Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành nông nghiệp: Bài cuối: Xác định rõ lộ trình và chiến lược phát triển sau chuyển đổi

20/08/2015 07:43

(Baonghean) - Sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu; tiến trình ấy được xác định khó khăn vì vấn đề gắn với tư liệu sản xuất, số đông người lao động lớn và hơn hết là đất đai do người lao động khai khẩn sản xuất từ hàng chục năm về trước... Việc thu hồi đất đai, giải quyết lao động dôi dư và tìm một hướng mới cho các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp vì thế phải có lộ trình cụ thể, phù hợp, vừa đảm bảo được các quy hoạch sản xuất trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN

Đứng trước chủ trương CPH và sắp xếp lại doanh nghiệp, khá nhiều đơn vị có tâm tư. Họ chỉ có 4 sự lựa chọn theo Nghị quyết số 30/NQ/T.Ư và Nghị định 118/NĐ-CP: một là tiếp tục củng cố doanh nghiệp; hai là cổ phần hóa; ba là thành lập Công ty TNHH 2 thành viên; bốn là giải thể. Từng là doanh nghiệp đi “mở đất”, những người công nhân trước đây là các chàng trai, cô gái thanh xuân nay đã về già, nhường lại đất cho con cái làm ăn, tiếp tục nhận khoán và sản xuất để đóng góp vào hiệu quả của doanh nghiệp. Đồng lương của người lao động trực tiếp của các đơn vị là do “đất”, do “vườn cây” trả, nhưng giữa họ và các doanh nghiệp vẫn có những mối ràng buộc chặt chẽ, khăng khít...

Chăm sóc cam tại Công ty TNHH MTV  Xuân Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: Phú Hương
Chăm sóc cam tại Công ty TNHH MTV Xuân Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: Phú Hương

Trước yêu cầu phải sắp xếp đơn vị, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) với sự tư vấn, đánh giá tiêu chí của cấp trên, đã quyết định chọn hình thức thành lập Công ty TNHH 2 thành viên. Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc công ty cho biết: Để duy trì được hiệu quả sau khi sắp xếp, công ty đã tiến hành tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết. Hiện công ty đã tìm được đối tác là Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An, theo đó thành lập công ty TNHH 2 thành viên. Đất đai ở đây màu mỡ, 1 ha đất sản xuất hiện đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, thậm chí là 1,6 tỷ đồng từ cam mang lại. Công ty đang sử dụng diện tích đất 1.566 ha, trong đó đất nông nghiệp là 1.359 ha, đất lâm nghiệp là 110,57 ha, đất phi nông nghiệp 96,66 ha; đồng thời xác định vẫn duy trì chức năng là sản xuất cây ăn quả có múi, cây công nghiệp dài ngày, dịch vụ tư vấn trồng trọt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, duy trì và phát triển thương hiệu cam Vinh. Chính vì thế, công ty đang cần vốn để đầu tư một kho đông bảo quản cam, đồng thời đầu tư dây chuyền chế biến cao su…

Còn ở Công ty Cà phê - Cao su Nghệ An, để CPH hiệu quả, công ty đang tiến hành tìm đối tác có tầm để đưa Công ty vượt qua khó khăn, nhất là trong hơn 2 năm nay, cà phê, cao su rớt giá mạnh, kinh doanh chỉ cầm chừng... Đối với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi (Tân Kỳ), việc tìm kiếm đối tác cũng khẩn trương được tiến hành, do vốn ít, công ty liên doanh với Công ty CP mía đường Sông Con để thành lập Công ty TNHH 2 thành viên, nhằm tăng năng lực sản xuất. Tiến trình này đã được 2 bên thống nhất, theo đó phát triển hơn nữa vùng nguyên liệu của cả 2 công ty. Ông Lê Đình Hoan, Giám đốc Nhà máy đường Sông Con, cho biết: Công ty sẽ góp vốn vào cho Công ty TNHH MTV An Ngãi và phía An Ngãi vẫn quản lý theo mục tiêu để công ty phát triển. Việc góp vốn này nhằm tăng hiệu quả hoạt động của DN nhà nước sau sắp xếp. Đối với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con, không nhất trí sáp nhập vào Nhà máy đường Tân Kỳ, UBND tỉnh cho công ty được giải thể, nhưng mới đây công ty lại không muốn giải thể nữa, mà có đơn đề nghị UBND tỉnh thực hiện sắp xếp lại.

Đối với Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, CPH là phương án mà công ty lựa chọn để tăng năng lực mới. Bà Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc công ty cho biết: Là một doanh nghiệp sản xuất để mang ngoại tệ về, công ty phải chăm lo vùng nguyên liệu, chăm lo sản phẩm, luôn phải trăn trở, tìm kiếm thị trường, việc làm, tiền lương cho người lao động. Từ vùng đất cằn cỗi, rừng núi hoang vu, để có được vùng chè như hôm nay là cả bao thế hệ đã dày công khai khẩn, chăm trồng. Bây giờ sắp xếp lại doanh nghiệp là một đòi hỏi tất yếu, cần phải thực hiện, nhưng bên cạnh đó cũng còn phải giải quyết bao nhiêu vấn đề khác như: lao động dôi dư, trả lại đất cho Nhà nước. Đặc biệt, công ty luôn đau đầu với tình trạng mua tranh nguyên liệu chè của các cơ sở chế biến. Tổng đầu tư cho vùng nguyên liệu của công ty từ trước tới nay đã lên đến 57 tỷ đồng. Nếu như cứ giữ doanh nghiệp Nhà nước mãi thì khó phát triển. Sản xuất, kinh doanh nếu nhiều chủ, mỗi người một cách lãnh đạo, điều hành, nhiều khi không thống nhất và thậm chí không hiểu bản chất. CPH là dịp để công ty cải tổ tư duy quản lý, là dịp để người lao động xác định lại vị trí, nghĩa vụ của mình, tăng cường ý thức, trách nhiệm, cùng bỏ vốn vào và làm chủ đồng vốn của mình.

Khó khăn của Công ty Đầu tư và Phát triển chè đang gặp phải đó là việc trả lại đất cho Nhà nước. Hiện công ty đang quản lý 4.300 ha, sắp tới chỉ để lại 1.600 ha gồm cơ sở chế biến và vùng lõi của các xí nghiệp chế biến. Công ty sẽ phối hợp với người dân trong thu mua nguyên liệu, giao lại cho địa phương trách nhiệm quản lý hành chính, hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Người lao động sẽ trồng chè theo quy hoạch, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đúng loại giống và sau đó bán lại cho công ty. Chiến lược mới của công ty sau CPH là: Xác định vẫn sản xuất chè, giữ ổn định được tính hệ thống của công ty, gồm bộ máy quản lý thực hiện nhiệm vụ điều hành và giải quyết thị trường, các đơn vị thành viên là các nhà máy sản xuất. Để tăng vốn, công ty sẽ chọn các cổ động có thị trường chè tốt, có năng lực mạnh về thị trường để hỗ trợ nhau, hai bên cùng có lợi. Về chế biến: với 2 dòng sản phẩm là chè đen và chè xanh, doanh nghiệp vẫn đang chung thủy để tạo nên một mặt hàng có thương hiệu cho tỉnh Nghệ An.

Vấn đề lớn trong sắp xếp, đổi mới, CPH các doanh nghiệp nông nghiệp là việc làm cho người lao động. Đối với Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An hiện đang phải giải quyết số lao động dôi dư khá lớn. Đây là vấn đề rất lớn, khi trong tổng số 2.100 lao động hiện nay dự kiến sẽ chỉ sử dụng 350 người. Công ty chỉ giữ lại một số diện tích đất làm vườn cây mang tính chất trình diễn, chuyển giao KHKT, một số lao động làm dịch vụ, một số quản lý điều hành, số còn lại cần được giải quyết. Bước đầu công ty đã sàng lọc được 112 lao động thuộc diện dôi dư, nhưng sau khi CPH, sẽ tiếp tục sàng lọc để chỉ đảm bảo con số 350 người; lao động ở lại là những người tâm huyết, có năng lực, đáp ứng được nhiệm vụ. Công ty sẽ lập văn bản và đề nghị cấp trên cấp kinh phí để giải quyết lao động dôi dư. Ở Công ty ĐT và PT chè Nghệ An hiện có 997 lao động gồm cả lao động ở công ty và 8 xí nghiệp, đơn vị trực thuộc; lao động dôi dư 44 người, khi duyệt chính thức sẽ còn dôi dư nữa. Ở Công ty TNHH MTV Xuân Thành, đáng mừng là bước đầu không có lao động dôi dư, công ty có kế hoạch vẫn thực hiện các chính sách lao động về BHXH, BH tự nguyện cho họ... Tính chung tất cả các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp ở tỉnh ta diện sắp xếp hiện có 5.667 người, sau sắp xếp dự kiến sử dụng 4.770 người, còn 862 người sẽ giải quyết chế độ theo quy định, trong đó lao động trong các công ty nông nghiệp là 810 người, lao động trong các công ty lâm nghiệp 52 người. Đây là số lượng lao động khá lớn cần được bố trí nguồn để giải quyết chế độ.

Thu hoạch chè tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Đầu tư -Phát triển chè Nghệ An.
Thu hoạch chè tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Đầu tư -Phát triển chè Nghệ An.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông cho biết, sở đang thực hiện theo quy trình, quy định của Trung ương về sắp xếp lại các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp. Quan điểm của sở là dù có sắp xếp, đổi mới hình thức sở hữu doanh nghiệp, nhưng sở vẫn phải thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực của mình, doanh nghiệp phải đảm bảo quy hoạch sản xuất về cây trồng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo mục tiêu.

Trao đổi về vấn đề lựa chọn hình thức sắp xếp doanh nghiệp đảm bảo dân chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh áp đặt cho doanh nghiệp, ông Lập cho biết: “Thực hiện chủ trương sắp xếp, sở đã cho phép các doanh nghiệp tự đề xuất hình thức thì cơ bản các DN thích hình thức CPH. Nhưng sau khi rà soát lại các quy định của Nhà nước, thẩm định của tỉnh: Tiêu chí nếu DN khoán trắng trên 70% vườn cây, thì đương nhiên phải giải thể. Rà soát lại tất cả các công ty của tỉnh ta thì không có một công ty nào có tài sản trong vườn cây. Vốn Nhà nước không tồn tại ở các vườn cây, như vậy lấy gì mà cổ phần. Bởi vậy những DN nào có vốn lớn thì cần phải CPH, còn những DN nào vốn Nhà nước nhỏ cần phải liên doanh, liên kết với các đối tác để có hình thức khác”.

Như vậy là đã rõ hướng đi sắp tới của các DN ngành Nông nghiệp, vấn đề còn lại là các DN sau khi sắp xếp, liên doanh, liên kết làm sao phải thực sự hiệu quả từ thực sự đổi mới tư duy, đổi mới quản lý, công tác nhân sự; có phương án quản lý và phát huy vốn Nhà nước ở những DN còn vốn Nhà nước, nhất là không để DN Nhà nước bị biến tướng sang một hình thức khác...

Châu Lan - Phú Hương

Mới nhất

x
Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành nông nghiệp: Bài cuối: Xác định rõ lộ trình và chiến lược phát triển sau chuyển đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO