Sâu bền gốc rễ với quê hương
(Baonghean) Gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ đồng hương tỉnh Nghệ An và hội viên Hội Doanh nghiệp Nghệ An tại Hà Nội từ gần 20 năm nay đã trở thành hoạt động thường niên. Những buổi gặp gỡ ấy để lại niềm ấm áp, xúc động không chỉ bởi những tâm huyết được tỏ bày, tình cảm, trách nhiệm được nhân lên, mà sâu xa hơn là bởi những trái tim đã hòa chung nhịp đập hướng về nguồn cội...
Tôi còn nhớ về một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Đại biểu Trung ương, địa phương và các tỉnh bạn về dự đông đủ. Trên khán đài có nhiều đại biểu cao tuổi, khuôn mặt hồng hào, rạng rỡ. Dù chưa được giới thiệu thì đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh đều biết đó là các cô, các bác trong Ban Liên lạc đồng hương Nghệ An tại Hà Nội và Hội Doanh nghiệp Hồng Lam về dự lễ. Trang nghiêm trong giờ phút chào cờ và nhìn lên cao phía Tượng đài Bác, hơn ai hết, trong những đôi mắt rưng rưng ấy lắng lại lời Bác Hồ năm xưa: "Quê hương nghĩa trọng, tình cao...".
Gần đây, chúng tôi được tin tỉnh nhà đang phối hợp với một số nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tập hợp tư liệu tiến tới xuất bản cuốn sách Nghệ An - những kỷ lục. Chưa biết những kỷ lục đó được tuyển chọn, hệ thống theo tiêu chí nào, qua trò chuyện vui, được biết, có thể có kỷ lục "có nhiều người đi làm ăn, sinh sống, thành đạt ở ngoại tỉnh nhất!". Nói cho vui, nhưng chắc chắn điều đó là có thật, là đáng quan tâm, suy nghĩ.
Từ bao đời nay, người Nghệ sinh ra trên mảnh đất nghèo, nơi "gió Lào thổi cong dòng Lam", chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập nên cái nghèo, cái đói hiện ra không chỉ trong tháng Ba, ngày Tám giáp hạt, "vét cơm sưng cả đáy nồi"... Đất nghèo không cam chịu đói nghèo, hay chữ lại hay nghĩa là bản chất, bản lĩnh người Nghệ. Hình ảnh những ông đồ nghèo hay chữ ngày xưa và những cô cậu thủ khoa con nhà nghèo ngày nay chắc chắn là sự tiếp nối đáng tự hào truyền thống vượt khó học giỏi, rèn đức, luyện tài tài của người Nghệ ở quê nhà cũng như khắp mọi miền trong và ngoài nước.
Sở dĩ phải dài dòng một chút, là bởi tất cả những người Nghệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành, hoạt động ở quê nhà hay bất cứ nơi đâu đều mang đầy đủ cốt cách, tinh thần "nghĩa trọng, tình cao" như vậy. Người viết may mắn được gặp gỡ, trò chuyện một số lần với các cô, bác trong Ban Liên lạc đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh, được gặp và đọc báo của Hội đồng hương Nghệ An tại Liên bang Nga, nghe- xem văn nghệ "Ân tình xứ Nghệ" của cộng đồng sinh viên Nghệ tại một số trường đại học tại Hà Nội... Có một điểm chung không lẫn vào đâu được là... ăn to, nói lớn, hết lòng vì công việc, vì bạn bè, đồng hương và không bao giờ quên hỏi han, nhắc nhở nhau "Có về quê không? Trong quê mưa lụt, không biết có việc gì không?". Và đi đâu thì cũng thấy, cũng gặp niềm tự hào, yêu mến hướng về đội bóng mang tên dòng sông quê nhà.
Anh hùng Phan Văn Quý - Chủ tich Tập đoàn Thái Bình Dương - người con quê hương Yên Thành hiện đang công tác tại Hà Nội trao tiền hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An
Phần lớn, các hoạt động của người Nghệ xa quê đều xuất phát từ tấm lòng, trách nhiệm với quê hương, tùy vào từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng người mà thể hiện. Nhưng tôi biết chắc mọi hoạt động chỉ thực sự có hiệu quả, đúng hướng và kịp thời nếu được kết nối thường xuyên với lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Điều này thì Ban Liên lạc đồng hương Nghệ An tại Hà Nội do bác Nguyễn Mạnh Cầm làm Chủ tịch là địa chỉ tin cậy, trách nhiệm và hiệu quả đã được minh chứng.
Là những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có đầy đủ thông tin và các mối quan hệ xã hội rộng lớn, có tiếng nói trọng lượng với cộng đồng, các bác Võ Thúc Đồng (đã mất), Nguyễn Mạnh Cầm, Chu Mạnh, Trương Kiện, Hồ Đức Việt Trương Đình Tuyển, Lê Doãn Hợp,... đã thường xuyên có những ý kiến đóng góp quan trọng trong việc hoạch định, triển khai các bước phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt lẫn lâu dài của tỉnh, là tác nhân quan trọng để định hướng và quyết định những chương trình, dự án quy mô lớn trên địa bàn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển..
Trong những trường hợp cụ thể, các bác trong Ban Liên lạc chính là "đồng tác giả" của những công trình đầu tư của Hội Doanh nghiệp Hồng Lam, của Hội Doanh nghiệp Nghệ-Tĩnh tại TP.Hồ Chí Minh, tại tỉnh nhà được triển khai lâu nay như mọi người đã biết. Không chỉ nêu chủ trương, biện pháp, các bác còn trực tiếp xắn tay vào những việc cấp bách như công tác cứu trợ, vận động ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai lũ lụt các năm 1978, 1982, 1989, 2007... với rất nhiều kết quả đáng tự hào.
Trung tâm thương mại Vinh Vicentra - một trong những công trình mang dấu ấn của doanh nhân người Nghệ. Ảnh: P.V
Hội doanh nhân Nghệ An tại Hà Nội đã quy tụ gần 130 doanh nhân doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có uy tín đang hoạt động tại Hà Nội. Giữa họ có mối quan hệ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nhưng rõ nét hơn cả chính là những hoạt động đầu tư xây dựng quê hương có hiệu quả. Có thể kể ra thật nhiều tên tuổi của các doanh nhân: Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng, Nguyễn Minh Hồng, Phan Văn Quý, Nguyễn Trường Sơn, Lê Thanh Thản, Thái Hương... Dấu ấn của họ chính là công trình Vinh Plaza, là Bệnh viện đa khoa Phủ Diễn, là Khách sạn Mường Thanh, Trường THPT Tư thục Nguyễn Du, Bệnh viện Nguyễn Minh Hồng, Công ty CP Thực phẩm Sữa T.H, Ngân hàng Bắc Á hay hàng trăm hộ thoát nghèo nhờ hàng chục tỷ đồng được vay không lãi suất của Tập đoàn Bảo Sơn...
Biết bao dự án, công trình mọc lên trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh nhà vừa là kết quả của công tác thu hút đầu tư, vừa là tấm lòng, trách nhiệm đáng quý của những người Nghệ đã và đang thành đạt nhưng luôn biết cách "sâu bền gốc rễ" với quê hương.
Cũng gần đây, tôi nhận được một tin vui, tỉnh nhà đang triển khai một dự án có tên ban đầu là "Làm gì để thu hút nguồn lực người Nghệ ngoại tỉnh có hiệu quả nhất?". PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quê Thanh Chương, là người chấp bút dự án đã hồ hởi thông báo như vậy và mong muốn đồng hương Nghệ An trên khắp các lĩnh vực hãy cùng nhau đóng góp trí tuệ, tình cảm để dự án được thực thi sớm nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Ông nói: "Chúng ta làm bao nhiêu việc lớn, việc khó cho cả nước, chả lẽ việc này mình lại chịu bó tay ư?". Ông thông báo, cuối tuần này ông về làm việc với lãnh đạo tỉnh, sau đó sẽ kết nối anh em và lên kế hoạch hành động phối hợp. "Quê hương nghĩa trọng, tình cao" phải là những công trình cụ thể, thiết thực như thế!
Phạm Gia