“Sát thủ” diệt máy bay Mỹ hành quân giữa thời bình

29/06/2012 15:09

“Mỗi lần đi quy tập, đưa đồng đội về với quê hương, tôi càng thương những người còn nằm lại giữa núi rừng, không mồ mả, không ai nhang khói. Nhiều đêm nằm mơ thấy anh em về, lòng tôi như lửa đốt, càng quyết tâm đi tìm” - ông Kiểm bộc bạch tự đáy lòng.


Những cuộc “hành quân” tìm đồng đội giữa thời bình

Chiến tranh qua đi, ông ở lại gắn bó với mảnh đất chiến trường xưa và nên duyên vợ chồng với bà Lê Thị Ngọc, một đồng đội cùng đơn vị pháo binh 575. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh, ghánh vác gia đình.

Nhưng trong ông vẫn đau đáu một nỗi lòng với những đồng đội đang nằm lại giữa rừng già, chưa tìm thấy hài cốt. “Mình may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, nhưng còn biết bao nhiêu đồng đội đang nằm cô quạnh, lạnh lẽo ngoài đó.

Chính tay tôi đã chôn cất nhiều đồng chí hy sinh nên đó là nhiệm vụ của tôi với anh em, với người thân của họ. Tôi phải đưa anh em về đoàn tụ với gia đình, quê hương” ông Kiểm ngậm ngùi.

Mang trong mình nỗi trăn trở ấy, người lính già âm thầm chuẩn bị hành trang để thực hiện những cuộc “hành quân” cuối đời, đưa đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng trên chính mảnh đất quê hương của họ.

Nhưng trải qua 40 năm, đường đi lối lại bây giờ đã khác xưa nhiều nên rất khó để nhận ra đâu là chỗ họ hy sinh, đâu là chỗ mai táng... Ông và những người đồng hành phải tìm lại dấu vết đường cũ, tìm lại các đường mòn của đơn vị hành quân, rồi lần ra hậu cứ.

Những tấm huy chương của lòng dũng cảm.


Dấu vết duy nhất là các quả đồi, những hòn đá lớn, các địa điểm trên dòng suối ngày xưa thường hay ra tắm giặt...

Mỗi một chuyến đi kéo dài hàng chục ngày, hành trang của ông mang theo gồm có gạo, cá khô, muối, tăng bạt, võng, dao, xẻng, cuốc..., và có một thứ không bao giờ thiếu đó là một vài lít rượu để mỗi khi tìm thấy hài cốt lại cùng đồng đội “hàn huyên”, tâm sự.

Cuối năm 1992, ông cùng hai đồng đội cũ mang ba lô trở lại vùng chiến trường Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tìm hài cốt đồng đội. Đây là chuyến đi gian khổ và nguy hiểm nhất trong hành trình hơn 20 năm “luồn” rừng về với đồng đội cũ của người lính già.

Theo những dấu tích xưa còn sót lại, ông đến dốc Gió, nơi đồng đội đã chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Dần (quê TP.Hải Phòng). Ông ngậm ngùi tâm sự “Để lên được dốc Gió, chúng tôi phải đi cả ngày đường, vượt qua nhiều đoạn rừng núi hiểm trở.

Nhiều nơi phải đu dây do bộ đội ta treo từ trước ngày giải phóng mới lên được đỉnh. Hầu hết, các đoạn dây đu này đã cũ và mục nát khiến chúng tôi bị ngã không biết bao nhiêu lần. Nhưng may mắn không ai bị sao, có lẽ nhờ đồng đội đỡ…”.

Khi đã vượt qua đoạn đường núi hiểm trở, ba người bắt tay vào tìm nơi an nghỉ của đồng đội. Nhưng thời gian trôi qua đã xóa nhòa nhiều dấu tích xưa cũ, chỉ còn lại những cánh đồng lau sậy rậm rạp, u tịch.

Khi đó ông mừng vì “Nhờ hòn đá lớn năm xưa dùng để đánh dấu vẫn còn nên chúng tôi biết được vị trí các anh nằm”. Trời tối, ba người lính mắc võng dù ngủ xung quanh nấm mồ của đồng đội, ngồi ôn lại chuyện xưa.

Họ kể cho đồng đội đang nằm dưới đất sau kia nghe về cuộc sống sau ngày chiến thắng, cuộc sống của những người còn “sót lại” sau mỗi trận đánh. Họ gọi tên từng người ngã xuống mà hai hàng nước mắt tuôn rơi. Trời vừa hửng sáng, các ông thắp nhang và tiến hành đào bới, cất bốc.

“Khi đồng đội ngã xuống, chỉ có tấm vải dù bọc thân thể các anh về với đất mẹ. Nhiều người không kịp chôn chỉ vùi tạm mấy lớp đất phủ lên. Giờ cất mộ, chúng tôi vẫn tìm thấy những kỷ vật các anh để lại.

Đó là những lá thư viết vội cho người yêu chưa kịp gửi, là chiếc lược làm bằng mảnh bom chưa kịp tặng người yêu, là nhật ký hành trang đời lính trẻ…” ông kể trong nước mắt.

Trở về sau chuyến “hành quân” gian khổ, ông làm một quyển sổ ghi lại tên và địa điểm những người đồng đội đã hy sinh, chờ ngày lên đường đi quy tập. Cứ hễ nghe ở đâu có thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ là ông lại tìm đến xin địa chỉ, ghi chép cẩn thận.

Những chuyến đi của ông ngày càng dày và xa hơn, có khi kéo dài đến cả tuần. Hành trang mang theo chỉ có chiếc cuốc nhỏ, mấy gói mỳ tôm và chiếc ba lô con cóc thời chiến.

Năm 2001, nhờ sự chỉ dẫn của đồng đội cũ, ông Kiểm một mình “hành quân” về lại chiến trường vùng B (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tìm hài cốt liệt sĩ Đào Văn Bằng (quê huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).

Nói về người đồng đội ông kể “Cậu ấy hy sinh trong một trận đánh với Mỹ - ngụy ở dốc Ông Thủ. Chính tay tôi đã chôn cất và đánh dấu địa điểm để sau này trở lại tìm. Nhưng do địch càn tới quá nhanh nên tôi chỉ kịp lấp mấy viên đá to chất lên làm mồ cho đồng đội.

Gần ba mươi năm sau quay lại, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh, tôi chỉ nhớ mang máng chôn anh ấy gần một đỉnh đồi cao” . Hơn bốn lần đi tìm kiếm suốt một dải rừng già nhưng nơi an nghỉ của đồng đội vẫn biệt tăm.

Nhiều đêm nằm trằn trọc, day dứt, ông lại lật giở bản đồ, cố nhớ lại vị trí chôn năm xưa nhưng vô vọng. Ông tự trách mình sao lú lẫn quá nhanh đến nỗi không nhớ nơi đồng đội, đồng chí nằm. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài đi tìm người đồng đội đó.

“Mỗi lần đi quy tập, đưa đồng đội về với quê hương, tôi càng thương những người còn nằm lại giữa núi rừng, không mồ mả, không ai nhang khói. Nhiều đêm nằm mơ thấy anh em về, lòng tôi như lửa đốt, càng quyết tâm đi tìm” - ông Kiểm bộc bạch tự đáy lòng.

Nỗi trăn trở của người lính già

20 năm băng rừng, vượt suối về chiến trường xưa, ông đã tìm thấy hàng chục hài cốt liệt sĩ, cùng người thân đưa họ trở về lại quê hương sau mấy chục năm trời phơi sương nằm gió ở miền đất lạ.

Đằng sau mỗi cuộc “hành quân” của ông luôn có hình bóng của người vợ, người đồng đội đã từng kề vai, sát cánh chiến đấu nơi chiến trường.

“Khi ông ấy lên rừng đi tìm và quy tập mộ đồng đội thì tôi ở nhà đưa hài cốt anh em về quê nhà. Mới đây, tôi cùng theo đoàn xe đưa hai phần mộ đồng đội ra Hà Tây, sau gần bốn mươi năm nằm lưu lạc giữa rừng già.

Người nhà các anh vừa mừng vừa khóc khi gặp lại người anh, người chú trong gia đình” - bà Ngọc (vợ ông Kiểm) trò chuyện với chúng tôi.

Lật giở quyển sổ ghi lịch trình, tên tuổi và vị trí an nghỉ của đồng đội, ông lại rưng rưng nước mắt: “Tôi còn mắc nợ các anh ấy nhiều lắm! Nếu không đưa được các anh về với quê cha, đất tổ thì tôi không yên lòng mà nhắm mắt được”.

Thấy cha tuổi già, sức yếu, sợ đổ bệnh giữa rừng nên con cái trong nhà hết lời khuyên can. Những lúc như thế ông chỉ nói:

“Bom đạn của kẻ thù còn không giết được tao thì mấy cái mưa rừng, gió núi có ngán chi. Tranh thủ khi tao còn trí nhớ, đi đưa đồng đội về. Đến khi nằm liệt giường, ai đưa các chú ấy về? Bây đừng can tao”.

Năm 2008, căn bệnh cao huyết áp và chảy máu dạ dày lại hành hạ cơ thể ông khi ông vừa trở về sau một chuyến vượt rừng. Người nhà đưa ông đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị thì nhận được thông tin người nhà liệt sĩ Đỗ Khắc Pha (quê ở Hà Tây) vào tìm.

Đang lúc các bác sĩ không để ý, ông vội thu dọn áo quần thuê xe ôm về nhà đón thân nhân đồng đội. Nhiều người ngăn ông, buộc ở nhà trị bệnh nhưng ông lại gạt phăng đi “Chỉ có tôi mới biết được vị trí anh ấy nằm, nếu tôi không đi thì không tìm ra được”.

Nói rồi ông dẫn mọi người đến khu vực cánh bắc Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) - nơi diễn ra trận đánh với Sư đoàn 2 Mỹ ngụy năm xưa để tìm kiếm. Mang bệnh trong người, nhưng chính tay ông đã lượm hài cốt đồng đội từ dưới đất sâu, phủ lên trên lá cờ tổ quốc.

Trong quyển nhật ký “hành quân” của ông đều ghi lại đầy đủ tên, tuổi, quê quán, đơn vị chiến đầu của từng người, như:

“Ngày 4/4 đến ngày 16/4/2008, tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Đỗ Khắc Pha (quê Đan Phượng, Hà Tây) ở khu cánh bắc Hòa Vang.

Ngày 20/6 đến 28/6, tìm thấy hài cốt liệt sĩ Trần Văn Tý (quê Đan Phượng, Hà Tây) ở bản Giàn Bí, xã Hòa Bắc, Hòa Vang.

Ngày 29/6 đến ngày 6/7 tìm thấy hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thái (Đan Phượng, Hà Tây) ở bản Tà Lang, xã Hòa Bắc.

Ngày 14/8 đến 19/8 tìm thấy hài cốt liệt sĩ Tạ Văn Thiết (Đan Phượng, Hà Tây) ở dốc Ông Thủ (Đại Lộc); từ ngày 20/8 đến 25/8, tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thiết ở khu vực dốc Ông Thủ... “.

Ông tâm sự: “Vẫn còn nhiều người đang nằm đâu đó trên những cánh rừng già mà chúng ta vẫn chưa tìm thấy. Tôi chỉ sợ 3 - 4 năm nữa, khi thế hệ chúng tôi nằm xuống, thì không có ai còn nhớ để đưa các anh về”.

Trong những chuyến hành quân, ông cũng có dịp trở lại những bản làng xưa, nơi đã từng cưu mang ông trong những ngày bị thương, trú những đợt càn quét của địch. Những người dân nghèo ấy đã cùng ông trèo đèo, lội suối, chu cấp cơm gạo để tìm đồng đội về.

Với ông, nguyện vọng lớn nhất là còn đủ sức khỏe để lên đường. “Tôi sẽ không bao giờ dừng bước trước nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này. Nếu không làm điều này, mai kia về bên kia gặp các anh, tôi cảm thấy hổ thẹn lắm” - ông ngẹn ngào.

Ông tiết lộ rằng, trên đường đi tìm hài cốt những người cùng đơn vị, ông còn gặp nhiều hài cốt đồng đội khác nhưng vì không biết tên, tuổi, quê quán hay đơn vị chiến đấu nên không thể cất bốc.

Ông cũng đã đánh dấu những chỗ có hài cốt và báo lại cho chính quyền địa phương. Nếu có tổ chức, cá nhân thân nhân liệt sĩ đến tìm, ông sẽ dẫn đường và cùng họ đi đến tận nơi để đưa về.


Theo Phunutoday - NT

Mới nhất

x
“Sát thủ” diệt máy bay Mỹ hành quân giữa thời bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO