Kinh tế

Sạt lở bờ sông Lam ngày càng phức tạp

Phú Hương 19/07/2024 11:05

Bờ sông Lam ngày càng lấn sâu vào đất liền, nhiều bãi đất trồng màu giờ thành sông nước mênh mông.

Hàng trăm điểm sạt lở

Đất sản xuất nông nghiệp ven sông bị thu hẹp dần, mỗi năm đến mùa mưa lũ, nhiều diện tích mùa vụ, cây trồng của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước. Đáng ngại hơn, tại một số điểm còn tiềm ẩn nguy cơ khó lường khi tình trạng sạt lở bờ sông đang có xu hướng ăn dần vào thân đê.

Những chân bờ lở loét, dễ sạt lở. Ảnh: Phú Hương
Những chân bờ lở loét, dễ sạt lở. Ảnh: Phú Hương

Tình trạng sạt lở bờ sông Lam ở huyện Hưng Nguyên đã xảy ra đã nhiều năm, nhưng nặng nề nhất trong vòng 5 năm trở lại nay. Trong số nhiều vị trí bị sạt lở ở địa phương này, nặng nề nhất là ở xã Long Xá với diện tích đất bị sông “nuốt gọn” mỗi năm lên tới trên 3.000 m2. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này, đó là phía bờ bên Hà Tĩnh đã được kè, hình thành bãi bồi và gây biến đổi dòng chảy làm sạt lở mạnh phía bờ dọc địa phận huyện Hưng Nguyên.

Hơn 500m bờ sông tại xã Long Xá, Hưng Nguyên đang ngày càng lấn sâu vào đất liền. Ảnh: Phú Hương
Hơn 500m bờ sông tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên đang ngày càng lấn sâu vào đất liền. Ảnh: Phú Hương

Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hưng Nguyên có khoảng gần 1.000 ha đất bãi ven sông Lam phù hợp sản xuất nhiều loại cây trồng, đặc biệt vùng đất màu mỡ này rất thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những năm gần đây, huyện đã tập trung thu hút, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân triển khai các dự án, mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đến nay một số mô hình tại các xã Hưng Thành, Hưng Lĩnh, Long Xá đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với sản xuất thông thường.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh. Ảnh: Phú Hương
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh, xã Long Xá. Ảnh: Phú Hương

Tình trạng sạt lở thời gian qua ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp của huyện, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các xã đất bãi bồi màu mỡ”,

Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Nguyên

Hiện nay, dọc bờ sông Lam với chiều dài hơn 168 km có hàng trăm vị trí sạt lở thuộc địa bàn 68 xã, phường, thị trấn. Sạt lở ven sông đã làm mất nhiều diện tích đất canh tác, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nhà cửa người dân. Nguyên nhân được xác định là do sự biến đổi dòng chảy và tình trạng khai thác cát ồ ạt.

Những chiếc thuyền chờ đến giờ đi hút cát trái phép trên sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương
Những chiếc thuyền chờ đến giờ đi hút cát trái phép trên sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

Ông Trần Quốc Toản - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết: Có thể cục bộ hoặc thành cả tuyến dài nhưng nhìn chung, ở tất cả các địa phương có sông Lam đi qua đều xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, tuy nhiên, nặng nề nhất là ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn và Hưng Nguyên.

Chi cục đã thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ sạt lở và đề xuất giải pháp để khắc phục. Bằng nguồn kinh phí từ Trung ương và của tỉnh, một số dự án đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông Lam đã được thực hiện. Tuy nhiên, kinh phí khó khăn nên mấy năm gần đây hầu hết chỉ khắc phục cục bộ ở những vị trí nguy hiểm, nhiều điểm ách yếu, sạt lở kéo dài dọc bờ sông Lam, nhất là ở vùng hạ du vẫn còn tồn tại. Và như vậy, trước mùa mưa bão năm nay, nguy cơ mất đất, mất an toàn vẫn còn hiện hữu tại nhiều địa phương của tỉnh.

Sông “ăn” đất

Chỉ trong 5 năm từ 2019 đến nay, trang trại 6 ha của Hợp tác xã sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh ở xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên đã mất khoảng gần 9.000 m2 đất sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc hợp tác xã lo ngại: Cứ đến mùa mưa lũ là bờ sông lại bị sụt, trôi từng khối đất to, mà 5 năm nay, không năm nào không có lũ. “Đề phòng sạt lở, ngay từ vụ sản xuất đầu tiên chúng tôi đã phải chừa ra khoảng 30m không dám trồng gì, thế nhưng đến nay đã bắt đầu phải tiếp tục lùi thêm. Bờ sông dựng đứng không còn độ truồi, dưới chân đất lỏng gần như không còn độ bám nên mùa mưa lũ sắp tới chưa biết mất bao nhiêu đất tiếp”, ông Thành chán nản.

Những vườn keo của người dân có nguy cơ trôi dần theo dòng nước. Ảnh: Phú Hương
Những vườn keo của người dân có nguy cơ trôi dần theo dòng nước. Ảnh: Phú Hương

Những năm qua, vùng đất bãi sông Lam kéo dài từ xã Xuân Lam sang xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên liên tục bị sạt lở sâu vào phía bờ. Chỉ riêng vùng bãi bồi của xã Long Xá với chiều dài 2,2 km trước đây có diện tích trên 200ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 150 ha.

Ông Võ Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Dọc bờ sông đã có một số đoạn đã được đầu tư xây dựng kè, những diện tích này bà con đã sản xuất được cả vừng vụ hè thu. Phần lớn diện tích còn lại đều bị sạt lở, có những đoạn chỉ còn cách thân đê vài trăm mét, người dân chỉ dám làm màu vụ xuân thời điểm không có mưa lũ và sạt lở.

 bãi trồng vừng. Ảnh- Phú Hương
Tại những đoạn bờ sông đã được kè, người dân Long Xá vẫn trồng vừng hè thu trên đất bãi. Ảnh: Phú Hương

“Chúng tôi cũng đã tổ chức trồng các loại cây chắn sóng nhưng không hiệu quả, đến mùa mưa lũ cây cũng bị cuốn trôi xuống sông hết, đất pha cát rất dễ bị sụt lở”, ông Võ Văn Chiến cho hay. Chỉ trong chưa đầy 10 năm, bờ sông đã lùi vào sâu khoảng 40m. Sạt lở cuốn trôi đất, nên nếu trước đây một khẩu có trên 300 m2 đất bãi để sản xuất thì hiện chỉ còn 10 thước mỗi khẩu, trong khi ở địa phương này sản xuất nông nghiệp làm màu là chủ yếu, mỗi khẩu chỉ có 9 thước đất trồng lúa.

Không chỉ mất đất sản xuất, con đường liên xã từ Long Xá đi Xuân Lam mới được làm năm 2023 với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng đã ngày càng sát bờ sông và nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài thì “sông nuốt đường” là nguy cơ rất rõ.

Nếu không có giải pháp kịp thời, con đường liên xã với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng này sẽ đối mặt với nguy cơ bị
Con đường liên xã từ Long Xá đi Xuân Lam có nguy cơ bị "xoá sổ". Ảnh: Phú Hương

Cùng chung tình trạng như thế, tại xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, diện tích đất nông nghiệp ven sông Lam cũng bị sạt lở nghiêm trọng; nhiều diện tích cây hoa màu và một phần rừng cây nguyên liệu keo lai của người dân đã trôi theo dòng nước. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong vòng 4 năm nay, địa phương này bị mất tới 17ha đất bãi do sạt lở.

Theo ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, để có thể giải quyết vấn đề này, nguồn lực của địa phương là không thể, giải pháp khả thi chỉ là có sự đầu tư từ Trung ương và tỉnh để xây kè bảo vệ bờ sông.

phuc.jpg
Sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xã Lạng Khê, huyện Anh Sơn. Ảnh: Thanh Phúc


Mới nhất

x
Sạt lở bờ sông Lam ngày càng phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO