'Sao con lại ăn lá ngón, mẹ đau lòng lắm'

Hoài Thu 09/09/2019 16:53

(Baonghean.vn) - "Sao con lại ăn lá ngón, mẹ đau lòng lắm" - tiếng khóc ai oán của một người mẹ ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn khi đứa con gái duy nhất không nói một lời từ biệt với mẹ, với gia đình khi quyết định vào rừng hái lá ngón ăn để chết. Con gái chết đi, người mẹ đau khổ, nhớ thương con đến héo mòn, ốm đau liên miên.

Những cái chết không báo trước

Những cái chết vì lá ngón để lại hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân cũng như cộng đồng xã hội tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây. Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ phải xóa bỏ, bài trừ cây lá ngón, mà còn phải xóa bỏ tư tưởng coi nhẹ mạng sống vẫn còn tồn tại trong cộng đồng.

Trong một chuyến công tác đến xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn - xã biên giới có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, khi được hỏi về tình trạng người dân tìm đến cái chết bằng lá ngón, ông Già Chồng Nênh – Bí thư Đảng ủy xã ngậm ngùi: “Hầu như năm nào ở xã cũng xảy ra những vụ việc người tử vong liên quan đến cây lá ngón. Hiện trên địa bàn cây lá ngón còn nhiều lắm, vẫn chưa triệt xóa hết được loại cây chết chóc này”.

Vị Bí thư đảng ủy xã mái đầu đã ngả nhiều sợi bạc, gương mặt trầm tư kể về những cái chết đáng tiếc của dân bản bằng thứ lá kịch độc. Ngay trong họ hàng của ông, năm 2017, cô con dâu của anh trai ông cũng đã từ bỏ mạng sống của bản thân, từ bỏ gia đình bằng cách ăn lá ngón khi tuổi đời còn trẻ, vợ chồng ở với nhau chưa được bao lâu và chưa có con. Năm 2018, có trường hợp ông Xồng Nhìa Xấu ở bản Phà Tả cũng đã tìm đến cái chết bằng lá ngón…

Các gia đình ở Đoọc Mạy (ảnh trên), Na Ngoi (ảnh bên trái) làm lễ tang cho người thân tự tử vì lá ngón và trường hợp tử vong do ăn lá ngón ở xã Phà Đánh. Ảnh tư liệu

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng như khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Với chiếc điện thoại kết nối internet, chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm 2 từ “lá ngón”, hàng trăm ngàn kết quả sẽ xuất hiện chỉ sau vài giây đồng hồ. Những dòng thông tin liên quan đến 2 từ này đập vào mắt người xem chủ yếu là những vụ việc người dân tìm đến cái chết bằng lá ngón với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dòng hiển thị mới đây nhất về thông tin “lá ngón” là vụ tự tử không thành của nam thanh niên ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). “Lúc 18h30 phút chiều 7/8/2019, Quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (BĐBP Nghệ An) nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra vụ tự tử bằng lá ngón. Nạn nhân là anh Cự Bá T (SN 1987), trú tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn, do mâu thuẫn với người yêu nên đã ăn lá ngón tự tử. Nhận được tin báo, Đại úy Hồ Xuân Vượng, quân y Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn lập tức có mặt tại gia đình nạn nhân.

Sau gần 1 giờ tích cực cấp cứu nạn nhân đã qua cơn nguy kịch”. Không may mắn được cứu sống như Cự Bá T, đầu tháng 7/2019, tại xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), em Và Y Ua (SN 2002) và Vừ Bá Nênh (SN 2003) đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách ăn lá ngón khi mới bước vào tuổi 16, 17. Ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), tháng 8/2019 cũng vừa xảy ra trường hợp đôi nam nữ thanh niên ở bản Phù Khả tự tử bằng lá ngón khi tuổi đời còn chưa đến mười tám, đôi mươi...

Mới đây nhất, ngày 8/9, ở xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn cũng có 1 trường hợp ăn lá ngón chết. Bình luận về thông tin này trên facebook, nhiều người dân được huyện Kỳ Sơn bày tỏ quan điểm cần phải loại bỏ cây lá ngón để không còn những sự việc đau lòng như vậy xảy ra nữa.

Nỗi đau người ở lại

Đối với một số địa bàn miền núi Nghệ An, những vụ việc tự tử bằng lá ngón không còn là chuyện lạ. Chị Vi Thị Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) cho biết: “Trên địa bàn xã, mỗi năm xảy ra 1 - 2 trường hợp ăn lá ngón tự tử, nhất là vài năm về trước và chủ yếu rơi vào học sinh lớp 8, lớp 9. Trước khi tìm đến cái chết bằng lá ngón, các nạn nhân thường không hề để lộ biểu hiện nào để người thân có thể phát hiện, ngăn chặn sự việc đau lòng xảy ra”. Chị Oanh cũng cho biết, người chết thì thiệt thòi cuộc đời, nhưng những người thân còn sống thì gánh chịu đau khổ suốt đời.

Một gia đình ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) đau khổ kể lại sự việc con gái ăn lá ngón tự tử. Ảnh: Đào Thọ

Như trường hợp bà Vi Thị Hương, dì ruột của chị Oanh. Bà Hương có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Cô con gái là người luôn gần gũi với mẹ, hai mẹ con bà Hương rất quấn quýt nhau. Song cách đây mấy năm, bỗng nhiên bà Hương nhận được hung tin con gái mình tử vong do cô vào rừng hái lá ngón ăn. Tin như sét đánh ngang tai, bà Hương buồn rầu, khóc cạn nước mắt, vật vã vì thương nhớ con gái "Sao con lại ăn lá ngón, mẹ đau lòng lắm".

Đến nay, đã mấy năm trôi qua, người mẹ ấy ngày ngày vẫn thường ngồi thẫn thờ bên bậc cửa, thương nhớ đứa con gái duy nhất, rồi sinh ra bệnh tật, ốm đau, sức khỏe ngày càng giảm sút. “Ai cũng động viên bà Hương đừng đau buồn nữa, nhưng bà vẫn suy nghĩ nhiều đến héo hon, không làm được gì cả” - chị Vi Thị Oanh cho hay.

“Người chết thì thiệt thòi tính mạng, song người thân còn sống thì gánh hậu quả, nhất là nỗi đau về mặt tinh thần” - ông Già Chồng Nênh - Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy thở dài. Ngay trong gia đình của anh trai ông Nênh, khi cô con dâu do mâu thuẫn vợ chồng mà dại dột tìm đến cái chết bằng lá ngón, hai bên gia đình thông gia hụt hẫng, rồi sinh ra mâu thuẫn nhau.

Tuy đến nay mâu thuẫn đã được hóa giải, nhưng khoảng trống trong lòng những người ở lại vẫn còn tồn tại mãi. Hoặc như đối với gia đình ông Xồng Nhìa Xấu ở bản Phà Tả, năm 2018 khi ông Xấu tự tử bằng lá ngón, để lại vợ và 3 đứa con còn tuổi ăn, tuổi học. Mất đi người trụ cột trong nhà, vợ ông Xấu chỉ biết gạt nước mắt nhìn 3 đứa con còn nhỏ dại mà khóc ròng vì tương lai mù mịt của 4 mẹ con...

Cây lá ngón là một loại cây leo thân quấn, phát triển khá phổ biến ở miền rừng núi. Thân cây có khía. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt, hoa màu vàng. Là loài cây ưa sáng nên thường mọc chỗ đất trống, bìa rừng, ven đường.

Cuộc chiến tư tưởng

Nhận thấy tình trạng người dân tìm đến cái chết do ăn lá ngón không suy giảm. Riêng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mỗi năm có ít nhất 5 người chết vì ngộ độc lá ngón. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã trăn trở tìm giải pháp hạn chế, ngăn chặn mối họa này. Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn Vũ Thị Huyền cho biết, Hội LHPN huyện đã và đang quyết tâm thực hiện “cuộc chiến” loại bỏ thứ cây chết chóc ấy ra khỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các xã biên giới.

Một ngày cuối tháng 8/2019, chị Vũ Thị Huyền và gần 40 hội viên Câu lạc bộ "Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới" cùng cấp ủy, chính quyền, người dân xã Đoọc Mạy đã phối hợp với các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Loi đã khởi động phong trào nhổ bỏ cây lá ngón. Khi đưa ra chủ trương này, chị em phụ nữ cũng như các cấp chính quyền xã Đoọc Mạy đã rất đồng tình ủng hộ. Từ lãnh đạo xã đến mỗi người dân xã Đoọc Mạy khi biết đến việc làm này đều hăng hái tham gia.

Những hình ảnh, thông tin về cuộc phát động nhổ bỏ cây lá ngón ở Đoọc Mạy được đăng tải trên facebook cá nhân của Chủ tịch Hội LHPN Kỳ Sơn và các chị em ở xã Đoọc Mạy đã được hàng trăm người dân, cán bộ kết nối bày tỏ đồng tình, ủng hộ. Chị Vũ Thị Huyền cho biết, khởi đầu ở xã Đoọc Mạy, thời gian tới Hội Phụ nữ Kỳ Sơn sẽ phát động ở tất cả các xã biên giới, và sẽ đưa việc làm này thành hoạt động thường xuyên trên mỗi bản làng. “Tuy rằng đây không phải là biện pháp tối ưu, nhưng khi xung quanh khu vực sinh sống của bà con không còn cây lá ngón cũng giúp ích rất lớn trong việc ngăn chặn những cái chết từ thứ lá kịch độc này” - chị Huyền khẳng định.

Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cùng chính quyền và hội phụ nữ xã Đoọc Mạy phối hợp cùng bộ đội Biên phòng Đồn BP Na Loi tuyên truyền người dân nhổ bỏ cây lá ngón. Ảnh: Hoài Thu
Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cùng chính quyền và Hội Phụ nữ xã Đoọc Mạy phối hợp cùng bộ đội Biên phòng Đồn BP Na Loi tuyên truyền người dân nhổ bỏ cây lá ngón. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài Kỳ Sơn, một trong những địa bàn có nhiều trường hợp người dân tự tìm đến cái chết bằng lá ngón là huyện Quế Phong, trong đó có địa bàn xã biên giới Tri Lễ. Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ huyện Quế Phong cho biết, xã có 33 bản, trong đó có 8/10 bản người Mông ở dọc các tuyến biên giới. Các trường hợp tự tử bằng lá ngón chủ yếu xảy ra ở các bản đồng bào Mông nên công tác tuyên truyền và thực hiện nhổ cây lá ngón luôn được chú trọng, là một trong các nội dung đảng ủy xã yêu cầu ban quản lý bản và các đoàn thể nơi đây triển khai hàng tháng.

Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng để một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, mặt khác huy động sự giúp đỡ kịp thời của các chiến sỹ quân hàm xanh trong phát hiện, cấp cứu các trường hợp ngộ độc do ăn lá ngón.

Trên địa bàn Nghệ An, ở các xã miền Tây, theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện (chủ yếu là nắm thông tin qua các hội, đoàn thể cung cấp) cho thấy mỗi năm xảy ra không dưới 10 trường hợp tử vong do ăn lá ngón. Để ngăn chặn tình trạng này không chỉ là việc nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón, tác nhân trực tiếp gây ra cái chết cho người dùng nó, mà còn phải chống lại, xóa bỏ tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng, đó là dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát của một bộ phận người dân miền núi.

Lực lượng BĐBP tuyên truyền cho đồng bào về tác hại cũng như cách sơ cứu người khi bị nhiễm độc lá ngón. Ảnh tư liệu

Bởi thế, để “cuộc chiến” này phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng môi trường sống gần gũi, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau bắt đầu từ mỗi thành viên trong gia đình, sau đó là cộng đồng xã hội.

Bài thuốc được sử dụng cấp cứu nạn nhân ăn lá ngón:

Đại úy Hồ Xuân Vượng, quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) cho biết: Để cứu sống người ăn lá ngón cần phải thực hiện trong vòng 1-3 giờ đồng hồ sau khi ăn. Bài thuốc hiệu quả là: Dùng thân cây chuối đập dập, kết hợp rau má rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước hòa với nước thân cây chuối, sau đó thả 2 - 3 con nhái còn sống bỏ vào hỗn hợp nước chuối - rau má trong khoảng 1 phút rồi vớt bỏ nhái, cho bệnh nhân uống để kích thích nôn, loại bỏ độc tố trong dạ dày. Cùng với việc loại bỏ độc tố trong dạ dày bằng phương pháp tự nhiên, kết hợp tiêm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, trợ sức.

Mới nhất

x
'Sao con lại ăn lá ngón, mẹ đau lòng lắm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO