm 17/11/1931, đồng chí bị địch bắt khi còn trên giường bệnh.

Trong những ngày ở nhà lao Vinh, đồng chí Nguyễn Tiềm vừa phải chống đỡ với bệnh tật, vừa chịu đựng những trận đòn tra tấn dã man của địch, đồng chí vẫn kiên trung, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Không khuất phục được ý chí sắt thép của đồng chí, ngày 19/1/1932, Toà án Nam Triều tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình Nguyễn Tiềm. Nhưng trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, ngày 21/6/1932, Toà khâm sứ Trung Kỳ buộc phải giảm xuống án khổ sai chung thân và đày Nguyễn Tiềm vào nhà tù Lao Bảo. Bị tra tấn dã man và những cơn bạo bệnh, đồng chí đã hy sinh vào ngày 11/10/1932 tại nhà tù Lao Bảo, khi mới 20 tuổi.

...Đồng chí Nguyễn Tiềm đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã sớm thể hiện đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của người cộng sản, cống hiến hết sức quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tiềm đã sớm tham gia các phong trào yêu nước và tích cực hoạt động cách mạng, trở thành chiến sỹ cộng sản ngay từ khi đang còn là học sinh ở Trường Quốc học Vinh. Đồng chí đã đưa phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên Nghệ-Tĩnh phát triển hòa nhịp với phong trào cách mạng của công nhân và nông dân.

Đồng chí Nguyễn Tiềm là người lãnh đạo vững vàng, tài năng và đầy sáng tạo. Là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, vào lúc phong trào cách mạng ở tỉnh đang lên cao, nhiều phủ, nhiều huyện, dân biểu tình kéo đến bao vây huyện đường, đốt phá công sở, nhà lao, giải thoát cho các chiến sỹ cách mạng; Tri huyện và nha lại, số bỏ trốn, số đầu hàng cách mạng, bộ máy hào lý ở nông thôn tan rã, chính quyền Xô-viết ra đời ở nhiều nơi và làm chủ mọi mặt ở nông thôn. Tình hình ấy đặt ra biết bao vấn đề mới mẻ, đòi hỏi Tỉnh ủy phải kịp thời giải quyết. Đồng chí Nguyễn Tiềm đã hòa mình trong không khí đấu tranh cách mạng sục sôi của quần chúng, lăn lộn, bám sát cơ sở, phát động, cổ vũ, lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, làm việc quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Sau cao trào Xô-viết, thực dân Pháp và tay sai tập trung lực lượng, thẳng tay đàn áp, điên cuồng trả thù phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh. Trong khi đó, mùa màng lại bị mất do hạn hán, nhân dân thiếu đói. Trước tình hình ấy, đồng chí Nguyễn Tiềm đã cùng với Tỉnh ủy vừa chăm lo củng cố tổ chức, đối phó với cuộc khủng bố trắng của địch, vừa giải quyết những khó khăn về đời sống cho cán bộ và nhân dân. Dưới sự chủ trì của đồng chí, Tỉnh ủy đã họp đánh giá tình hình mọi mặt và đề ra một số chủ trương mới để lãnh đạo phong trào cách mạng. Về chính trị, tập trung vận động nhân dân không nhận thẻ quy thuận, không rước cờ vàng; rải truyền đơn kêu gọi binh lính không được bắn giết nhân dân tham gia các cuộc đấu tranh, không đốt phá nhà dân. Về kinh tế, phát động phong trào tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, vay lúa cứu đói cho dân, thành lập các cơ sở chữa bệnh cho dân và cán bộ. Một làng bị địch khủng bố, các làng khác nổi dậy phản đối. Một gia đình bị địch tàn phá, các gia đình xung quanh góp tre dựng lại nhà và góp gạo cứu đói. Một người bị bắt, cả làng tổ chức giải vây. Đồng thời, củng cố lực lượng tự vệ, tăng cường giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Sự lãnh đạo vững vàng, đầy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Tiềm đã góp phần quan trọng khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Tiềm là tấm gương mẫu mực về người lãnh đạo kiên trung, hết lòng tin tưởng ở nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng bào. Là một học sinh mới rời ghế nhà trường, được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ trọng trách, Nguyễn Tiềm đã tự rèn luyện mình để gần gũi với nhân dân. Đồng chí đã nhuộm răng đen, mặc quần áo nâu, đi chân đất như mọi người dân lao động; luôn hòa mình vào quần chúng, dựa vào sự giúp đỡ và bảo vệ của nhân dân. Đồng chí đã cử nhiều cán bộ về phát động phong trào ở các phủ, huyện phía Bắc, làm cho các nơi này tiến lên đồng đều với các nơi khác trong tỉnh; trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh vay lúa cứu đói của nhân dân huyện Anh Sơn; vận động các thầy thuốc tốt lập cơ sở chữa bệnh, vận động nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng những người bị đau yếu. Những ngày tháng bị giam ở nhà lao, bị xiềng chặt và tra tấn dã man suốt ngày đêm, bệnh tật và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân.

Tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Nguyễn Tiềm vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản mãi mãi sáng ngời cho chúng ta học tập, noi theo.

…Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Tiềm là dịp để chúng ta ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí, từ đó để học tập, phấn đấu theo gương đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc...

Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Tiềm và các bậc cách mạng tiền bối, chúng ta quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác; xây dựng Đảng ta ngày càng trọng sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân; động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
----------------
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.


P.Đ.T

Mới nhất
x
x
Sáng ngời tấm gương trung kiên, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản(*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO